Elon Musk đang tạo ra thương vụ chưa từng có tiền lệ

So với những thương vụ kịch tính trong lịch sử, diễn biến thỏa thuận mua lại Twitter của tỷ phú Elon Musk khiến các bên bối rối.

Những vụ thâu tóm với diễn biến căng thẳng không phải hiếm trong quá khứ. Trùm dầu mỏ T. Boone Pickens, nhà đầu tư Carl Icahn hay Robert Campeau không ngại "khẩu chiến", kiện tụng để mua được công ty mong muốn.

Tuy nhiên, cây viết Lauren Hirsch của New York Times nhận định lịch sử các thương vụ thâu tóm doanh nghiệp chưa từng xuất hiện nhân vật như Elon Musk.

Từ khi công bố mua lại mạng xã hội Twitter vào tháng 4 với giá 44 tỷ USD, CEO Tesla liên tục có những phát ngôn gây chú ý. Thông thường khi chấp nhận thỏa thuận, 2 bên sẽ dành nhiều tuần để kiểm tra tình hình tài chính, thống nhất điều khoản và những vấn đề quan trọng. Giai đoạn này diễn ra kín đáo tại văn phòng các tập đoàn, công ty luật và ngân hàng đầu tư.

Elon Musk có thể bị buộc mua lại Twitter dựa trên điều khoản đã ký trước đó. Ảnh: New York Times.

Elon Musk có thể bị buộc mua lại Twitter dựa trên điều khoản đã ký trước đó. Ảnh: New York Times.

Theo hồ sơ pháp lý, Musk không muốn thẩm định như bình thường. Thay vào đó, CEO Tesla công khai chỉ trích các vấn đề của Twitter trên chính nền tảng, đăng tweet chế nhạo hội đồng quản trị công ty bằng ảnh chế (meme) và biểu tượng cảm xúc. Những ý kiến của Musk đều được công khai trên Internet khi thương vụ chưa hoàn tất.

Thỏa thuận ràng buộc Elon Musk

Về bản chất, Musk đã biến thương vụ mua lại Twitter từ thân thiện trở thành tiếp quản thù địch (hostile takeover). Hành động của vị tỷ phú khiến các nhà lập pháp, ngân hàng, luật sư và ban lãnh đạo Twitter bối rối. Không ai chắc chắn về bước đi tiếp theo của Musk, cũng như khả năng hoàn tất thương vụ là bao nhiêu.

Robert Wolf, cựu Chủ tịch ngân hàng UBS tại Thụy Sĩ cho rằng Elon Musk đang hành động trong "vùng xám" của riêng mình. "Bạn có thể cho rằng đó là những quy tắc của riêng ông ấy. Chắc chắn đó là phương pháp mới để hoàn tất các thương vụ", Wolf cho biết.

Twitter đã tổ chức cuộc họp tại San Francisco (Mỹ) với sự tham gia của Musk, CEO Parag Agrawal và Giám đốc Tài chính Ned Segal. Nguồn tin nội bộ cho biết cuộc họp diễn ra khá tích cực, và Twitter không muốn đàm phán để giảm giá.

Về mặt pháp lý, Twitter dường như chiếm ưu thế. Ngoài khoản tiền phá hợp đồng 1 tỷ USD, thỏa thuận với Musk còn bao gồm điều khoản cho phép Twitter khởi kiện, bắt buộc vị tỷ phú hoàn tất thỏa thuận miễn là các ngân hàng vẫn hỗ trợ tài chính.

Trùm dầu mỏ T. Boone Pickens từng "khẩu chiến" với chủ tịch tập đoàn năng lượng Unocal để mua lại công ty vào những năm 1980. Ảnh: New York Times.

"Musk đã ký một thỏa thuận ràng buộc", Edward Rock, Giáo sư quản trị doanh nghiệp tại Trường Luật Đại học New York nhận định.

Nguồn tin thân cận với thương vụ cho biết Musk đã rơi vào tầm ngắm của cơ quan pháp lý. Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ đang xem xét liệu ông có vi phạm điều khoản tiết lộ thông tin hay không. Trước đó, CEO Tesla đã không báo cáo cho cơ quan quản lý về việc mua lượng lớn cổ phần Twitter trong thời gian 30 ngày theo quy định.

Không sợ ảnh hưởng danh tiếng

Thương vụ đổ vỡ hoặc giảm giá không phải chuyện hiếm trong những năm gần đây. Khi công ty cho vay Sallie Mae bán mình vào năm 2007, Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu cắt giảm trợ cấp cho đối tượng vay tín dụng là sinh viên. Điều đó khiến nhóm công ty mua lại Sallie Mae tranh cãi dữ dội. Sau nhiều tháng kiện tụng, Sallie Mae cũng đạt thỏa thuận vào đầu năm 2008.

Trong cùng năm đó, thương vụ trị giá 6,5 tỷ USD giữa Apollo Global Management và công ty hóa chất Huntsman cũng kết thúc sau nhiều tháng căng thẳng. Trước đó, Apollo bày tỏ ý định rút lui do thị trường suy thoái. Năm 2016, Verizon đồng ý mua lại Yahoo với giá 4,5 tỷ USD, con số thấp hơn do Yahoo trải qua vụ tấn công mạng lớn nhất lịch sử.

Yếu tố tác động đến các thương vụ thường đến từ biến cố gây bất lợi cho bên mua, ví dụ như khủng hoảng tài chính hay tấn công mạng. Tuy nhiên với Twitter, chưa xuất hiện sự cố đủ lớn để trở thành bước ngoặt. Sau khi tính tỷ lệ tài khoản giả bằng cách tự chọn mẫu, Musk còn nghi ngờ tính xác thực trong các tài liệu công khai của Twitter.

Chưa xuất hiện yếu tố bước ngoặt để Elon Musk dừng thương vụ thâu tóm Twitter. Ảnh: New York Times.

Theo New York Times, Elon Musk đang tự đặt ra những quy định, tiêu chí riêng để "lèo lái" thỏa thuận theo ý thích, một phần có thể đến từ sự tự tin về khối tài sản ròng khoảng 210 tỷ USD mà ông đang sở hữu.

Ann Lipton, Giáo sư quản trị doanh nghiệp tại Trường Luật Tulane cho rằng các thương vụ thâu tóm thường được đưa vào khuôn khổ do những biện pháp trừng phạt danh tiếng với nhóm lãnh đạo, tuy nhiên điều đó không dành cho Elon Musk.

"Musk không quan tâm đến các lệnh trừng phạt danh tiếng", Lipton nhận định.

Phúc Thịnh

Theo New York Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lich-su-thau-tom-chua-co-ai-nhu-elon-musk-post1319629.html