Elon Musk – con người táo bạo với những giấc mơ điên rồ

9g17 tối thứ năm 22.2.2018 (giờ Việt Nam), một hỏa tiễn Falcon 9 của SpaceX được phóng tiếp lên không gian, mang theo hai vệ tinh nhỏ (Microsat-2a và Microsat-2b) cùng vệ tinh viễn thông Paz, trong thử nghiệm thiết kế hệ thống kết nối internet tốc độ cao chưa từng có.

Theo đơn xin cấp phép gửi đến ủy ban Viễn thông Liên bang Hoa Kỳ, hệ thống “chòm sao” vệ tinh internet của SpaceX sẽ triển khai 4.425 vệ tinh nhỏ ở quỹ đạo thấp Trái đất (từ 1.100 – 1.325km) và 7.500 vệ tinh nữa ở quỹ đạo thấp hơn. Một khi hệ thống hoàn thành, thế giới sẽ có một mạng internet giá rẻ hoặc thậm chí miễn phí đối với một số khu vực. Đây cũng sẽ là hệ thống mạng chạy nhanh chưa từng có: phủ sóng toàn bộ thế giới, kể cả vùng núi rừng hẻo lánh, với đường truyền 1 gigabit/giây (trong khi tốc độ đường truyền hiện tại trung bình 5,6 megabit/giây). Điều này có nghĩa hệ thống SpaceX, gọi là “Starlink”, sẽ nhanh hơn 180 lần!

Trước đó khoảng mười ngày, ngay tại bãi phóng (trung tâm không gian Kennedy, Florida) mà NASA phóng những hỏa tiễn đưa phi hành gia lên Mặt trăng cuối thập niên 1960, một hỏa tiễn mạnh nhất thế giới đã được phóng lên vào lúc 3g45 sáng 6.2.2018 (giờ Việt Nam): hỏa tiễn Falcon Heavy được chế tạo bởi công ty SpaceX của Elon Musk. Đây là lần đầu tiên một hỏa tiễn được phóng vào không gian bởi một công ty tư nhân chứ không phải cơ quan chính phủ. “Thật là siêu thực đối với tôi”, Elon Musk nói sau khi vụ phóng thành công…

Elon Musk (Vanity Fair).

Falcon Heavy – Elon Musk

Đây không phải lần đầu tiên SpaceX phóng hỏa tiễn vào không gian. Từ năm 2010, SpaceX đã phóng hỏa tiễn Falcon 9 (nhỏ hơn Falcon Heavy) vào quỹ đạo Trái đất, mang theo vệ tinh và hàng hóa cho Trạm không gian quốc tế (ISS).

Falcon Heavy là hỏa tiễn mạnh nhất thế giới tính đến thời điểm này. Nó có thể mang 70 tấn lên quỹ đạo tầm thấp của Trái đất (độ cao 2.000km trở xuống). Một khi đưa Falcon Heavy lên quỹ đạo Trái đất, tất cả ba động cơ đẩy đều “hạ cánh” trở về và có thể được tái sử dụng, chứ không cháy thành tro như tất cả động cơ đẩy hỏa tiễn không gian trước nay.

Từ khi Steve Jobs chết năm 2011, chỉ có một người khổng lồ ở Thung lũng Silicon có thể tạo ra hình ảnh “kỳ bí” tương tự, với những viễn kiến thay đổi thế giới: Elon Musk, 46 tuổi, CEO công ty hỏa tiễn SpaceX, CEO công ty xe hơi điện Tesla Motors, chủ tịch SolarCity (công ty lắp đặt hệ thống pin năng lượng Mặt trời lớn nhất nước Mỹ). Elon Musk là người thiết kế tương lai. Marc Mathieu, giám đốc marketing của Samsung USA, nhận xét: “Elon Musk là sự giao hòa giữa Steve Jobs và Jules Verne”.

Phi thuyền Dragon của SpaceX (Rolling Stone).

Một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn nhất Los Angeles County là nơi không nằm trong bất kỳ cẩm nang du lịch nào: nó thuộc tây nam thành phố Hawthorne. Nếu đi dọc đại lộ Crenshaw, bắt đầu từ đại lộ Jack Northrop đến đường 120th, người ta sẽ thấy một thành phố tương lai đang được xây dựng. Nó là thành phố của trí tưởng tượng đang được hiện thực hóa. Đại bản doanh SpaceX nằm gần đó.

Ở một khu đất to vốn là bãi đỗ xe, người ta đang đào một hệ thống đường hầm rồi từ đó xây dựng mạng lưới giao thông ngầm như một phần trong những dự án giao thông tương lai “siêu thực” mà Elon Musk ấp ủ: Hyperloop – giải pháp cho tất cả bế tắc về tình trạng kẹt xe kinh khủng ở Los Angeles, cũng như nhiều thành phố lớn khác khắp nước Mỹ. Không chỉ vậy, “thành phố Musk” còn kết nối với hành tinh Trái đất lẫn hệ Mặt trời theo những cách thức khác biệt và khác lạ, đưa đến sự thay đổi tận gốc rễ về quan hệ giữa con người với hai “thực thể” quan trọng nhất đối với đời sống nhân loại: khoảng cách và thời gian.

“Kéo dài” nền văn minh nhân loại

Errol Musk kể về con trai mình: Elon là người nội tâm. Trong khi nhiều thiếu niên cùng tuổi đang đi tiệc tùng hoặc tán chuyện về con gái hoặc yêu đương, Elon lại vào thư viện. Năm khoảng 3 – 4 tuổi, Elon thường hỏi bố: “Toàn bộ thế giới là ở đâu?”. Năm mười tuổi, Elon bắt đầu mê tin học. Năm 12 tuổi, Elon tự học lập trình và bán mã (code) một video game cho tạp chí PC and Office Technology với giá 500 USD.

Trong khoảng tám năm đầu đời, Elon sống với bố mẹ tại Pretoria (Nam Phi). “Gia đình chúng tôi không có người giữ trẻ. Chỉ có một người giúp việc dòm ngó xem tôi có phá phách làm hỏng thứ gì không. Tuy nhiên, bà ấy chẳng hề để ý cho nên tôi tha hồ chế thuốc nổ, làm hỏa tiễn hoặc những thứ nguy hiểm có thể khiến tôi bị chết. Thật kinh ngạc là tôi vẫn còn nguyên bàn tay mà không bị đứt ngón nào. Tôi cũng lớn lên với những quyển sách”.

Một trong những quyển sách tạo ảnh hưởng là bộ Foundation của Isaac Asimov, trong đó nói về Hari Seldon, người tạo ra một phương pháp khoa học có thể dự báo tương lai dựa vào hành vi đám đông. Hari Seldon nhìn thấy trước kỷ nguyên 30.000 năm đen tối đang chờ nhân loại và ông lập kế hoạch đưa khoa học gia đến những hành tinh xa xôi, để giúp giảm nhẹ tổn thất đối với văn minh loài người, bởi cơn đại họa không thể tránh. “Bài học tôi rút ra là bạn nên nỗ lực thực hiện những điều có khả năng kéo dài nền văn minh, giới hạn tối đa sự xuất hiện một kỷ nguyên tăm tối và rút ngắn kỷ nguyên tăm tối nếu nó xảy ra”, Elon Musk nói.

Hệ thống Hyperloop của Virgin Hyperloop One (GQ).

Cho đến năm 15 tuổi, Elon vẫn còn là nạn nhân thường trực của nạn bắt nạt học đường. “Tôi là đứa nhỏ tuổi nhất và nhỏ con nhất, vì sinh nhật của tôi rơi gần như vào ngày cuối cùng mà nhà trường nhận ghi danh vào học hàng năm: 28.6”, Elon kể. Có lần Elon phải nhập viện sau khi bị một nhóm bắt nạt xô ngã xuống bậc thang và đánh cậu đến bất tỉnh. Thế là Elon tạm bỏ sách. Anh học karate, judo và võ vật.

Tháng 6.1989, Elon sang Canada, học tại Queen’s University ở Kingston (Ontario). Những ngày đầu ở Canada là thời gian khốn khó. Anh phải làm đủ nghề và sống tựa vào sự giúp đỡ một số người thân. Năm 1992, sau hai năm ở Queen’s University, Elon qua Mỹ, vào đại học Pennsylvania, lấy bằng cử nhân vật lý, rồi cử nhân kinh tế. Năm 1995, lúc 24 tuổi, Elon đến California để bắt đầu chương trình tiến sĩ vật lý ứng dụng và khoa học vật thể tại đại học Stanford, nhưng sau đó bỏ ngang để theo đuổi những giấc mơ “điên rồ”.

Năm 1995, Elon cùng em trai thành lập công ty phần mềm Zip2 (sau đó bán lại cho hãng Compaq; phần Elon được 22 triệu USD). Năm 1999, Elon đồng sáng lập dịch vụ thanh toán trực tuyến X.com (sau đó sáp nhập vào Confinity và đổi thành PayPal; năm 2002, eBay mua PayPal; Elon được 165 triệu USD). Năm 2001, Elon bắt đầu dồn sức cho tham vọng khoa học không gian. Tháng 10.2001, ông đến Moscow để tìm mua hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa (ICBM) (loại tái chế) nhưng bất thành.

Tháng 2.2002, Elon lại đến Moscow để tìm mua ba ICBM và được đề nghị giá 8 triệu USD/chiếc. Phía đối tác Moscow còn tỏ ra khinh khỉnh. Bực tức, Elon bước ra khỏi phòng họp. Trên suốt chặng bay trở về Mỹ, Elon nghĩ đến việc chế tạo hỏa tiễn có thể tái sử dụng. Với 100 triệu USD – số tiền quá nhỏ để thành lập một công ty không gian, Elon vẫn cho ra đời Space Exploration Technologies, tức SpaceX, vào tháng 5.2002.

Sáu năm sau, tháng 9.2008, Falcon 1 trở thành hỏa tiễn tư nhân đầu tiên đưa vệ tinh lên quỹ đạo Trái đất. Ngày 25.5.2012, SpaceX Dragon trở thành phi thuyền tư nhân đầu tiên “cập cảng” Trạm không gian quốc tế (ISS). Ngày 22.12.2015, SpaceX thực hiện thành công ngoạn mục thử nghiệm “hạ cánh” trở về mặt đất của một hỏa tiễn Falcon. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử mà một kỳ tích như vậy được thực hiện.

Đến nay, SpaceX đã trở thành nhà sản xuất động cơ hỏa tiễn tư nhân lớn nhất thế giới. Sản xuất hỏa tiễn chỉ là một phần trong giấc mơ Elon. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2011, Elon Musk nói rằng mục tiêu của ông là đưa con người lên sao Hỏa trong vòng 10 – 20 năm tới; và thiết lập một “cộng đồng” sống trên sao Hỏa với khoảng 80.000 người.

Để “nỗ lực thực hiện những điều có khả năng kéo dài nền văn minh, giới hạn tối đa sự xuất hiện một kỷ nguyên tăm tối và rút ngắn kỷ nguyên tăm tối nếu nó xảy ra”, Elon Musk gia nhập ban giám đốc công ty xe hơi điện Tesla với tư cách chủ tịch (do Martin Eberhard và Marc Tarpenning thành lập năm 2003). Sau cuộc khủng hoảng kinh tế 2008, Elon được đưa lên ghế CEO và chỉ từ lúc này Tesla mới thật sự tạo ra cuộc cách mạng thị trường xe hơi điện. Năm 2016, Tesla mua SolarCity, biến công ty thành nhà cung cấp hệ thống pin năng lượng Mặt trời lớn nhất nước Mỹ.

Trước đó ba năm, Elon đưa ra ý tưởng hệ thống giao thông tốc độ cao được trình bày trong một “tuyên ngôn thời đại” dài 53 trang, gọi là Hyperloop. Trong đó, Elon phác họa diện mạo mới của hình thức giao thông thứ năm (sau bốn hình thức lâu nay được sử dụng: đường bộ, hàng không, đường thủy và hỏa xa). Đó là những “toa xe” (capsule) chạy trong hệ thống ống tube với tốc độ cực nhanh (hơn 1.100km/g). Ý tưởng Elon được đón chào hăm hở sau khi ông kêu gọi hưởng ứng từ các đại học, cũng như giới đầu tư. Bây giờ, hệ thống Hyperloop đã bắt đầu định hình.

Tại sa mạc Nevada, từ hè năm 2017, công ty Virgin Hyperloop One đã hoàn thành khoảng 200 cuộc thử nghiệm. Một công ty khác, Hyperloop Transportation, đang xây một ống tube 8km cho thử nghiệm tại California. Kế hoạch của họ là chuyên chở được khoảng 10 triệu lượt người/năm. Để đi một chặng 800km, người ta mất 1g15 phút bằng máy bay hoặc 24g nếu bằng xe buýt. Với Hyperloop, khoảng cách này chỉ mất 40 phút!

Bay lên sao Hỏa

Tham vọng lớn nhất của Elon Musk vẫn là chinh phục sao Hỏa. Sau vụ thử hỏa tiễn Falcon Heavy ngày 6.2.2018, Elon cho biết SpaceX tiếp tục nhắm đến mục tiêu đưa ít nhất hai kiện hàng lên sao Hỏa vào năm 2022, để lắp hệ thống điện và các hệ thống phục vụ sự sống con người. Phi thuyền mang người sẽ đổ bộ sao Hỏa vào năm 2024. Để có thể làm được điều đó, SpaceX đang chế tạo Hỏa tiễn BFR (Big Falcon Rocket) mạnh gấp đôi Falcon Heavy. Với Elon Musk, không gì là không thể. Từ Pretoria (Nam Phi), cậu học sinh Elon đến Canada gần như với cái túi rỗng. Từ Canada, Elon sang Mỹ với hành trang chỉ là những giấc mơ. Ông đã hiện thực hóa được những giấc mơ của mình. Bây giờ, ông tiếp tục mơ, mơ rất lớn và rất xa, mơ đến sao Hỏa.

Nguyễn Kim

Nguồn KH&PT: http://khoahocphattrien.vn/cong-nghe/elon-muskcon-nguoi-tao-bao-voi-nhung-giac-mo-dien-ro/20180301054913272p1c859.htm