ECOWAS: Giảm nhiệt các 'điểm nóng' ở châu Phi

Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS) mới đây tổ chức phiên họp bất thường lần thứ 6 ở Thủ đô Accra của Ghana. Giới chuyên gia đánh giá, ở góc độ tích cực, phiên họp này đã tiếp thêm ý chí chung trong việc giảm nhiệt các 'điểm nóng' ở châu Phi.

Lãnh đạo các nước thành viên ECOWAS tham gia phiên họp thượng đỉnh bất thường vào ngày 4/6, ở Thủ đô Accra của Ghana. Ảnh: Cổng thông tin Chính phủ Ghana

Lãnh đạo các nước thành viên ECOWAS tham gia phiên họp thượng đỉnh bất thường vào ngày 4/6, ở Thủ đô Accra của Ghana. Ảnh: Cổng thông tin Chính phủ Ghana

Một điểm đặc biệt trong phiên họp bất thường này là sự góp mặt của đại diện Guinea, Burkina Faso và Mali vốn đã bị ECOWAS đình chỉ tư cách thành viên sau khi 3 nước này xảy ra đảo chính. Sự góp mặt của đại diện 3 nước như một minh chứng rõ nét cho thấy, tính chất khẩn cấp của tình hình an ninh trong khu vực, đòi hỏi sự liên kết mật thiết hơn của ECOWAS.

Phiên họp bất thường đã xoáy sâu vào trọng tâm chính của châu lục hiện nay là tìm ra giải pháp giải quyết bất ổn chính trị ở Guinea, Burkina Faso và Mali. Trong đó, việc tìm ra giải pháp mang tính lâu dài, kiềm chế và từng bước đẩy lùi những bất ổn chính trị đang nổi lên ở khu vực là những mục tiêu chính mà các nhà lãnh đạo châu Phi đang trăn trở.

Tổng thống Ghana kiêm Chủ tịch ECOWAS Nana Addo Dankwa Akufo-Addo khẳng định, mong muốn của tổ chức này là khôi phục trật tự Hiến pháp của 3 quốc gia đang trải qua những ngày tháng “đen tối” bất ổn. Đáng buồn hơn, các vấn đề an ninh và nhân đạo hiện nay gặp nhiều trở ngại và cấp thiết cần có những biện pháp phù hợp, khẩn cấp để đối phó, thích ứng linh hoạt hơn. Tổng thống Ghana cùng các nhà lãnh đạo tái khẳng định, “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt của tổ chức này là cam kết duy trì chính phủ và các thể chế dân chủ trong khuôn khổ ECOWAS như nghị định thư về việc quản trị đã được quy định.

Theo giới quan sát châu Phi, trong số các quốc gia thành viên ECOWAS, nhiều quốc gia hiện sống trong cảnh nghèo khó, đặc biệt là phải vật lộn với làn sóng thánh chiến ngày càng lan rộng, liên tục ở mức “báo động đỏ” với nguy cơ bùng phát, lan tràn chủ nghĩa khủng bố qua biên giới các nước.

Các phương tiện truyền thông khu vực cũng liên tục phản ánh tình trạng gia tăng về mất an ninh từ các nhóm vũ trang và mạng lưới tội phạm. Điển hình trong đó, theo thống kê mới được Bộ trưởng Quốc phòng Ghana Dominic Nitiwul công bố, trong 3 năm qua, Tây Phi đã hứng chịu hơn 5.300 vụ tấn công có liên quan tới khủng bố khiến 16.000 người thiệt mạng. Tình trạng này tiếp tục đạt mức báo động đỏ khi 3 tháng đầu năm nay đã ghi nhận hơn 840 vụ tấn công khủng bố.

Giới quan sát an ninh, chính trị châu Phi chỉ ra rằng, bất ổn ở châu lục leo thang khi Mali, Burkina Faso và Guinea xảy ra các vụ đảo chính, làm rối ren hơn những diễn biến phức tạp lâu nay về chính trị, an ninh không chỉ của 3 nước, mà còn đe dọa nghiêm trọng tới toàn châu lục. Vì vậy, sự vào cuộc mạnh mẽ từ các quốc gia trên toàn châu Phi nhằm dẹp yên các làn sóng cực đoan, từng bước chấn hưng trật tự an ninh quốc tế càng lúc càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Các nhà lãnh đạo châu Phi cũng nhiều lần khẳng định, phải ngăn chặn những diễn biến chính trị không lành mạnh “ngay từ trong trứng nước”, song, giới quan sát cho rằng, dù chung ý chí nhưng cách thức triển khai các nỗ lực chung là vô cùng phức tạp, đòi hỏi những bước đi thận trọng nhưng vẫn phải đảm bảo tính kịp thời, hiệu lực thực tiễn và giải quyết căn bản mầm mống, gốc rễ bất ổn.

Để giải “bài toán” hóc búa này, các chuyên gia an ninh khu vực nhìn nhận, một trong những ưu tiên cấp thiết trước mắt là chính quyền của các quốc gia châu Phi phải tăng cường liên kết, quy tụ sức mạnh tập thể, nhất là về quốc phòng với mục tiêu giám sát tối ưu hoạt động của các nhóm nổi dậy vốn đang có những liên kết xuyên biên giới. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để lực lượng an ninh của các quốc gia đạt được những bước tiến mạnh mẽ trong việc diệt trừ làn sóng khủng bố, chủ nghĩa cực đoan đang nổi lên tại khu vực. Cùng với đó, giới chuyên gia lưu ý, bất kỳ quyết sách nào của ECOWAS trong thời điểm hiện tại cần phải dựa trên nguyện vọng của số đông người dân ở Guinea, Burkina Faso và Mali, bởi họ chính là nạn nhân trong những bất ổn chính trị, an ninh.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/ecowas-giam-nhiet-cac-diem-nong-o-chau-phi-post451519.html