Economist: Có phải truyền thông xã hội đang đe dọa nền dân chủ?

Facebook, Twitter và Google đáng ra phải cứu được chính trị bằng những thông tin chất lượng xua đi thành kiến và những lời nói dối. Nhưng có gì đó rất sai ở đây.

(Nguồn: medium.com)

VietnamPlus xin giới thiệu bài viết đăng trên tạp chí The Economist nói về những lợi ích cũng như bất cập của truyền thông xã hội trong cuộc sống hiện đại:

Facebook, Twitter và Google đáng ra phải cứu được chính trị bằng những thông tin chất lượng để xua đi những tư duy định kiến và những điều dối trá. Nhưng có gì đó rất sai ở đây.

Năm 1962, Bernard Crick, một nhà khoa học chính trị người Anh đã xuất bản cuốn sách "In Defence of Politics” (tạm dịch: Bảo vệ chính trị). Ông lập luận rằng nghệ thuật mặc cả chính trị cho phép những người với những niềm tin khác biệt sống cùng nhau trong một xã hội hòa bình và phát triển.

Trong một nền dân chủ tự do, không ai có được chính xác thứ mình mong muốn, nhưng tất cả mọi người nói chung đều có quyền tự do sống cuộc sống mình lựa chọn. Tuy nhiên, nếu không có những thông tin đúng đắn, sự văn minh và hòa giải, các xã hội sẽ giải quyết những khác biệt của mình bằng cách tìm đến sự ép buộc.

Chắc hẳn Crick sẽ vô cùng thất vọng khi chứng kiến những lời dối trá và tính đảng phái nổi cộm trong các buổi điều trần tại ủy ban Thượng viện tại Washington tuần này? Mới cách đây không lâu, truyền thông xã hội đã hứa hẹn về một nền chính trị được khai sáng hơn, với nhứng thông tin chính xác và khả năng giao tiếp dễ dàng giúp đỡ người tốt loại trừ tham nhũng, sự cố chấp và những lời nói dối.

Thế nhưng, Facebook đã thừa nhận rằng trước và sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm ngoái, từ tháng 1/2015 đến tháng 8 năm nay, 146 triệu người dùng nền tảng này có thể đã nhìn thấy những thông tin sai lệch từ Nga hiện lên trên trang chủ của họ.

YouTube của Google cũng thừa nhận có 1.108 video liên kết với Nga và Twitter có 36.746 tài khoản tương tự. Thay vì mang đến sự khai sáng, truyền thông xã hội lại đang làm lây lan chất độc.

Chuyện rắc rối của Nga chỉ là sự khởi đầu. Từ Nam Phi tới Tây Ban Nha, bức tranh chính trị đang ngày càng xấu xí hơn. Một phần lý do là, bằng cách lan truyền những điều không đúng sự thật và những cơn phẫn nộ, làm mục ruống khả năng suy xét của cử tri và thúc đẩy tính đảng phái, mạng xã hội đã làm xói mòn những điều kiện dành cho mặc cả chính trị mà Crick từng nghĩ sẽ thúc đẩy tự do.

Việc sử dụng mạng xã hội không gây ra sự chia rẽ nhiều như việc khuếch đại nó. Cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008 làm bùng lên một cơn giận dữ khắp nơi đối với tầng lớp giàu có đã bỏ mặc tất cả mọi người phía sau. Những cuộc chiến tranh văn hóa đã chia rẽ cử tri theo danh tính thay vì giai cấp.

Không chỉ truyền thông xã hội có sức mạnh làm phân cực - truyền hình cáp và những bài nói chuyện trên đài phát thanh cũng vậy. Nhưng, trong khi Fox News là một cái tên quen thuộc, những nền tảng truyền thông xã hội vẫn còn mới mẻ và vẫn chưa được hiểu rõ. Và với cách hoạt động của mình, chúng nắm quyền ảnh hưởng cực lớn.

Truyền thông xã hội kiếm tiền bằng cách bày những bức ảnh, bài đăng tải cá nhân, tin tức và quảng cáo ra trước mặt bạn. Vì các nền tảng này có thể đo được mức phản ứng của bạn, chúng biết cách làm thế nào để bạn thấy bực mình. Chúng thu thập dữ liệu về bạn nhằm tạo ra những thuật toán xác định thứ gì sẽ thu hút sự chú ý của bạn, trong một "nền kinh tế chú ý" khiến người dùng cứ phải rê chuột, nhấp chuột và chia sẻ mãi - hết lần này đến lần khác.

Bất cứ ai muốn định hình ý kiến có thể tạo ra hàng chục quảng cáo, phân tích chúng để xem quảng cáo nào khó cưỡng lại nhất. Kết quả thật bất ngờ: một nghiên cứu phát hiện ra rằng người dùng ở các nước giàu có chạm vào điện thoại của họ tới 2.600 lần mỗi ngày.

Sẽ thật tuyệt vời nếu một hệ thống như vậy giúp cho sự thông thái và sự thật nổi lên. Nhưng, sự thật vốn không đẹp đẽ như thế - nhất là khi bạn không đồng tình với nó. Tất cả những ai từng lướt Facebook đều biết thay vì truyền đạt sự thông thái, nền tảng này tung ra những thứ có xu hướng ép buộc rất dễ khiến cho định kiến của mọi người tăng lên như thế nào.

Điều đó càng làm trầm trọng thêm lối chính trị khinh miệt từng thống trị những năm 1990 ở nước Mỹ. Vì các bên khác nhau nhìn nhận những thực tế khác nhau, họ không có cơ sở thực tiễn nào để đạt tới một sự thỏa hiệp. Vì mỗi bên luôn nghe được rằng bên kia chẳng giỏi điều gì ngoài nói dối, có niềm tin sai lệch và toàn vu khống, nên hệ thống lại càng ít chỗ cho sự cảm thông. Bởi vì mọi người bị cuốn vào vực xoáy của sự nhỏ nhen, bê bối và phẫn nộ, họ không nhìn thấy được điều gì là quan trọng với xã hội họ đang cùng chia sẻ.

Điều này có xu hướng làm giảm giá trị của những thỏa hiệp và những sự huyền ảo của nền dân chủ tự do, và thúc đẩy các chính trị gia sống bằng thuyết âm mưu và chủ nghĩa bản địa bài ngoại. Hãy thử nhìn vào những cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử của Quốc hội và công tố viên đặc biệt Robert Mueller, người vừa đưa ra những cáo buộc đầu tiên của mình.

Sau khi Nga tấn công Mỹ, người Mỹ lại quay ra tấn công nhau. Vì những nhà soạn thảo hiến pháp muốn kìm chân những bạo chúa và đám đông hỗn tạp, truyền thông xã hội đã thúc đẩy sự bế tắc tại Washington. Ở Hungary và Ba Lan, nơi không có những hạn chế này, mạng xã hội giúp duy trì một nền dân chủ phi tự do theo kiểu người thắng được tất cả. Ở Myanmar, nơi Facebook là nguồn tin tức chính của nhiều người, nó đã làm sâu sắc thêm sự căm thù của người Rohingya, những nạn nhân của cuộc thanh trừng sắc tộc.

Truyền thông xã hội, trách nhiệm xã hội

Cần phải làm những gì? Mọi người sẽ thích nghi, như họ vẫn luôn làm vậy. Một khảo sát trong tuần này cho thấy chỉ có 37% người Mỹ tin những gì trên truyền thông xã hội, chỉ bằng một sửa so với số người tin vào báo in và tạp chí. Tuy nhiên trong cái khoảng thời gian cần thiết để thích nghi ấy, những chính phủ tồi và nền chính trị tồi có thể gây ra rất nhiều tổn hại.

Xã hội đã sinh ra những công cụ, như luật về sự phỉ báng và luật quyền sở hữu để kiềm chế truyền thông kiểu cũ. Một số người đang kêu gọi các công ty truyền thông xã hội, giống như các nhà xuất bản, phải chịu trách nhiệm tương tự cho những gì xuất hiện trên các nền tảng của họ; phải minh bạch hơn và được đối xử như những thể chế độc quyền cần bị phá vỡ. Tất cả những ý tưởng này đều đáng khen, nhưng chúng cũng đi kèm với những sự đánh đổi.

Khi Facebook chọn ra những nội dung để các công cụ độc lập kiểm chứng sự thật, không dễ chỉ ra bằng chứng rằng họ đã điều tiết hành vi. Hơn nữa, chính trị không giống những hình thức phát ngôn khác; thật nguy hiểm khi hỏi các công ty lớn xem theo họ thì những gì là lành mạnh cho xã hội.

Quốc hội muốn sự minh bạch về những người trả tiền cho các quảng cáo chính trị, nhưng rất nhiều ảnh hưởng tai hại lại xuất phát từ việc mọi người chia sẻ những tin bài không đáng tin một cách thiếu cẩn trọng. Chia nhỏ những gã khổng lồ truyền thông xã hội có thể là điều hợp lý nếu xét theo các điều khoản chống độc quyền, nhưng sẽ không có tác dụng gì với những phát ngôn chính trị - thật vậy, bằng cách gia tăng số lượng các nền tảng, ngành công nghiệp này có thể càng khó quản lý hơn.

Còn có những biện pháp khác. Các công ty truyền thông xã hội cần điều chỉnh các trang web của mình nhằm làm rõ xem một bài đăng đến từ đâu: một người bạn hay một nguồn đáng tin cậy. Họ có thể đính kèm việc chia sẻ các bài đăng những dòng nhắc nhở về sự nguy hại của thông tin sai lạc. Robot thường được dùng để khuếch đại các thông điệp chính trị. Twitter có thể không cho phép lan truyền những điều tồi tệ nhất - hoặc đánh dấu chúng để nhận biết.

Họ thậm chí có thể điều chỉnh các thuật toán để đẩy những bài câu view sâu xuống dưới. Nhưng vì những thay đổi này đi ngược lại mô hình kinh doanh được thiết kế để độc quyền hóa sự chú ý, chúng có thể cần phải được áp đặt bằng luật pháp hay một cơ quan quản lý.

Truyền thông xã hội đang bị lạm dụng. Nhưng nếu quyết tâm, xã hội có thể kiềm chế chúng và hồi sinh giấc mơ khai sáng ban đầu./.

Mai Nguyễn (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/economist-co-phai-truyen-thong-xa-hoi-dang-de-doa-nen-dan-chu/473636.vnp