Ecohost: Hành trình nâng tầm homestay Việt

Mặc dù nở rộ thành trào lưu du lịch và lưu trú thời gian gần đây, hình thức homestay vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng do chất lượng và cơ sở vật chất còn hạn chế.

Vài năm trở lại đây, hình thức lưu trú homestay ngày càng được du khách tìm đến khi họ mong muốn được sinh sống và hoạt động trong căn nhà của người dân địa phương thay vì thuê phòng khách sạn.

Hình thức này không chỉ thu hút du khách nước ngoài mà còn là sự lựa chọn đầy hấp dẫn với nhiều bạn trẻ, thậm chí là những khách hàng đi theo tour chứ không chỉ khách tự túc.

Chi phí thấp hơn là yếu tố khiến nhiều người quyết định lựa chọn homestay nhưng điều này, đôi khi mang lại không ít phiền toái cho du khách khi dịch vụ cũng “thấp tương đương”.

Trở về sau chuyến đi Đà Lạt, chị Hòa tỏ ra khá thất vọng khi kể lại chuyến đi. Vốn được nhiều người xem là “vương quốc homestay” cùng tư tưởng “đã đi Đà Lạt thì phải ở homestay mới hay”, chị Hòa đã lựa chọn lưu trú tại hình thức này thay vì thuê khách sạn.

Tìm kiếm trên mạng một hồi, chị Hòa bị “ngợp” bởi số lượng homestay tại xứ sở sương mù này rất nhiều và mức giá cũng không chênh lệch quá nhiều. “Nhắm mắt đưa chân”, chị chọn 1 homestay trên đồi nhờ vào cảm giác, những lời bình luận và hình ảnh được đưa trên mạng.

“Đến nơi chị mới tá hỏa bởi căn nhà đấy nhỏ, không rộng rãi như chị tưởng tượng qua các bức ảnh trên mạng và không thể đủ cho nhóm chị cùng đi. Tuy vậy, bọn chị cũng đành bấm bụng cho qua vì nghĩ rằng chỉ ở đây 2 đêm và ban ngày thì đi chơi suốt”, chị Hòa kể lại.

Thế nhưng chỉ sau 1 đêm, chị Hòa và bạn bè đã quyết định di chuyển vào sâu trong thành phố, lựa chọn khách sạn khác để ở đêm còn lại.

“Homestay ở trên đồi nên về đêm sương xuống rất lạnh. Bọn chị muốn ở homestay để có thể dễ dàng tổ chức các hoạt động vui chơi nhưng hơi tiếc là thời tiết không ủng hộ, trời mưa nên mọi người chỉ ở trong nhà”.

“Nhà gỗ, lại ở trên đồi nên khi mưa khá đáng sợ. Không chỉ vậy, cơ sở vật chất khá cũ, lại bằng gỗ nên mưa xuống mùi ẩm mốc rất khó chịu. Mặc dù bác chủ nhà rất nhiệt tình và đáng yêu, nhóm chị sau đó đã quyết định di chuyển vào khách sạn để thoải mái và yên tâm hơn”.

Gia tăng chất lượng homestay

Với hơn 15 năm kinh nghiệm trong ngành du lịch, Giám đốc của Ecosea Travel Bùi Thị Nhàn bắt đầu phát triển các tour vào những tỉnh miền Bắc của Việt Nam cách đây vài năm, đặc biệt là những nơi chưa được khai thác nhiều.

Sẽ không ít người khi gặp chị Nhàn lần đầu tiên bị bất ngờ bởi chị trông trẻ trung hơn rất nhiều so với tuổi đời và tuổi nghề

Với định hướng phát triển những chuyến đi bền vững, homestay đóng vai trò quan trọng trong quá trình trải nghiệm của khách hàng nhưng chất lượng vẫn chưa thể làm hài lòng người phụ nữ cẩn thận và có đôi phần khó tính.

Sẽ không ít người khi gặp chị Nhàn lần đầu tiên bị bất ngờ bởi chị trông trẻ trung hơn rất nhiều so với tuổi đời và tuổi nghề. Thế nhưng, kinh nghiệm và sự trải đời của người phụ nữ ngồi trước mặt lại nằm ở cách nhìn những khía cạnh của cuộc sống xoay vần.

Chị đánh giá rằng thị trường homestay của Việt Nam hiện nay đã phát triển, có nhiều tại một số nơi và thậm chí lượng khách đến cũng khá đông.

“Thế nhưng, thị trường này nhìn chung còn tồn tại một số vấn đề như người dân địa phương chưa có đủ kỹ thuật để xây dựng chuẩn, chưa có đủ năng lực, kỹ năng chuẩn về đón tiếp khách hàng cũng như chưa biết khách hàng cần gì khi đi trải nghiệm tại địa phương”, chị Nhàn nhấn mạnh.

“Sau một khoảng thời gian dài làm tour có liên quan đến homestay, do cơ sở vật chất còn kém chất lượng nên số lượng khách vẫn dè dặt, khả năng giao dịch chưa tốt nên doanh thu không cao”.

Từ kinh nghiệm làm du lịch lâu năm cùng sự thấu hiểu thị hiếu của khách hàng, chị Nhàn quyết định bước tiếp với Ecohost nhằm “mang lại chất lượng cao hơn và đáp ứng được nhiều nhu cầu của khách hàng hơn”.

“Ecohost ra đời nhằm tư vấn, xây dựng sản phẩm, giúp cộng đồng địa phương các chương trình đào tạo để nâng cao kỹ năng, chất lượng, tạo ra nhiều sản phẩm được mong đợi hơn”, gương mặt người phụ nữ ánh lên sự tự hào khi nói về “đứa con tinh thần” của mình.

“Ecohost xây dựng mô hình giúp đỡ những hộ gia đình đã có homestay nhưng lượng khách không đủ nhiều hoặc các gia đình đã đạt tiêu chuẩn nhưng lại chưa biết cách làm. Với những khu vực xa xôi, khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn khách hàng, Ecohost còn mang lại các gói sale và marketing nhằm gia tăng lượng khách cũng như thu nhập cho người dân”.

Mô hình Ecohost tại Nam Định

Một trong những điều đáng chú ý tại Ecohost chính là việc đưa vào sử dụng các tiêu chí về phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm. “Không nhất thiết phải sử dụng những nguyên vật liệu đắt tiền mà hoàn toàn có thể lựa chọn đồ sinh thái, vừa đáp ứng được nhu cầu mà vốn đầu tư thấp. Điều này đang tạo ra một trong những tiêu chuẩn mới của ngành du lịch Việt Nam”, nữ Giám đốc điều hành của Ecohost nhấn mạnh.

Tạo thế “kiềng 3 chân”

Trên thực tế hầu hết người dân địa phương đều có nhu cầu gia tăng và phát triển kinh doanh. Một số dự án của các Tổ chức phi chính phủ (NGOs) sau khi hết thời hạn, thường là sau 2 - 3 năm sẽ dừng lại, khiến người dân bị “hẫng”, khó có thể tự tiếp tục.

“Ecohost sau đó sẽ hỗ trợ giai đoạn sau, giúp đỡ người dân cho đến khi nào họ không còn nhu cầu nữa. Ecohost có kêu gọi sự giúp đỡ từ tỉnh cũng như NGOs để đào tạo, nâng cao kỹ năng cho cộng đồng và phần này không yêu cầu chi phí nhiều mà chủ yếu là phần chất lượng hạ tầng”, chị Nhàn chia sẻ.

Bên cạnh đó, người dân cũng được cam kết về mặt doanh số, doanh thu và thậm chí là ngay cả quá trình vay vốn.

“Bất kỳ dự án nào mới cũng sẽ khó khăn về vốn nhưng đổi lại, Ecohost nhận được sự hỗ trợ của một số tổ chức liên quan đến các khóa đào tạo và gia tăng kết nối với các tỉnh thành, tạo ra sự tham gia của 3 bên: chính quyền địa phương – người dân – Ecohost”.

“Các dự án sẽ không đi vào những sản phẩm đã có phong cách riêng như khu vực Hạ Long hay Sapa mà xây dựng các sản phẩm mới hoàn toàn, thiên về trải nghiệm chân thực nhất liên quan đến văn hóa, tập quán, tín ngưỡng của người dân bản địa”, nữ Giám đốc điều hành của Ecohost cho biết.

Những sản phẩm du lịch mới thiên về trải nghiệm văn hóa địa phương là một trong những mục tiêu lớn Ecohost đang xây dựng

“Trong thời gian tới, Ecohost sẽ phát triển môi trường, mô hình mẫu có chất lượng tốt trước khi nhân rộng ra các vùng khác, ngoài những địa điểm đã có như Nam Định, Bắc Ninh, Phú Thọ hay Hòa Bình. Mỗi địa phương sẽ có một màu sắc văn hóa khác nhau nhưng đều tuân theo bộ tiêu chí chuẩn của Ecohost”.

Không chỉ vậy, nền tảng phần mềm hỗ trợ cộng đồng làm online tốt hơn chính là điểm cộng lớn với một dự án về du lịch trong bối cảnh công nghệ đang thay đổi từng ngày. “Một đơn vị homestay đơn lẻ khó có thể thể tự tạo ra 1 website, tự truyền thông quảng cáo vì yêu cầu về chi phí cũng như công sức. Website và dự kiến ứng dụng Mobile App của Ecohost sẽ giúp người dân dễ dàng quản lý và tiến hành thu chi qua nền tảng”.

Trước làn sóng khởi nghiệp tại Việt Nam vài năm trở lại đây, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, chị Nhàn cho rằng điều quan trọng nhất chính là kinh nghiệm. “Các startup trẻ nên đi nhiều hơn, có nhiều góc nhìn hơn về các địa phương và các sản phẩm du lịch, từ đó hiểu được khách hàng muốn gì cũng như bản chất hệ thống du lịch tại mỗi địa phương thì sẽ dễ dàng vạch ra con đường đi phù hợp ”.

“Việc nóng vội sẽ dẫn tới khó khăn, thậm chí thất bại, mất tiền mà không được gì. Các bạn trẻ muốn khởi nghiệp trong ngành du lịch thì cần xác định cho mình đây là một công việc khá vất vả, cần có đam mê và tâm huyết mới có thể theo đuổi được ước mơ”, chị Nhàn chia sẻ.

Kiều Mai

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/ecohost-hanh-trinh-nang-tam-homestay-viet-1540316314334.htm