EC tìm kiếm nguồn thu từ các nước thành viên nhằm khôi phục kinh tế

EU không có quyền áp thuế, nhưng các chính phủ có thể đồng ý phân bổ một số nguồn thu của họ cho EU như thuế hải quan, thuế đối với đường ăn hay một phần thuế giá trị gia tăng quốc gia.

Một nhà hàng đóng cửa do dịch COVID-19 tại Calvia, Tây Ban Nha ngày 12/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một nhà hàng đóng cửa do dịch COVID-19 tại Calvia, Tây Ban Nha ngày 12/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 13/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết sẽ yêu cầu các nước thành viên phân bổ nguồn thu nhập cho ngân sách dài hạn sắp tới của Liên minh châu Âu (EU) để giúp tài trợ khôi phục kinh tế sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trong một dự thảo nghị quyết, dự kiến được bỏ phiếu vào cuối tuần này, Nghị viện châu Âu dọa sẽ từ chối thông qua kế hoạch chi tiêu của khối cho ngân sách 7 năm tới trừ khi các chính phủ dành cho ngân sách các nguồn thuế mới.

EU không có quyền áp thuế, nhưng các chính phủ có thể đồng ý phân bổ một số nguồn thu của họ cho EU như thuế hải quan, thuế đối với đường ăn hay một phần thuế giá trị gia tăng quốc gia.

Các khoản thu này, cùng với các khoản đóng góp quốc gia, được biết đến như là nguồn lực riêng và tạo nên ngân sách 7 năm của EU, với tên gọi là khung tài chính nhiều năm (MFF).

MFF tài trợ cho các chính sách của EU nhằm cân bằng mức sống tại toàn bộ 27 quốc gia cũng như chính sách nông nghiệp, đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và giáo dục, cùng với hiện thực hóa sức mạnh mềm của khối trên toàn cầu thông qua các chương trình phát triển và viện trợ.

Chủ tịch EC von der Leyen sẽ trình bày đề xuất mới cho ngân sách 2021-2027 vào ngày 20/5, cùng với kế hoạch về một Quỹ phục hồi để giúp EU chấn hưng lại nền kinh tế sau tình trạng suy thoái được đánh giá là nặng nề nhất trong lịch sử.

Phát biểu tại phiên họp tại Nghị viện châu Âu, bà von der Leyen tuyên bố, cùng với MFF, kế hoạch phục hồi sẽ là một phản ứng đầy tham vọng mà châu Âu đang cần. Kế hoạch sẽ bao gồm những nguồn lực nội tại mà EU cần có trong ngân sách của mình.

Các nguồn lực mới là rất cần thiết bởi EC phải đi vay trên thị trường để khôi phục nền kinh tế dựa trên mức xếp hạng AAA để đảm bảo lãi suất là thấp nhất. Bà von der Leyen cho biết trong khi một số sẽ được chuyển cho các chính phủ dưới dạng cho vay, một số khác dưới dạng tài trợ, điều đó có nghĩa là EU cuối cùng sẽ phải tìm ra nguồn tiền mặt để trả lại cho các nhà đầu tư.

Danh sách các khoản thu mới có thể bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp hợp nhất, thuế dịch vụ kỹ thuật số, thuế giao dịch tài chính, thu nhập từ chương trình giao dịch khí thải của EU, thuế đánh vào sản phẩm nhựa hoặc thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu được sản xuất theo tiêu chuẩn khí thải thấp hơn so với ở EU. Các chính phủ thành viên là người quyết định cuối cùng về danh mục các nguồn thu mới.

Chủ tịch EC nhấn mạnh phần lớn nguồn lực sẽ dành để đầu tư vào quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế trung lập về cácbon, số hóa mạnh mẽ và phát triển bền vững, vốn là những ưu tiên của EU.

Nhưng kế hoạch cũng bao gồm một cơ sở đầu tư chiến lược mới vào các lĩnh vực quan trọng đối với khả năng phục hồi và tự chủ chiến lược trong tương lai của EU, ví dụ như ngành dược phẩm.

Để giúp tái cấp vốn cho các doanh nghiệp “khỏe mạnh” nhưng sự tồn tại bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phong tỏa, bà von der Leyen cho biết EU sẽ tạo ra một công cụ thanh khoản mới, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/ec-tim-kiem-nguon-thu-tu-cac-nuoc-thanh-vien-nham-khoi-phuc-kinh-te/640149.vnp