Ðể thí sinh vững vàng trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020

Để giúp thí sinh Kỳ thi tốt nghiệp THPT (kỳ thi) năm 2020 vững tâm lý khi thi, các chuyên gia về giáo dục, tâm lý và dinh dưỡng đã có những nhắc nhở, chia sẻ đáng quý.

Nhiều học sinh chia sẻ với chuyên gia những thắc mắc về thông tin tuyển sinh, sức khỏe, tâm lý... trước kỳ thi 2020. ảnh: B.NG

Nhiều học sinh chia sẻ với chuyên gia những thắc mắc về thông tin tuyển sinh, sức khỏe, tâm lý... trước kỳ thi 2020. ảnh: B.NG

►Thạc sĩ Hoàng Thúy Nga, Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo:

THÍ SINH CHỈ ĐƯỢC ĐIỀU CHỈNH NGUYỆN VỌNG MỘT LẦN DUY NHẤT

- Tuyển sinh đại học năm 2020, Bộ tiếp tục tăng quyền tự chủ cho các trường đại học, với nhiều phương thức xét tuyển: từ kết quả kỳ thi, học bạ THPT, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh…

Sau khi có kết quả kỳ thi năm 2020, thí sinh được phép điều chỉnh nguyện vọng một lần duy nhất bằng hình thức trực tuyến hoặc bằng phiếu từ ngày 9 đến 18-9. Với hình thức trực tuyến, thí sinh sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân được cấp trong kỳ thi để tự điều chỉnh trên hệ thống từ ngày 9 đến 16-9; chỉ được điều chỉnh trong số lượng nguyện vọng đã đăng ký, có thể thay đổi các nội dung nguyện vọng, điều chỉnh sai sót.

Sau khi có kết quả kỳ thi vào cuối tháng 8-2020, thí sinh phải sắp xếp nguyện vọng từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là cao nhất). Thí sinh phải tìm hiểu thật kỹ các nguyện vọng để chọn ngành yêu thích, phù hợp với năng lực, kinh tế gia đình.

Thí sinh nên lưu ý thêm phổ điểm mà Bộ công bố, bởi đây là cơ sở để các trường điều chỉnh điểm chuẩn đầu vào theo hướng đảm bảo chất lượng. Thời gian này, các em phải tìm hiểu các thông tin tuyển sinh của các trường để nguyện vọng đăng ký hợp lệ, khả năng trúng tuyển vào trường cao hơn.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh:

THÍ SINH CẦN CHUẨN BỊ SỨC KHỎE, TINH THẦN VỮNG VÀNG TRƯỚC KỲ THI

- Trước thềm kỳ thi 2020, thí sinh cần chuẩn bị về sức khỏe tinh thần; tập xác định mục tiêu cho bản thân và không nên đặt ra mục tiêu quá cao bởi dễ căng thẳng và áp lực.

Thí sinh nên chia sẻ thẳng thắn về năng lực, về những khó khăn, áp lực với cha mẹ hoặc thầy cô để nhận được sự trợ giúp và những lời khuyên hợp lý. Tránh nghe những thông tin tiêu cực, thông tin không được kiểm chứng (thông tin về những ngành nghề không còn cần thiết nữa hoặc tỷ lệ chọi của ngành cao…) chỉ làm cho thí sinh rối thêm, ảnh hưởng về tâm lý.

Các thí sinh cần quan tâm đến những bí quyết về "điểm rơi phong độ" và "điểm cao trong tâm lý". Ðiểm cao trong tâm lý là tùy theo nhịp sinh học của các em để ôn tập. Có những học sinh sẽ rất năng suất khi ôn tập vào buổi sáng sớm, nhưng có những người lại phù hợp vào buổi tối; việc này chỉ có các em mới cảm nhận được.

Các em học sinh cũng có thể lựa chọn thói quen thư giãn tích cực như đọc sách, nghe nhạc hay chơi thể thao để cân bằng tâm lý. Về "điểm rơi phong độ", các em đừng bao giờ ôn tập một cách thiếu chiến lược. Có những em học bất kể ngày đêm, nhưng đến những ngày cuối thì lại bị đuối sức hoặc không đảm bảo sức khỏe trong lúc thi. Nên hạn chế và tránh điều này.

Khi làm bài thi, thí sinh tự tạo tinh thần vững vàng bằng cách tập trung mục tiêu tối đa, tránh bị nhiễu bởi các thông tin xung quanh. Khi thấy căng thẳng, các em có thể dùng một vài thao tác như xoáy mạnh ngón chân cái vào gót giày hoặc là mũi giày; cũng có thể tạm tháo giày để xoáy mạnh ngón chân nhằm trấn an bản thân; hoặc là để ngón tay cái vào lòng bàn tay rồi nắm lại. Ðó là những giải pháp nhỏ nhưng hoàn toàn khả thi trong giảm áp lực phòng thi. Sự bình thản về tâm lý và sự tự tin chiếm vị trí rất đáng kể giúp thí sinh thành công trong quá trình thi cử.

Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Phạm Minh Thư, Trưởng Khoa Nội tổng hợp, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ:

CÂN BẰNG VIỆC HỌC, ĂN NGHỈ PHÙ HỢP ĐỂ THI TỐT

- Trước khi thi, thí sinh nên có lịch ôn tập phù hợp, đúng thời gian, thời điểm và không bỏ qua những biện pháp giúp thư giãn tinh thần. Các em học sinh nên ăn nhiều trái cây và rau quả, uống nhiều nước, tránh thức ăn ngọt, tập thể dục thường xuyên. Hãy hít thở sâu, thiền, yoga... để giải tỏa khi tâm lý quá căng thẳng.

Mỗi ngày bên cạnh việc học, các em cũng nên dành thời gian để tìm sự vui vẻ, chia sẻ cảm xúc, chăm sóc cơ thể với chế độ ăn, ngủ khoa học. Nếu vẫn còn cảm thấy căng thẳng, lo lắng thì tìm sự giúp đỡ của mọi người.

Giai đoạn ôn tập cuối cùng khi ngày thi cận kề, các em tuyệt đối tránh việc học dồn ép bất kể ngày đêm, vì điều này dễ làm sức khỏe giảm sút, phát sinh bệnh tật do căng thẳng, mất ngủ. Không nên lạm dụng chất kích thích như trà, cà phê, các chất kích thích tâm thần để học vì rất dễ gây hưng phấn dẫn đến bệnh lý tâm thần.

Thí sinh nên đặc biệt chú ý đến chế độ sinh hoạt, ăn ngủ. Giấc ngủ không điều độ, thức đêm triền miên vì áp lực bài vở, tâm lý lo lắng... dễ dẫn đến tình trạng não luôn bị kích thích và phải làm việc liên tục, đến cuối cùng việc học không hiệu quả.

Các em nên tuân thủ theo nhịp sinh học: ngủ theo nhu cầu, càng sớm càng tốt và nên ngủ sớm để thức dậy sớm. Các em học sinh nên ngủ đủ 6-8 tiếng một ngày, buổi tối nên học bài từ 19 giờ và ngủ trước 23 giờ, sáng dậy sớm để đủ tinh thần tiếp tục việc học; ngủ trưa từ 30 phút đến 1 tiếng.

Hoạt động thể lực cũng rất quan trọng và cần thiết vì giúp máu lưu thông, mang ôxy và dưỡng chất đến não nhiều hơn. Bộ não của chúng ta chỉ có thể tập trung, hoạt động liên tục trong vòng 45 phút, sau đó nó cần được nghỉ ngơi. Vì vậy không phải cứ học liên tục là tốt, mà cứ mỗi 45 phút nên nghỉ giải lao khoảng 10 phút. Thời gian nghỉ ngắn này, các em có thể vận động bằng các bài tập thể dục nhẹ nhàng, kết hợp hít thở sâu để tăng lưu lượng máu lên não...

Bích Kiên (thực hiện)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/-e-thi-sinh-vung-vang-truoc-ky-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2020-a123755.html