Ðể những sẻ chia thật sự ý nghĩa

Chương trình trao tặng 'Mái ấm công đoàn' đã giúp hàng chục nghìn đoàn viên, người lao động (NLÐ) có hoàn cảnh khó khăn, có được một mái ấm mà có lẽ nếu như không có sự giúp sức, động viên, chia sẻ của tổ chức công đoàn, cả đời họ cũng không có được.

Thế nhưng, vừa qua, Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) tỉnh Tiền Giang đã quyết định thu hồi một mái ấm công đoàn đã trao vào cuối năm 2019. Nguyên nhân là ngôi nhà đó được xây dựng với tổng trị giá khoảng 600 triệu đồng, trong khi nguồn hỗ trợ từ Quỹ Mái ấm công đoàn tỉnh chỉ có 30 triệu đồng. Qua đó cho thấy, công tác xét chọn, thẩm định, phê duyệt của công đoàn các cấp còn lơi lỏng, chưa thật sự nghiêm túc để trao trợ cấp đúng người. Ðây không phải là trường hợp cá biệt. Một số cán bộ công đoàn cho biết, có những lần đi dự bàn giao chứng kiến một vài mái ấm xây cất hoành tráng, giá trị cao gấp vài chục lần so với giá trị được tài trợ.

Trao đổi với những cán bộ công đoàn cho thấy, đối với những trường hợp đoàn viên, NLÐ thật sự khó khăn, sau khi được trợ cấp 30 triệu đồng, họ sẽ vay mượn thêm gia đình, họ hàng để xây dựng căn nhà trị giá từ 100 đến 150 triệu đồng. Còn trường hợp xây dựng với tổng giá trị quá cao, điều này làm mất đi bản chất của việc trợ cấp, sẻ chia của công đoàn đối với những đoàn viên, NLÐ có hoàn cảnh khó khăn. Việc thu hồi quyết định hỗ trợ mái ấm của tỉnh Tiền Giang là tiếng chuông cảnh báo nhằm siết chặt công tác thẩm định, phê duyệt để Mái ấm công đoàn trao đúng đối tượng thật sự nghèo khó, bản thân và gia đình không có khả năng tự tạo căn nhà cho riêng mình. Rút kinh nghiệm, một số LÐLÐ đã đưa ra quy định chỉ trợ cấp cho đoàn viên, NLÐ xây dựng mái ấm, với tổng giá trị không vượt quá 2,5 lần so với giá trị tài trợ từ Quỹ Mái ấm công đoàn. Việc này bảo đảm việc người được thụ hưởng thật sự trân trọng sự sẻ chia, giúp đỡ từ tổ chức công đoàn, trên tinh thần "một miếng khi đói bằng một gói khi no".

Nghị quyết của Ban Chấp hành Tổng LÐLÐ Việt Nam về nhiệm vụ của tổ chức công đoàn năm 2020 với hàng chục chỉ tiêu cơ bản, trong đó có nhiệm vụ xây dựng, sửa chữa hơn 3.000 Mái ấm công đoàn. Ðể Mái ấm công đoàn được trao đúng đối tượng, công đoàn các cấp cần tích cực khảo sát, tổng hợp danh sách đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động khó khăn về nhà ở, đề xuất LÐLÐ tỉnh lựa chọn hỗ trợ xây dựng, sửa nhà. Quá trình thẩm định, cán bộ công đoàn cần tới tận gia đình, tìm hiểu hoàn cảnh, lập hồ sơ xét duyệt nghiêm túc, khách quan. Ðối tượng được trao Mái ấm công đoàn phải là đoàn viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đang ở nhà tạm, nhà dột nát, hư hỏng nặng, không có tiền để sửa chữa hoặc xây dựng lại; nhà bị thiệt hại vì thiên tai, hỏa hoạn nhưng không có khả năng khắc phục; ưu tiên đoàn viên công tác lâu năm, trường hợp thuộc gia đình chính sách, phụ nữ đơn thân nuôi con, bệnh tật…

Sau gần 14 năm triển khai, chương trình nhà ở Mái ấm công đoàn trở thành một hoạt động xã hội có sức lan tỏa sâu rộng, mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái "lá lành đùm lá rách" được đông đảo đoàn viên và người lao động đồng tình hưởng ứng. Ðến nay, các cấp công đoàn cả nước đã hỗ trợ gần 50 nghìn gia đình đoàn viên, NLÐ nghèo xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở, với mức hỗ trợ qua nhiều giai đoạn, từ bảy triệu đồng đến 50 triệu đồng/căn. Ðể chương trình ngày càng phát huy hiệu quả, các cấp công đoàn cần tiếp tục tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của chương trình để ngày càng có thêm nhiều đoàn viên, NLÐ được tổ chức công đoàn kịp thời hỗ trợ, góp phần san sẻ, giúp NLÐ vượt qua khó khăn, có thêm động lực, niềm tin vào cuộc sống, yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thái Sơn

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43337202-%C3%B0e-nhung-se-chia-that-su-y-nghia.html