Ðể nghị quyết nhanh đi vào cuộc sống

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết, Hội đồng nhân dân (HÐND) TP Hà Nội luôn chú trọng công tác triển khai đưa nghị quyết vào cuộc sống nhanh nhất, đạt hiệu quả nhất. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, nguyện vọng chính đáng của đông đảo cử tri trên địa bàn.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết, Hội đồng nhân dân (HÐND) TP Hà Nội luôn chú trọng công tác triển khai đưa nghị quyết vào cuộc sống nhanh nhất, đạt hiệu quả nhất. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, nguyện vọng chính đáng của đông đảo cử tri trên địa bàn.

Xuất phát từ thực tiễn

Quản lý giao thông, chống ùn tắc giao thông là nội dung được cử tri Hà Nội kiến nghị nhiều nhất tại các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HÐND các cấp. Bức xúc trước thực trạng một số tuyến đường, nút giao thông thường xuyên tắc nghẽn do lưu lượng phương tiện giao thông lớn, trong khi hạ tầng đô thị không đáp ứng, cử tri mong muốn thành phố có ngay các biện pháp hữu hiệu giảm các điểm ùn tắc như tiếp tục đầu tư, mở rộng các tuyến đường. Nhất là cần đẩy nhanh tiến độ, đưa vào khai thác các công trình trọng điểm như đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Ðông, Nhổn - ga Hà Nội, đường trên cao Ngã Tư Sở - Minh Khai để giảm ùn tắc, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư. Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri, thời gian qua, HÐND thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều nghị quyết về vấn đề này. Năm 2015, HÐND thành phố Hà Nội khóa 14 đã quyết nghị, thông qua "Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và bảo đảm an toàn giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 - 2020". Trong đó đề ra mục tiêu đến cuối năm 2020 giảm tối thiểu 40 điểm ùn tắc giao thông và không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài trên địa bàn. Tiếp đó, năm 2017, HÐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 04/2017/NQ-HÐND về việc thông qua đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2030". Với sự giám sát chặt chẽ của HÐND các cấp, sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, số điểm ùn tắc trên địa bàn thành phố đã giảm theo từng năm. Năm 2016 có 41 điểm, thì năm 2017 đã giảm còn 37 điểm, năm 2018 còn 33 điểm và đến cuối năm 2019 giảm còn 27 điểm (chưa tính số phát sinh mới). Mạng lưới xe buýt đã phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã, 453 xã, phường, thị trấn; 27 khu công nghiệp giúp người dân đi lại thuận tiện hơn. Cùng với đó, nhiều tuyến đường mới đã được xây dựng và đi vào sử dụng như 5 cầu vượt tại các nút giao thông trọng điểm; cải tạo, mở rộng tuyến đường đê hữu Hồng, đoạn từ An Dương đến khách sạn Thắng Lợi.

Trưởng ban Ðô thị HÐND thành phố Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân đánh giá: Nghị quyết số 04/2017/NQ-HÐND thành phố Hà Nội đã xác định đúng và trúng các nhóm giải pháp nhằm tăng cường quản lý giao thông đường bộ, góp phần hạn chế ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, đáp ứng các yêu cầu trước mắt và chiến lược lâu dài.

Những ngày này, khi dịch Covid-19 quay trở lại và tiếp tục có diễn biến phức tạp, người dân và những người tham gia chống dịch càng đánh giá cao tính kịp thời, nhân văn về Nghị quyết
số 01/2020/NQ-HÐND ngày 15-5-2020 của HÐND thành phố Hà Nội về "Quy định một số cơ chế, nội dung, mức chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19" của thành phố. Chị Hương Giang, ở phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm chia sẻ: "Tôi thấy an tâm hơn khi Hà Nội đã có chế độ hỗ trợ (bồi dưỡng và hỗ trợ tiền ăn) cho người bị cách ly tại khu vực phong tỏa cách ly do Ban Chỉ đạo chống dịch các cấp quyết định và bốn nhóm đối tượng khác tham gia chống dịch được hưởng phụ cấp". Bên cạnh công tác phòng, chống dịch, thành phố vẫn luôn quan tâm, chú trọng tới đời sống người dân và các lực lượng chức năng. Chính sách nhân văn của thành phố đã có sức lan tỏa, khơi nguồn để nhiều quận, huyện, các nhà hảo tâm hỗ trợ một số đối tượng đặc thù trong mùa dịch như các giáo viên ngoài công lập, người lao động ngoại tỉnh.

Tiếp tục phát huy vai trò giám sát

Từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, HÐND thành phố Hà Nội đã tổ chức 15 kỳ họp, ban hành 151 nghị quyết, trong đó có 80 nghị quyết chuyên đề. Ðây là căn cứ, là cơ sở pháp lý quan trọng để thành phố sử dụng hiệu quả các nguồn lực và tạo sự chủ động trong phát triển kinh tế của Thủ đô. Năm 2020, tính đến thời điểm này, HÐND thành phố đã tổ chức ba kỳ họp (trong đó có hai kỳ họp không thường kỳ) để kịp thời ban hành các cơ chế, chính sách trên một số lĩnh vực. Nhiều chính sách quan trọng như quy định về mức chi đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19; điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 - 2020 và kế hoạch vốn ngân sách thành phố năm 2020 đợt 1…, được dư luận và cử tri ghi nhận kịp thời, hiệu quả.

Ðể việc triển khai nghị quyết đạt hiệu quả, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HÐND thành phố đã tổ chức tám cuộc chất vấn và trả lời chất vấn, 18 đợt giám sát của HÐND thành phố và Thường trực HÐND thành phố, 147 cuộc giám sát, khảo sát của các ban và 60 cuộc giám sát của các tổ đại biểu HÐND thành phố. Dự kiến, từ nay đến hết năm 2020, ngoài thực hiện giám sát theo kế hoạch, HÐND thành phố sẽ tập trung giám sát một số vấn đề dân sinh bức xúc qua nắm bắt từ công tác tiếp công dân, tiếp xúc cử tri và dư luận quan tâm.

Chủ tịch HÐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, sau mỗi kỳ họp, HÐND thành phố đều phổ biến rộng rãi các nghị quyết trên các phương tiện thông tin đại chúng của thành phố để cử tri và nhân dân biết, theo dõi và cùng giám sát việc thực hiện. "Chúng tôi luôn đề nghị UBND thành phố, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ của mình, chủ động triển khai tổ chức thực hiện, bảo đảm các nghị quyết đi vào cuộc sống một cách sớm nhất và đạt hiệu quả thiết thực. Cùng với đó, HÐND thành phố cũng tích cực giám sát, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, khó khăn của cơ sở khi triển khai để kịp thời điều chỉnh, đưa nghị quyết phát huy hiệu quả cao nhất", Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết thêm.

An Trân

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tranghanoi-tin-chung/e-nghi-quyet-nhanh-di-vao-cuoc-song-613271/