Ðể ngành Công Thương 'tăng tốc''

Những tháng đầu năm 2020, ảnh hưởng của dịch COVID-19, hầu hết các hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại - dịch vụ trên địa bàn TP Cần Thơ đều tăng trưởng thấp so với kỳ vọng, thậm chí bị sụt giảm so cùng kỳ. Để hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch năm, đòi hỏi ngành Công Thương cần tiếp tục có các giải pháp hiệu quả chủ động phòng chống dịch bệnh, vừa 'tăng tốc' phát triển trong những tháng cuối năm.

Mua bán hàng hóa tại Siêu thị Co.opmart Cần Thơ.

Mua bán hàng hóa tại Siêu thị Co.opmart Cần Thơ.

Nhiều chỉ tiêu đạt thấp

Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm ước tăng 1,83% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 2,6% so với cùng kỳ; ngành Sản xuất và phân phối điện tăng 3,07% so với cùng kỳ; ngành Cung cấp nước, hoạt động quản lý xử lý rác thải tăng 7,07% so với cùng kỳ.

Nhiều mặt hàng công nghiệp đã duy trì được mức tăng cao, như phi lê đông lạnh tăng 7,91%; bao bì túi giấy tăng 185,42%; xi măng tăng 43,38%; sản phẩm in tăng 8,17%; nông dược tăng 4,45% so với cùng kỳ. Song, cũng có nhiều mặt hàng công nghiệp bị giảm mạnh, như: sản phẩm may mặc giảm 35,04%; phân bón, khoáng giảm 48,15%; thức ăn gia súc giảm 62,2%; thức ăn thủy sản giảm 9,42%; bia đóng lon giảm 25,22%; tôm đông lạnh giảm 12,04%; gạo xay xát giảm 6,98% so với cùng kỳ.

Nhìn chung, cả hoạt động xuất khẩu và nội thương đều ghi nhận có sự sụt giảm hoặc chỉ tăng nhẹ và hiện còn đạt thấp so với kế hoạch năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước thực hiện 6 tháng đầu năm 2020 là 65.266 tỉ đồng, đạt 43% kế hoạch năm và giảm 3% so với cùng kỳ. Trong đó, các lĩnh vực dịch vụ chịu tác động mạnh từ dịch COVID-19 nên giảm tới 9% so với cùng kỳ, với ước thực hiện là 6.108 tỉ đồng. Riêng hàng hóa bán lẻ ước thực hiện 55.180 tỉ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm ước thực hiện 1.068,73 triệu USD, giảm 3,79% so với cùng kỳ, đạt 30,98% so với kế hoạch. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước thực hiện 838,72 triệu USD, giảm 5,1% so với cùng kỳ, đạt 29,43% so với kế hoạch; dịch vụ thu ngoại tệ ước thực hiện 230,01 triệu USD, tăng 1,29% so với cùng kỳ, đạt 38,34% so với kế hoạch.

Cần giải pháp kịp thời

Dịch COVID-19 được khống chế, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, thương mại-dịch vụ đã hoạt động bình thường trở lại. Tuy nhiên, nhiều các đơn vị, doanh nghiệp vẫn còn đối mặt với khó khăn do ít khách, sức tiêu thụ hàng hóa yếu.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng quản lý Thương mại, Sở Công Thương TP Cần Thơ, đến cuối năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ phải ở mức hơn 150.000 tỉ đồng mới đạt theo kế hoạch đã đề ra. Do nhiều nguyên nhân, trong đó, có ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 mà tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 6 tháng đầu năm đã giảm 3% so cùng kỳ và hiện mới đạt 43% so với kế hoạch. Tới đây, cần phải tăng cường tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu hàng hóa, thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa của thành phố. Tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp tham gia các hội chợ, chương trình “kích cầu” tiêu dùng được tổ chức tại các tỉnh, thành trong nước. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Quang Vinh cho biết: “Số lượng doanh nghiệp tại thành phố có website, sàn giao dịch đăng ký với Cục Thương mại điện tử mới khoảng trên 300 doanh nghiệp. Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để doanh nghiệp đăng ký, tham gia các kênh thương mại điện tử chính thống”. Ðể thúc đẩy thương mại điện tử, đòi hỏi các cơ quan chức năng: ngành thuế, Cục Quản lý thị trường… cũng phải tăng cường kiểm tra, xử lý các website, kênh bán hàng “lếu láo” và trốn thuế, tạo điều kiện cho thương mại điện tử chính thống phát triển.

Hiện nay, xuất khẩu các loại hàng hóa chủ lực của thành phố: gạo, thủy sản, hàng may mặc... vẫn còn chậm do dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới. Doanh nghiệp gặp khó trong giao hàng theo các hợp đồng đã ký và thương lượng, ký các hợp đồng mới. Từ đó, cũng làm ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến. Theo Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ Nguyễn Minh Toại, xuất khẩu cá tra gặp nhiều khó khăn do thị trường xuất khẩu chính đóng cửa và gián đoạn bởi dịch COVID-19. Dự báo tới đây xuất khẩu cá tra sẽ tăng nhưng chậm. Lo là nguồn cá tra nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu trong 6 tháng tới có thể bị thiếu hụt do nhiều người bị thua lỗ nặng giảm diện tích nuôi cá. Ðể giải quyết đầu ra cho con cá tra, hộ nuôi và doanh nghiệp đang tích cực tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa.

Sau khi Chính phủ cho xuất khẩu gạo bình thường trở lại, nhiều doanh nghiệp phải thương lượng, giải quyết các trường hợp giao hàng trễ theo các hợp đồng đã ký nên việc ký các hợp đồng mới cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của doanh nghiệp và quan tâm hỗ trợ tích cực từ ngành chức năng, tin rằng xuất khẩu gạo tới đây có nhiều thuận lợi.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trương Quang Hoài Nam có buổi làm việc với cán bộ chủ chốt Sở Công Thương TP Cần Thơ. Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu Sở Công Thương rà soát, thống kê số liệu và đánh giá kỹ các tác động của dịch COVID-19 lên từng lĩnh vực công nghiệp, thương mại- dịch vụ, kênh phân phối bán hàng và ngành hàng cụ thể… Từ đó, đề ra biện pháp “kích cầu” và hỗ trợ đúng chỗ, đúng nơi. Kịp thời có báo cáo và tham mưu cho thành phố về các giải pháp hiệu quả giúp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển ngành Công Thương, phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2020.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/-e-nganh-cong-thuong-tang-toc-a122540.html