Ðể mô hình kinh doanh mới đóng góp vào tăng trưởng

Ðánh giá kết quả cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016-2020, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) Nguyễn Ðình Cung nhấn mạnh: Quá trình này đã và đang được thực hiện một cách tích cực và thực chất hơn.

Qua đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, sức chống chịu của nền kinh tế có cải thiện nhất định trên một số mặt, đã có sự thay đổi về cách thức và chất lượng tăng trưởng; cơ cấu tổng thể nền kinh tế có chuyển dịch tích cực. Tuy nhiên, ông Nguyễn Ðình Cung cũng không khỏi băn khoăn khi chỉ ra những vấn đề đáng quan ngại trong dài hạn và chất lượng của sự chuyển đổi kinh tế. Ðó là về cơ cấu kinh tế, đến nay vẫn chưa có các ngành nghề mới, sản phẩm mới nổi lên và có đóng góp nhận thấy được, đo lường được đối với tăng trưởng. Diễn biến cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu và nhập khẩu chủ yếu cũng cho thấy, trong gần 10 năm qua, các ngành, nghề, sản phẩm, dịch vụ mới không xuất hiện hoặc có xuất hiện nhưng đóng vai trò không đáng kể trong nền kinh tế. Như vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn trong tình trạng kém năng động và năng lực nội sinh thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Ðây là một nghịch lý trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam gần đây đang bùng nổ nhiều mô hình kinh doanh mới theo phong trào quốc gia khởi nghiệp. Gắn với câu chuyện loay hoay quản lý hoạt động ta-xi công nghệ của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sẽ thấy sức sáng tạo và nguồn lực trong xã hội rất mạnh mẽ nhưng chưa được khơi thông thành một động lực tăng trưởng mới, phần lớn là do tư duy quản lý chưa kịp thích nghi. Với 11 lần thay đổi dự thảo Nghị định 86 sửa đổi (về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô-tô dưới chín chỗ) trong vòng ba năm, dự thảo mới nhất của Bộ GTVT lại quay về quy định ta-xi công nghệ phải gắn mào (hộp đèn) trên nóc xe như ta-xi truyền thống. Bộ GTVT giải thích, quy định này sẽ bảo đảm hai loại hình ta-xi truyền thống và ta-xi công nghệ như Grab, Fastgo… đều chịu điều kiện kinh doanh như nhau, bảo đảm sự công bằng. Hơn nữa, đây là quy định đã và đang thực hiện nhiều năm nay và được vận hành ổn định, góp phần ngăn chặn xe hoạt động tàng hình, xe dù... giúp công tác tuần tra, kiểm soát dễ dàng hơn. Thế nhưng, dễ cho cơ quan quản lý thì lại khó cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và cả xã hội. Ngay trong thành viên Chính phủ cũng đã có ý kiến không đồng thuận. Ðơn cử như Bộ Thông tin và Truyền thông lo ngại rằng, việc yêu cầu gắn mào đối với xe hợp đồng dưới chín chỗ trong dự thảo Nghị định 86 sửa đổi sẽ làm giảm sự sẵn sàng tham gia của các đơn vị vận tải, đưa thị trường kinh doanh ta-xi trở lại thời điểm trước khi xuất hiện loại hình kinh doanh sử dụng công nghệ. Trên nền tảng dữ liệu khách hàng lớn của mình, Grab đã phát triển mạnh mẽ sang nhiều dịch vụ khác liên quan đến sản phẩm tài chính, giao nhận… thay vì dừng lại ở lĩnh vực kinh doanh vận tải như giai đoạn khởi nghiệp.

Ðể có được một nền kinh tế luôn năng động, không thể thiếu vai trò dẫn dắt, thúc đẩy của Nhà nước. Ðó chính là vai trò Nhà nước kiến tạo, tạo cơ hội và điều kiện để các ngành, nghề mới, sản phẩm mới, công nghệ mới, quy trình mới, cách làm mới, mô hình kinh doanh mới xuất hiện và phát triển. Muốn vậy, Nhà nước cần thay đổi tư duy quản lý theo xu hướng chấp nhận cái mới, thay vì chỉ thực hiện sửa đổi pháp luật và các chính sách liên quan theo tư duy "cơi nới". Lấy thí dụ đối với ta-xi công nghệ, các chuyên gia cho rằng cần nhìn nhận đơn vị cung cấp nền tảng như một chủ thể riêng biệt và sử dụng chính công nghệ để quản lý, giám sát, không quy chiếu vào những chủ thể theo mô hình truyền thống. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện hơn nữa cho ta-xi truyền thống đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để hoạt động hiệu quả hơn, tránh tình trạng những người kinh doanh ta-xi truyền thống so bì, quy chụp ta-xi công nghệ cạnh tranh không lành mạnh, là tác nhân đẩy ta-xi truyền thống vào tình trạng thua lỗ, phá sản.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/41653102-%C3%B0e-mo-hinh-kinh-doanh-moi-dong-gop-vao-tang-truong.html