Ðể luật phát huy hiệu quả

Từ khi thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2005 và Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với PCTN, đến nay, công tác này đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư. Tuy nhiên, nhìn tổng thể công tác PCTN ở nước ta vẫn chưa như mong muốn.

Ðoàn công tác số 5 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình. Ảnh: BÁ PHONG

Ðoàn công tác số 5 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình. Ảnh: BÁ PHONG

Từ khi thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2005 và Nghị quyết Trung ương 3 khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với PCTN, đến nay, công tác này đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư. Tuy nhiên, nhìn tổng thể công tác PCTN ở nước ta vẫn chưa như mong muốn.

Nỗ lực PCTN của nước ta được cộng đồng quốc tế ghi nhận trong khuôn khổ thực thi Công ước Liên hợp quốc (LHQ) về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên và các diễn đàn quốc tế khác, nhất là những năm gần đây, việc chống tham nhũng ở nước ta đã không còn vùng cấm, dù bất kỳ cán bộ ở cương vị, chức vụ nào nếu liên quan đến tham nhũng đều bị lên án, trừng trị, được nhân dân ủng hộ, đồng tình.

Tuy nhiên trên thực tế, tình hình tham nhũng vẫn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, việc phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, một số vụ xử lý kéo dài cho đối tượng tham nhũng hoặc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, nhất là thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả rất thấp, gây tâm lý bức xúc và hoài nghi trong nhân dân và xã hội về quyết tâm PCTN của Ðảng và Nhà nước ta.

Tình hình trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là do Luật PCTN năm 2005 còn nhiều hạn chế và bất cập, cụ thể:

Thứ nhất, quy định về công khai, minh bạch còn chưa mang tính bao quát và thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện. Thứ hai, quy định về trách nhiệm giải trình chưa phù hợp, còn hẹp (chỉ áp dụng đối với quyết định, hành vi có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức) dẫn đến khó thực hiện trên thực tế. Thứ ba, chưa quy định một cách đầy đủ, toàn diện về các biện pháp kiểm tra, kiểm soát nhằm tránh xung đột lợi ích đối với cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ, làm giảm hiệu lực, hiệu quả phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng. Thứ tư, các quy định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình chưa cụ thể, không khuyến khích được tính chủ động của người đứng đầu trong phòng ngừa, phát hiện tham nhũng. Thứ năm, các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập còn hình thức chưa giúp kiểm soát được biến động về tài sản, thu nhập; việc xử lý người kê khai không trung thực hoặc không giải trình được một cách hợp lý về biến động tài sản, thu nhập còn chưa hiệu quả. Thứ sáu, các quy định về cơ chế phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm toán, thanh tra nhà nước và giám sát chưa phù hợp, chưa phát huy được vai trò, chức năng của mỗi cơ quan và của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò của báo chí và nhân dân trong PCTN. Thứ bảy, các quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo còn chưa đầy đủ, chưa phát huy được sự tham gia của người dân trong việc phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng và chưa có biện pháp hữu hiệu, kịp thời để bảo vệ người tích cực chống tham nhũng. Thứ tám, chưa xác định rõ vị trí, vai trò và mối quan hệ giữa Luật PCTN và các văn bản pháp luật khác dẫn đến cách hiểu và vận dụng chưa thống nhất, thiếu biện pháp xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về PCTN. Thứ chín, 12 hành vi tham nhũng quy định trong Luật PCTN năm 2005 chưa bao quát đầy đủ các hành vi tham nhũng diễn ra trong thực tiễn hiện nay và chưa đồng bộ với các tội phạm tham nhũng trong Bộ luật Hình sự.

Để nâng cao hiệu lực của Luật PCTN và là khuôn khổ pháp lý cho việc tăng cường, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác PCTN, cần thiết và cấp bách phải sửa đổi, bổ sung Luật PCTN năm 2005. Trước hết, việc sửa đổi, bổ sung Luật PCTN năm 2005 cần đồng bộ với các quy định mới trong các đạo luật quan trọng khác đã được Quốc hội thông qua trong thời gian vừa qua và tuân thủ Công ước LHQ về chống tham nhũng.

Hai là, mở rộng việc kê khai, công khai, minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập, nên bổ sung việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cả những người được thụ hưởng từ tham nhũng. Chẳng hạn, như thực tế chỉ là sinh viên năm thứ nhất mà đã có cơ ngơi ở Hà Nội, xe ô-tô sang, tài sản này tuy không đứng tên cán bộ, công chức, nhưng chắc chắn là của bố mẹ cho...

Ba là, quy định cụ thể việc giải trình tài sản, thu thập lần đầu, nhất là tài sản tăng thêm, nếu không giải trình được một cách hợp lý thì coi đó là tài sản do tham nhũng mà có, cần phải tịch thu sung công.

Bốn là, quy định tăng hình phạt về tham nhũng, nhất là về kinh tế phải thu hồi lớn hơn tài sản đã tham nhũng để không dám tham nhũng. Vào thế kỷ XV, dưới triều Hồng Ðức (vua Lê Thánh Tông), tại Ðiều 138 của Bộ Quốc Triều Hình luật đã ghi: "Quan ty làm trái pháp luật mà ăn hối lộ từ 1 đến 9 quan thì xử tội chém. Những bậc công thần, quý thần cùng những người có tài được giữ vào hàng bát nghị mà ăn hối lộ từ 1 đến 9 quan thì phạt 50 quan; từ 10 đến 19 quan thì phạt từ 60 đến 100 quan; từ 20 quan trở lên thì xử tội đồ và những tiền ăn hối lộ xử phạt gấp đôi nộp vào kho". Khi vừa thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 27-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Sắc lệnh số 223 về trừng trị các tội đưa và nhận hối lộ, biển thủ công quỹ, trong đó tại Ðiều thứ 1 đã nêu rõ: "Tội đưa hối lộ cho công chức, tội công chức nhận hối lộ, hoặc phu lam, hoặc biển thủ công quỹ hay của công dân đều bị phạt khổ sai từ 5 đến 20 năm và phạt bạc gấp đôi tang vật hối lộ, phu lam hay biển thủ. Tang vật hối lộ bị tịch thu sung công. Người phạm tội còn có thể bị xử tịch thu nhiều nhất là đến ba phần tư gia sản". Người ở ngôi vị càng cao, càng phải xử nặng; làm mạnh từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, không sợ "đụng chạm", không sợ "liên lụy" để làm tăng lòng tin của nhân dân với Ðảng, Nhà nước.

Năm là, cần có quy định việc trao trách nhiệm cho cơ quan điều tra về PCTN theo hướng cơ quan điều tra cấp bộ điều tra các vụ án tham nhũng xảy ra ở cấp Trung ương và cấp tỉnh; cơ quan cảnh sát điều tra ở cấp tỉnh điều tra các vụ án tham nhũng xảy ra ở cấp huyện và cấp xã có sự tham gia của cán bộ cấp huyện khác.

Sáu là, cần có quy định phòng, chống tha hóa quyền lực. Bởi tham nhũng chỉ là một trong những kết quả đối với cá nhân tham nhũng và hậu quả đối với xã hội của việc lợi dụng quyền lực. Chống được tha hóa quyền lực thì chống được tham nhũng.

CAO VĂN THỐNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/cuoituan/chuyen-de/item/34745602-%C3%B0e-luat-phat-huy-hieu-qua.html