Ế ẩm vì Covid - 19, nhiều khách sạn buộc phải rao bán

Làn sóng 'bán tháo' khách sạn đang diễn ra tại Hà Nội, đặc biệt là trong phố cổ, do phụ thuộc lượng lớn vào khách du lịch quốc tế. Các chuyên gia nhận định, từ nay đến 2021, thị trường khách sạn sẽ trồi sụt và phụ thuộc vào khách nội địa.

Nhiều khách sạn 4 sao tại Hà Nội rao bán (Ảnh: Internet)

Nhiều khách sạn 4 sao tại Hà Nội rao bán (Ảnh: Internet)

Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến thị trường du lịch và khách sạn gần như rơi vào trạng thái ngủ đông trong suốt nửa đầu năm 2020. Hiện nhiều khách sạn tư nhân hàng chục đến hàng trăm tỷ đã được rao bán

Làn sóng rao bán khách sạn

Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên tình hình kinh doanh của lĩnh vực dịch vụ lưu trú bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều khách sạn ở Hà Nội phải đóng cửa vì không có khách. Đặc biệt, thời gian gần đây, thông tin rao bán khách sạn tại Hà Nội ngày một nhiều hơn. Từ khách sạn vài chục tỷ đến gần nghìn tỷ đều rao bán.

Đơn cử như khách sạn Candle 4 sao tại phố Đội Cấn, có diện tích hơn 2.000 m2, 20 tầng, được rao bán với giá 880 tỷ đồng. Tại Phố Hàng Trống, một khách sạn bán khách sạn 4 sao, 10 tầng, giá 130 tỷ đồng.

Tại phố Giảng Võ, quận Ba Đình, khách sạn 5 sao Grand Vista Hà Nội cao 17 tầng nổi và 3 tầng hầm, với 165 phòng nghỉ và chức năng đang được rao bán 950 tỷ đồng.

Tương tự, khách sạn 5 sao Atlanta Hà Nội với quy mô 16 tầng trên diện tích 560m2, ở Hàng Chuối, quận Hai Bà Trưng cũng đang rao bán với giá 480 tỷ đồng.

Trên phố Hàng Bè, Bát Sứ một vài khách sạn cũng đã treo biển bán. Theo tìm hiểu, chủ một khách sạn trên phố Hàng Bè đã cho một doanh nghiệp thuê lại kinh doanh 15 năm nay. Nhưng năm 2020 là năm hết hợp đồng, trùng với dịch Covid-19, kinh doanh ế ẩm, khách nước ngoài không sang được, nên doanh nghiệp thuê lại đã trả mặt bằng cho chủ.

Theo chủ thuê một khách sạn 4 sao trên phố Ngọc Khánh, chỉ trong 3 tháng dịch Covid-19 đã “bay” 10 tỷ đồng tiền thuê mặt bằng, chi phí nhân viên, điện nước… Và đợt dịch thứ 2, vị chủ thuê này cũng đang tính sang nhượng hoặc trả lại mặt bằng cho chủ khách sạn.

Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, tính chung 7 tháng năm 2020, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 6,13 triệu lượt khách, giảm 63,3% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lượng khách nước ngoài chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc giảm tới gần 90%. Do đó, kinh doanh khách sạn tại Hà Nội hiện trạng đang rơi vào tình cảnh ế ẩm, bết bát.

Trước đó, Savills Hà Nội cũng có một thống kê cho thấy, cách ly xã hội cùng với việc đóng cửa du lịch quốc tế đã ảnh hưởng mạnh tới hoạt động của thị trường khách sạn trong quý II/2020. Doanh thu phòng trung bình khu vực trung tâm giảm -71% theo quý và -84% theo năm. Trong khi khu vực nội thành giảm -59% theo quý và -80% theo năm. Khu vực phía Tây có doanh thu phòng giảm -51% theo quý và -72% theo năm xuống còn 29 USD/phòng/đêm.

Trong tình cảnh đang đìu hiu, chưa hồi phục lại, một cú bồi Covid-19 lần thứ 2, khiến thị trường khách sạn càng trở nên thê thảm hơn bao giờ hết. Hiện nay, khách du lịch tới Hà Nội hầu hết là khách nội địa, công tác hoặc khách du lịch đến từ các địa phương khác, còn khách quốc tế vẫn chưa thể tới Hà Nội.

Do kinh doanh ế ẩm, nên nhiều chủ thuê và chủ đầu tư rao bán khách sạn có giá từ vài chục tỷ với vài trăm tỷ đồng (Ảnh: Internet)

Kinh doanh năm 2020 vẫn khó

Theo ông Nguyễn Trọng Thức, Phó Giám đốc CBRE Hotels Việt Nam cho hay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến thị trường du lịch và khách sạn gần như rơi vào trạng thái "ngủ đông" trong suốt nửa đầu năm 2020.

Việt Nam lần đầu tiên ghi nhận sự sụt giảm về lượng khách du lịch quốc tế và nội địa trong sáu tháng đầu năm 2020 với mức giảm lần lượt là 56% và 50% so với cùng kỳ năm trước. Kể từ cuối tháng 3, khi Việt Nam tạm dừng các chuyến bay quốc tế, quý II, lượng khách quốc tế đến giảm mạnh gần 99%. Doanh thu trên mỗi phòng cho cả Việt Nam trong cùng kỳ cũng ghi nhận mức giảm tương tự khoảng 55%.

Nhận định về thị trường khách sạn thời gian tới, ông Thức cho biết, sự hồi phục của ngành du lịch khách sạn sẽ còn phải đối mặt với nhiều biến động khó lường và phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát dịch của thế giới.

Tình hình hoạt động của các khách sạn trong quý III dự báo sẽ không có nhiều biến chuyển so với quý II. Trong giai đoạn 2020-2021, thị trường này sẽ luôn ở trong tư thế phòng thủ, do phải đối mặt với những biến động khó lường về dịch bệnh cho đến khi có vắc-xin phòng ngừa hoặc phương pháp điều trị hiệu quả hơn.

Hiện, nhiều tập đoàn, quỹ đầu tư đang săn đón những tài sản đang bị áp lực nợ với mức định giá thấp. Tuy nhiên, ông Thức trấn an, thị trường khách sạn hiện vẫn chưa ghi nhận nhiều tài sản như thế này ở phân khúc 4 – 5 sao, mà chủ yếu tập trung ở những phân khúc thấp hơn. Song song đó nhiều cơ hội cũng mở ra khi những chủ sở hữu các chuỗi khách sạn cũng đang tìm cách thoái vốn tại một số tài sản kém hiệu quả.

Nhận định về thị trường khách sạn nói chung và Hà Nội nói riêng, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Bộ phận Khách sạn Savills châu Á – Thái Bình Dương đánh giá, với tỷ lệ phòng trống của toàn thị trường luôn dao động quanh mức 30% trước khi đại dịch bùng phát, phân khúc khách sạn có thể tiếp tục gặp khó khăn trong giai đoạn tới. Hiện mô hình “bong bóng du lịch” đang được cân nhắc.

“Trong năm 2019, các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á cùng với Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc đã chiếm 77% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Thị trường du lịch khách sạn sẽ tiếp tục phụ thuộc vào khách du lịch trong nước cho đến khi đường bay quốc tế phục hồi”, ông Mauro Gasparotti nói.

Theo Minh Trang/Thời báo Kinh doanh

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/bat-dong-san/e-am-vi-covid-19-nhieu-khach-san-buoc-phai-rao-ban/20200827045433833