Ế 5 tấn gỗ sưa ở Chương Mỹ: Do cách bán hay...giá?

Theo ông Tuyến, buổi bán đấu giá hơn 5 tấn gỗ sưa vào ngày 4/7 bị tạm hoãn do chưa có cá nhân, tổ chức nào tiến hành đặt cọc tiền.

Ông Vũ Văn Tuyến, trưởng thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội cho báo Đất Việt biết thông tin trên vào sáng ngày 4/7 xung quanh xôn xao vụ bán cây sưa trăm tỷ.

"Phía Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản mới thông báo với thôn thông tin này hôm 3/7, chính vì vậy buổi bán đấu giá theo dự kiến ngày 4/7 sẽ phải hoãn và tổ chức vào một thời gian khác. Có lẽ thôn sẽ nghỉ một thời gian rồi tiến hành họp và điều chỉnh lại mức giá và cách bán", ông Tuyến nói.

Nói về lý do không cá nhân, tổ chức nào đặt cọc tiền, ông Tuyến cho rằng, giá chỉ là một lý do nhỏ, điều đáng nói ở đây là cách bán chưa phù hợp.

Người dân thôn Phụ Chính chặt hạ hai cây sưa đỏ trong khuôn viên chùa Phụ Chính

Người dân thôn Phụ Chính chặt hạ hai cây sưa đỏ trong khuôn viên chùa Phụ Chính

Theo ông Tuyến: "Mức giá sàn đưa ra như vậy không phải quá đắt mà chỉ theo giá thị trường. Tuy nhiên, nhiều người đến mua hồ sơ mà không tiến hành đặt cọc tiền. Việc không có ai đặt cọc cũng không hẳn là do nhu cầu dùng gỗ sưa của người dân giờ không còn.

Về cách bán chưa phù hợp thì có lẽ nên xem xét lại. Đây là việc tế nhị nên chúng tôi sẽ họp với nhau sau".

Cũng theo ông Tuyến, thôn sẽ tham khảo thêm ý kiến của những chuyên gia mua bán gỗ sưa và các loại gỗ đắt tiền. Việc khó bán gỗ sưa, trước đó thôn đã đoán trước được tình hình.

"Do chưa bán được nên việc phân công người trông nom gỗ sưa vẫn phải được đảm bảo và duy trì hàng ngày đến khi bán được mới thôi", trưởng thôn Phụ Chính chia sẻ.

Trước đó, từ giữa tháng 6, đại diện người dân trong thôn đã phối hợp với Trung tâm bán đấu giá tài sản để tổ chức bán hồ sơ đấu giá. Tổng số gỗ thu được từ việc chặt hạ 2 cây sưa đỏ trong khuôn viên đình thôn Phụ Chính khoảng hơn 5 tấn.

Giá sàn dự kiến của rễ cây sưa là 6,5 triệu đồng/kg. Riêng phần thân cây sưa sẽ tùy thuộc vào chất lượng gỗ để phân thành các loại giá sàn khác là loại 32 triệu đồng/kg; loại 22 triệu đồng/kg và loại 15 triệu đồng/kg.

Việc bán đấu giá gỗ sưa sẽ không giới hạn người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, theo quy định thì người mua hồ sơ tham gia đấu giá phải đặt cọc trước một khoản tiền.

Được biết, nếu các tổ chức, cá nhân có nhu cầu mua gỗ sưa thì sẽ phải mua hồ sơ tham gia đấu giá, đặt cọc trước 15% trong tổng số tiền gỗ sưa sẽ mua.

Theo người dân thôn Phụ Chính kể lại, ở thời điểm gỗ sưa đắt đỏ, cây này được trả giá trên 100 tỷ đồng.

Những khúc gỗ sưa được vận chuyển, lưu giữ cẩn thận

Năm 2016, người dân thôn Phụ Chính đã làm đơn xin chính quyền cấp phép bán cây sưa để phục vụ nhiều công trình phúc lợi, trùng tu các di tích nhưng chưa nhận được sự đồng ý.

Sau đó, đến tháng 10/2018, UBND thành phố Hà Nội ra văn bản yêu cầu các ban, ngành hướng dẫn người dân khai thác cây sưa theo đúng trình tự pháp luật.

Cuối tháng 1/2019, người dân địa phương đã chặt hạ, khai thác cây sưa đỏ quý hiếm có tuổi đời trên 130 năm trong khuôn viên đình thôn Phụ Chính. Đồng thời, một cây sưa đỏ cổ thụ khác, nằm cạnh “cây sưa trăm tỷ” cũng được người dân tiến hành khai thác.

Toàn bộ số gỗ sưa được người dân cất giữ trong thùng xe container hàn kín các mối khóa, quấn lưới B40 xung quanh, lắp camera giám sát, đặt tại nhà văn hóa thôn đợi ngày bán đấu giá.

Thu Hoài

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/e-5-tan-go-sua-o-chuong-my-do-cach-ban-haygia-3383135/