Duyên phận xế chiều của cặp đôi ông bà chưa một lần đám cưới

Trao gửi tình yêu với nhau hơn 30 năm, dù chưa một lần đám cưới nhưng ông Súng và bà Ái vẫn dành cho nhau một hạnh phúc trọn vẹn dù cả hai tuổi đã xế chiều.

Ông Súng và bà Ái hạnh phúc trong cảnh nghèo chông chênh

Ông Súng và bà Ái hạnh phúc trong cảnh nghèo chông chênh

Thấu cảm từ cảnh khổ

Năm nay, ông Nguyễn Văn Súng đã 86 tuổi. Ở cái tuổi đã xế chiều nhưng ông vẫn bền bỉ dành nhiều tình cảm cho “người yêu đặc biệt tuổi 72” của mình - bà Ái, dù hai người cách nhau hàng chục cây số.

Quê ông ở Ninh Giang, Hải Dương, trước ông làm thuê cho một lò vôi tại Quảng Ninh. Công việc vất vả, lương ba cọc ba đồng nên ông bỏ đi làm ăn mong sao có của ăn của để, đời sống khấm khá hơn. Vợ ông chẳng may mất sớm vì bệnh hiểm nghèo, duyên vợ chồng đứt gánh, tuổi già càng thêm buồn tủi. Ông đi “tha phương cầu thực”, kiếm đủ mọi việc để làm lấy đồng ra đồng vào nhằm phụ thêm cho con cái không phải bận tâm, lo lắng.

Ngồi cạnh “người bạn đời đặc biệt” – ông Súng, bà Ái cũng ngậm ngùi kể về quãng thời gian nghèo khó của chính mình. Bàn tay bà nắm chặt tay ông như một điểm tựa tinh thần mỗi khi nhắc về quá khứ đầy sóng gió. 72 năm sống trên đời, bà đã trải qua đủ mọi đa đoan. Dấu vết nặng nhọc của cuộc đời đã hằn lên nét mặt của cụ bà “thất thập cổ lai hy” này.

Bà chia sẻ: “Thời còn chiến tranh, vì cuộc sống khó khăn gia đình bà “gánh nồi, gánh niêu” ra Hà Nội để làm ăn.Trên đường, bà bị lạc mất bố mẹ, ngót mấy chục năm không biết mình còn anh em họ hàng gì không. Bà lang thang khắp nơi, không có công việc cụ thể, đi lang bạt làm thuê lao động tự do kiếm sống qua ngày. Đời bà khổ lắm”, bà Ái kết thúc câu chuyện dài về cuộc đời mình với tiếng thở dài.

Bà Ái sống trên chiếc thuyền cũ ở sông Tam Bạc (Hải Phòng) cũng được vài chục năm. Ở xóm chài nghèo gần 100 hộ dân, chỉ có bà không có quê, không họ hàng thân thích. Sự xuất hiện của ông Súng đầy đặc biệt, mà bà coi đó như một “mối nhân duyên đời người đã được ông trời định sẵn cho bà”.

“Duyên phận phải chiều”

Khi kể về chuyện tình cảm của mình, hai ông bà luôn dành cho nhau ánh mắt đầy hạnh phúc. Duyên số đưa hai người gặp nhau, như tìm được một nửa mảnh ghép còn thiếu của cuộc đời mình.

Hồi ấy, ông Súng xuống Hải Phòng làm cửu vạn, bốc hàng gần khu Lạc Long bây giờ. Cuộc sống làm thuê xa nhà, vui ít buồn nhiều nên cũng vắng bóng người bầu bạn tâm sự. Bà Ái cũng đi làm thuê việc vặt cho một nhà gần bến Bính. Cùng cảnh cô đơn tuổi già, hai ông bà đi lang thang rồi gặp nhau như một định mệnh của số phận. Cùng cảnh quang gánh đứt giữa đường, vợ mất, chồng chết, lại chia sẻ nỗi nhọc nhằn làm thuê nơi xứ người, hai ông bà đã kết duyên trò chuyện, để có người bầu bạn lúc sớm khuya.

Ông Súng chia sẻ: “ Tôi thì vợ mất rồi, muốn làm bạn với bà, góp gạo thổi cơm chung, có bầu có bạn cho vui vẻ”. Bà thì cũng khai thật: “Chồng tôi mất rồi, không dám lấy người ngoài, người cùng cảnh với mình như ông. Tôi tàn tật, ông thương thì ở đây với tôi cho có bạn, có bè”.

Từ ngày “duyên tựa hoa đào”, hai ông bà về ở cùng nhau, dắt nhau đi làm ăn khắp trong Nam ngoài Bắc. Đầu tiên là ở lò vôi dưới Quảng Ninh, một thời gian vào Long Khánh, đi làm thuê sống qua ngày rồi quay về Hải Phòng năm 1982.

Ngót vài chục năm, “đôi uyên ương” sống cùng nhau ở chiếc thuyền tạm tại xóm chài Lạc Long, cùng nhau trải qua những thăng trầm của cuộc đời. Nhớ về những gì đã qua, ông bà vẫn coi đó như một hành trình để tìm kiếm hạnh phúc đích thực. Ông bà đã chọn một hạnh phúc giản dị, cùng nhau xây đắp nó tại chiếc thuyền nhỏ này.

Đến khi tuổi ông Súng đã cao, con cháu ở quê đón ông về Ninh Giang để ở cùng gia đình. Không đành lòng để bà Ái lọ mọ một mình ở thuyền nên cứ vài tuần ông lại bắt xe ôm ra chơi với bà. Khi thì vài tuần, có khi cả tháng cho có người bầu bạn.

Ông sợ bà buồn, lo những đêm trái gió trở trời chân sưng tấy không đi lại được thì không có ai chăm nom. Có bận, bà Ái phải nhập viện, ông liền bắt xe ôm sang chăm bà vài tuần trong viện vì sợ bà tủi thân, suy nghĩ khiến bệnh lâu khỏi.

Dù chưa một lần được mặc váy cưới, nhưng đối với bà Ái ông là một phần của cuộc đời bà. Đó là thứ tình cảm xuất phát từ sự trân trọng đối phương, cảm giác muốn chia sẻ hạnh phúc cho nhau lúc tuổi già. Dù họ đã đi gần hết một đời người, nhưng hạnh phúc đã đến với “cặp đôi” này theo một cách tự nhiên nhất.

“Hạnh phúc trong cảnh bần hàn”

Không chỉ đến với nhau như một sự tự nguyện của hai trái tim cô đơn khi tuổi già. Ở họ là tình thương, sự đùm bọc, lòng thấu cảm giữa con người và con người. Chính điều đó là chìa khóa hạnh phúc giúp cuộc sống hai ông bà luôn trọn vẹn tình yêu dành cho nhau. “Bà ngọt ngào lắm, cứ em với anh, vì thế mà không bỏ được”, đó là lời tâm sự đầy hóm hỉnh của ông Súng khi nhắc về người bạn đời đặc biệt của mình. Dù không một lần tổ chức đám cưới, nhưng ông luôn coi bà như một người vợ, người phụ nữ không thể thiếu trong cuộc đời mình.

Trong chiếc thuyền ọp ẹp rộng chừng vài mét vuông lúc nào cũng đầy ắp hạnh phúc. Đó chính là từ tình cảm chân thành của ông bà dành cho nhau. Biết chân bà còn đau, bị tật khó đi lại, ông cất công làm chiếc cầu thang gỗ bắc từ thuyền lên bờ cho bà đi lại được thuận tiện. Những vật dụng nhỏ trong nhà từ chiếc cốc, cái gương, lược đều một tay ông sắm.

Có lẽ, sự chông chênh của cuộc sống nơi sông nước cùng cái nghèo, tuổi già vẫn kề cạnh nơi mạn thuyền cũng không làm giảm đi hạnh phúc, tình yêu, sự quan tâm của ông bà dành cho nhau. Bà Ái kể rằng mình hay đi thả vài con cá, cua gần bờ để nấu những bữa com ngon cho ông ăn. Mỗi tối, sau bữa, ông lại ngâm nga vài câu chèo cho bà nghe cho đỡ buồn. Dù cuộc sống khó khăn, bấp bênh nhưng hai ông bà vẫn hạnh phúc và dành cho nhau những tình cảm đầy trân quý hiếm có.

Ông ra chơi với bà hai đến ba tuần rồi lại bắt xe ôm về quê với con cháu ở nhà. Khi nào nhớ bà, ông lại ra thăm. Ông Súng chia sẻ: “Tôi mà về thăm quê, bà cứ ngồi khóc cả đêm. Vợ chồng với nhau thì ai chả nhớ, già cả với nhau, thương nhau tình cảm là chính”.

Bà Ái ở một mình lọ mọ, thương bà vất vả, sợ cảnh buồn tuổi già nên ông Súng ra thăm nom thường xuyên. Có khi đôi ba tháng mới về, nhiều lần ngỏ ý đón bà về bờ ở với con cháu ở quê nhưng bà từ chối vì sống quen ở thuyền. Dù vậy, bà vẫn luôn mong ông ở bên bà, đến khi tận ngày đoạn tháng.

“Ông tình cảm lắm, đi đâu cũng phải thơm một cái rồi mới đi. Thơm nhiều quá đâm mõm cả má. Trước đây, bà mê giọng hát, ông hay làm thơ tặng bà lắm, giờ thi thoảng vẫn giở ra đọc lại”. - kể về ông Súng, giọng bà toát lên vẻ đầy hạnh phúc.

Sau bữa cơm tối đạm bạc chỉ có chút cá kho và rau luộc, ông Súng lại lật đật đi pha ấm chè mới để cùng bà ngồi nghe đài. Chiếc đài cát set nhỏ là thứ máy móc duy nhất trên chiếc thuyền nan của hai ông bà. Thi thoảng ông cất vài câu hát bông đùa trêu bà bật cười:

“ Đôi ta duyên phận phải chiều

Tơ hồng phấn phít chỉ điều xe xăn

Cầm tay giao mặt rặn rằng

Chỉ thề nước biếc đao hằng chớ quên”.

Có thể ngoài kia, sóng đánh mạn thuyền, tuổi già và cái nghèo vẫn đang kề cửa. Nhưng chiếc thuyền nhỏ nơi xóm chài nghèo sẽ luôn tràn ngập tiếng hát của ông Súng, tiếng cười của bà Ái. Bởi họ vẫn thương nhau và dành trọn vẹn cho nhau tình cảm trân quý nhất tới những ngày cuối cùng của đời người. Hạnh phúc là vậy, mấy ai trên đời có được những vẹn toàn yêu thương, trân kính như thế?

Tuệ Minh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/duyen-phan-xe-chieu-cua-cap-doi-ong-ba-chua-mot-lan-dam-cuoi-441318.html