Duyên nợ từ nấm linh chi

Có người từng nói Nguyễn Thị Hiếu (34 tuổi, chủ trang trại nấm linh chi Đất Thép, huyện Củ Chi, TPHCM), 'khùng' khi bỏ nghề công nghệ thông tin với mức lương cao đi trồng nấm linh chi. Vượt qua những thất bại, chị gặt hái thành công với những sản phẩm sáng tạo từ nấm.

Nguyễn Thị Hiếu giới thiệu sản phẩm với khách hàng tại hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao 2018. Ảnh: U.P.

Nguyễn Thị Hiếu giới thiệu sản phẩm với khách hàng tại hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao 2018. Ảnh: U.P.

Gặp Nguyễn Thị Hiếu tại phiên chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao (diễn ra từ ngày 3-8/4 tại TPHCM), chị khoe trại nấm Đất Thép đang có những sản phẩm mới từ nấm linh chi kết hợp với các loại thảo dược khác, giúp chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người dùng.

Đổi nghề nhờ…bị bệnh

Nguyễn Thị Hiếu học ngành Công nghệ thông tin trường ĐH Nông Lâm TPHCM. Ra trường Hiếu được tuyển vào làm ở một doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ với mức lương khá cao. Nhưng đi làm được một thời gian ngắn, tai họa bất ngờ ập đến với Hiếu- bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Không đủ tiền để phẫu thuật, Hiếu tìm đến các bài tập vật lý trị liệu, châm cứu. Tình cờ có người bạn tặng bịch nấm linh chi, Hiếu uống thử thấy người khỏe hơn, ăn được ngủ được, bệnh dần thuyên giảm. Ý tưởng bỏ nghề đi trồng nấm linh chi ra đời từ đây.

Gom tất cả số tiền tiết kiệm được, Hiếu trở về quê ở Củ Chi thuê đất, dựng trại, xây lò hấp, mua thiết bị, nguyên liệu, meo giống… Những ngày đầu chưa có kinh nghiệm, dù chăm sóc, theo dõi sát sao nhưng các túi meo không lên nấm mà chỉ lên mốc. “Có những hôm tôi làm việc xuyên đêm để cứu nấm, vì sợ để lâu mốc sẽ lan sang những cây khác. Tôi đã phải tìm đọc rất nhiều tài liệu xem có cách nào cứu không. Ai bày cách gì hay mình cũng thử. Vậy mà cuối cùng phải nhổ bỏ hết”, Hiếu nhớ lại những ngày đầu trồng nấm thất bại.

“Nhiều người bảo tôi “khùng” khi bỏ nghề công nghệ thông tin với mức lương đáng mơ ước để rồi chạy ngược chạy xuôi xin học nghề nấm”, Hiếu nói. Với sự kiên trì và những kinh nghiệm rút ra được từ những lần thất bại, Hiếu ngày càng có kinh nghiệm hơn và có những thành công bước đầu. Chị thuộc nằm lòng phương pháp và kỹ thuật trồng, chăm sóc nấm: sàng sạch nguyên liệu để loại tạp chất; bịch hấp thanh trùng phải để thật nguội trước khi cấy meo giống; nhà ươm thoáng mát và phải có bao lưới ngăn côn trùng xâm nhập... Đặc biệt, không sử dụng phân, thuốc để đảm bảo nấm sạch.

Sáng tạo sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường

Thời gian đầu, Nguyễn Thị Hiếu tập trung trồng nấm linh chi đỏ nguyên miếng nhưng không được nhiều người đón nhận. Cái khó ló cái khôn, Hiếu nảy ý tưởng tạo ra các sản phẩm: cao nấm linh chi đỏ, linh chi hòa tan. Đây là các sản phẩm được bổ sung thêm các loại thảo dược khác thay vì 100% nấm linh chi đỏ.

“Khi khởi nghiệp, điều quan trọng nhất là niềm đam mê và sự kiên nhẫn. Đừng sợ gì cả, bởi khi đam mê đủ lớn tự động các bạn sẽ có cách vượt qua được những khó khăn sóng gió”.

Nguyễn Thị Hiếu, chủ trại nấm linh chi Đất Thép

Để tạo ra những sản phẩm trên, Hiếu đã dành thời gian học thêm các khóa học về Đông y, đọc sách nghiên cứu chuyên ngành về nấm linh chi. Sau đó Hiếu tiến hành nghiên cứu, mang đi kiểm nghiệm và tiến hành đăng ký thương hiệu sản phẩm.

“Cái khó nhất là khâu kiểm nghiệm và xin giấy chứng nhận đăng ký sản phẩm. Để ra thị trường được người tiêu dùng chấp nhận, sản phẩm của mình phải đảm bảo chất lượng, giúp người sử dụng hấp thu chất dinh dưỡng tốt nhất và cân bằng nhất nhờ các sản phẩm thảo dược được phối trộn trong sản phẩm”, Hiếu chia sẻ.

Trong diện tích hơn 5.000m2 của trang trại hiện nay, Hiếu chỉ dành 1.000m2 để trồng nấm linh chi, phần còn lại trồng các loại thảo dược như cỏ mật ngọt, lạc tiên, đinh lăng, chùm ngây... để phối trộn với nấm linh chi tạo những sản phẩm độc đáo, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Nhờ những sản phẩm nghiên cứu kết hợp nấm linh chi và thảo dược đã giúp Hiếu nâng cao giá trị và tiếp cận thị trường dễ dàng hơn. “Thực tế không phải người nào cũng hấp thu nấm linh chi nguyên chất 100% được, nhưng nếu kết hợp thêm các dưỡng chất từ thảo dược thì lại khác”, Hiếu nói.

Cuối năm 2017, Nguyễn Thị Hiếu đã đem nấm linh chi sang Thái Lan tiếp thị và nhận được nhiều tín hiệu tích cực từ khách hàng. Hiện các sản phẩm chế biến từ nấm linh chi và thảo dược của trại nấm Đất Thép đã có mặt ở thị trường Úc. Ngoài ra, Hiếu là một chủ hàng quen thuộc của các bà nội trợ Sài Gòn qua các hội chợ khởi nghiệp, phiên chợ sạch...

Bằng sự khéo léo, tỉ mỉ, Hiếu còn cho ra lò những chậu nấm linh chi bon sai đẹp mắt, làm quà lưu niệm trong dịp tết 2018 vừa qua.

Uyên Phương

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/gioi-tre/duyen-no-tu-nam-linh-chi-1260058.tpo