Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên vẫn còn là vùng trũng về xây dựng nông thôn mới

Sáng 7/9, tại tỉnh Quảng Nam diễn ra Hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên giai đoạn 2010 – 2020.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường (ở giữa) cho rằng, vùng DHNTB và Tây Nguyên vẫn là vùng trũng trong xây dựng nông thôn mới

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường (ở giữa) cho rằng, vùng DHNTB và Tây Nguyên vẫn là vùng trũng trong xây dựng nông thôn mới

Tính đến tháng 8/2019, khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ (DHNTB) và Tây Nguyên (TN) có 42,41% (604/1.424) xã đạt chuẩn nông thôn mới, thấp hơn mức đạt chuẩn trung bình của cả nước, và so sánh với khu vực thì chỉ cao hơn duy nhất vùng miền núi phía Bắc (hiện mới có 26,45% số xã đạt chuẩn). Có 9 huyện đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới.

Trong giai đoạn 2010 – 2019, toàn vùng đã huy động được 364.585 tỷ đồng đầu tư cho chương trình nông thôn mới. Ngân sách đối ứng của địa phương đạt 20.049 tỷ đồng, tuy nhiên, nguồn vốn mới chỉ tập trung ở những địa phương có điều kiện kinh tế phát triển, đang trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh, nhất là kinh tế ven biển như Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam...

Qua 9 năm xây dựng nông thôn mới, khu vực DHNTB và TN đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đã được cải thiện, đầu tư liên tục, thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn, bước đầu cơ bản đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống của người dân.

Phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nâng cao lợi thế cạnh tranh các sản phẩm ngành hàng. Các tỉnh, thành phố vùng DHNTB đã chú trọng phát huy kinh tế biển, gồm du lịch biển (đứng đầu cả nước) và khai thác thủy hải sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Sản lượng thủy hải sản khai thác ước đạt 887,5 nghìn tấn/năm (chiếm 29,23% cả nước); số lượng tàu khai thác thủy hải sản biển có công suất từ 90 CV trở lên: 11.673 chiếc (chiếm 40,65% cả nước).

Nhiều tỉnh đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng các loại cây ăn quả, dược liệu quý, các tỉnh Tây Nguyên chuyển dịch mạnh cơ cấu cây trồng từ một số cây có giá trị thấp sang rau, hoa, cây ăn quả, cây công nghiệp,… hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được triển khai hiệu quả ; một số tỉnh đã chủ động chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo quy trình chuẩn, hình thành vùng sản xuất quy mô lớn phát triển theo chuỗi liên kết, chú trọng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao (đến tháng 8/2019, hai vùng đã có 149 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn).

Nhiều địa phương đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, sáng tạo những mô hình du lịch nông thôn, bước đầu thu hút và nhận được phản hồi tích cực của khách du lịch, mở ra hướng mới thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.

Chương trình OCOP sau hơn 1 năm triển khai, bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần thúc đẩy phát triển những sản phẩm đặc sản các địa phương (điển hình là các tỉnh Quảng Nam, Lâm Đồng). Tổng số sản phẩm dự kiến được chuẩn hóa đến 2020 của khu vực là 582 sản phẩm, chiếm 15,8% cả nước (cả nước là 3.684 sản phẩm).

Các loại hình tổ chức sản xuất được đổi mới phù hợp và hiệu quả hơn. Hộ kinh tế gia đình dần thích nghi với cơ chế thị trường. Các hợp tác xã (HTX) được tổ chức lại và thành lập mới, đến hết năm 2018, toàn khu vực có 1.864 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đã xuất hiện nhiều HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, trong đó, nhiều HTX doanh thu hàng năm đạt trên 10 tỷ đồng

Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 khu vực nông thôn của các tỉnh vùng DHNTB đạt khoảng 27,87 triệu đồng/người; vùng TN đạt khoảng 30,45 triệu đồng/người. Và mặc dù đã có cải thiện và chuyển biến tích cực nhưng vẫn thấp hơn so nhiều so với bình quân chung của cả nước (35,88 triệu đồng). Ngoài ra, tỷ lệ hộ nghèo của khu vực này còn cao.

Công tác bảo vệ môi trường và cải tạo cảnh quan nông thôn đã được các tỉnh trong khu vực bước đầu chú trọng và ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện; Chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của của người dân ngày càng được nâng cao….

Gần 500 đại biểu đến từ các Bộ, ngành liên quan và đại diện các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tham dự hội nghị

Tuy nhiên, kết quả xây dựng nông thôn mới tại khu vực vẫn còn nhiều tồn tại lớn như khoảng cách chênh lệch khá lớn so với các vùng, miền và thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước; nhiều huyện chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoặc tỷ lệ đạt còn thấp, chất lượng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới ở một số nơi còn chưa đảm bảo; tiến độ xây dựng NTM của nhiều tỉnh có dấu hiệu chững lại trong những năm gần đây,

Xây dựng nông thôn mới của vùng khu vực DHNTB và Tây Nguyên còn thiếu chiều sâu, thiếu toàn diện, chưa có tính lan tỏa mô hình điển hình; nhiều ngành kinh tế còn dựa vào khai thác, liên kết cụm ngành còn yếu, lỏng lẻo; cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi nước sạch còn kém hiệu quả, chưa kết nố iđược kinh tế biển với các vùng sâu trong đất liền, chất lượng liên kết sản xuất và chất lượng hợp tác xã còn yếu…

Môi trường là vấn đền đáng lưu ý trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt còn thấp; tính chủ động của nhiều địa phương trong tìm kiếm, lựa chọn công nghệ, thu hút nhà đầu tư xây dựng các công trình xử lý rác thải còn chưa cao; nhiều nơi, tiêu chí môi trường tuy đã đạt, nhưng chưa thực sự bền vững hoặc đi vào chiều sâu; việc chuyển đổi cơ cấu lao động ở nông thôn của hầu hết các tỉnh đều khá thấp; thu nhập người dân nông thôn tăng chậm, chưa bền vững, phụ thuộc nhiều thời tiết và biến động của thị trường,…

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, mục tiêu trong giai đoạn 2021 – 2025, Vùng khu vực DHNTB và Tây Nguyên có ít nhất 03/13 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tất cả các tỉnh, thành phố vùng Duyên hải Nam Trung Bộ có ít nhất 30% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (20% đối với Tây Nguyên). Toàn cùng có 3 huyện nông thôn mới kiểu mẫu. 68% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đạt 75%, vùng Tây Nguyên đạt 60%), trong đó có ít nhất 15% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; không còn xã dưới 10 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Các công trình hạ tầng thiết yếu (giao thông, điện, nước, trường học, trạm y tế) đảm bảo đồng bộ, hiện đại, liên thông và ứng phó với biến đổi khí hậu. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn trong vùng đến năm 2025 tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.

Các đại biểu tham quan các gian hàng OCCP của các tỉnh DHNTB và Tây Nguyên

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là một trong những vùng đặc trưng nhất của Việt Nam trong xây dựng nông thôn mới, xuất phát điểm cực kỳ khó khăn, không gia khai thác và tiềm năng lớn. Vì vậy, mặc dù các địa phương đã có nhiều nỗ lực, nhưng khu vực này vẫn còn là vùng trũng về xây dựng nông thôn mới của cả nước. Đặc biệt là lĩnh vực thiết chế hạ tầng và tỷ lệ hộ nghèo. Bên cạnh đó, đây là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai, biến đổi khí hậu.

Để xây dựng nông thôn mới tại khu vực này thành công như mục tiêu đã đặt ra, theo ông Nguyễn Xuân Cường, phải xác định xác định nông nghiệp – nông dân – nông thôn là thế mạnh, là dư địa, là đặc thù của Việt Nam. Các tỉnh thành phải coi đây là sự nghiệp của dân, và không ai làm thay cho các địa phương, làm tốt bằng các địa phương. Về các kiến nghị, vướng mắc, tồn tại, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục và sớm có giải pháp khắc phục.

Vũ Lê - Thành Long

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/duyen-hai-nam-trung-bo-va-tay-nguyen-van-con-la-vung-trung-ve-xay-dung-nong-thon-moi-124873.html