Duyên báo chí của bà Bút Trà

Tác phẩm là những câu chuyện về cuộc sống, sự kiện, nhân vật văn học… được ghi lại trong hồi ký của văn, nghệ sĩ, các tờ báo thời ấy. Những câu chuyện thú vị giúp độc giả biết thêm ít nhiều về văn học Sài Gòn một giai đoạn.Bình Nguyên Lộc còn nhớ ở tuổi 17, mình là người làm cầu nối để Bút Trà đến với báo chí và cũng là đến với người chồng sau, ông Nguyễn Đức Nhuận.

Chủ báo Sài thành (1932), Sài Gòn (1933) rồi Sài Gòn mới là bà Bút Trà Tô Thị Thân. Bà Tô Thị Thân (lúc chưa là bà Bút Trà) là vợ một doanh nhân, bà đứng tên thay chồng làm chủ 20 cơ sở doanh thương ở Sài Gòn - Chợ Lớn.

Có một thời gian, các tờ nhựt trình đồng loạt chửi các tiệm cầm đồ “Tiệm cầm đồ hút máu dân, cần rút lại giấy phép”. Bà Tô Thị Thân - lúc ấy chưa có tên Bút Trà - tức quá vì 20 cơ sở doanh thương của bà cũng là tiệm cầm đồ nhưng là cầm đồ cao cấp như cà rá, hột xoàn chứ đâu phải cầm mấy cái đồ linh tinh, xập xí xập ngầu đâu. Nhưng bà cũng tức và tìm cách trả thù bọn làm nhựt trình này.

Hồi đó và bây giờ cũng vậy, đối phó với bọn chạy nhựt trình chỉ có ba cách. Tìm cách mua chuộc ký giả ư? Không! Thuê du côn đánh ký giả ư? Không! Im lặng cho qua tang lề chăng? Không!

Bà có cách thứ tư. Một hôm, bà kêu ông Tô Văn Giỏi - kế toán của bà - lên hỏi: “Em Giỏi nè, em có biết ông nào viết nhựt trình thật giỏi, mà ăn lương rẻ hay không?”. Trước sự thắc mắc của ông Giỏi, bà Thân cho biết: “Chị muốn lập ra một tờ nhựt trình để chửi lại cái tụi đã chửi chị”.

 Ông bà Bút Trà Nguyễn Ðức Nhuận, Chủ nhiệm nhật báo Sài Gòn mới. Ảnh tư liệu.

Ông bà Bút Trà Nguyễn Ðức Nhuận, Chủ nhiệm nhật báo Sài Gòn mới. Ảnh tư liệu.

Ông Giỏi không quen một ký giả nào hết nên tìm đến người em bà con là Tô Văn Tuấn (họ tên thật của nhà văn Bình Nguyên Lộc), đang là học sinh trường Petrus Ký vì ông Giỏi biết thằng em mình vì ham văn chương nên có tìm cách làm quen với một số nhà văn, nhà thơ nên nhờ Tuấn giới thiệu giùm.

Tuấn liền đi tìm nhà thơ quen là Trương Quang Tiền nhờ ông ra mần báo nhưng ông Tiền không nhận lời lại giới thiệu cho Tô Văn Tuấn một người bạn, biết làm thơ Đường, kiêm nghề thầy thuốc du phương, quê giữa núi Bút Sơn và sông Trà Khúc. Ông thầy thuốc (Nguyễn Đức Nhuận) làm thơ Đường ký bút danh là Bút Trà.

Nghe cậu học sinh 17 tuổi trình bày yêu cầu, ông thầy thuốc du phương nhận lời ngay và sau đó Tuấn giới thiệu ông Bút Trà cho ông Giỏi. Ông Giỏi lại giới thiệu ông Bút Trà cho bà Tô Thị Thân. Và sau đó tờ Sài thành ra đời do bà Tô Thị Thân đứng tên làm chủ nhiệm và kiêm luôn… chủ bút. Lạ một điều khi ra báo rồi bà chẳng chửi tờ báo nào đã chửi các nhà cầm đồ trước kia cả.

Sau này, có lẽ do chung đụng làm việc nên bà Tô Thị Thân đã yêu ông Bút Trà, chủ động ly dị ông chồng Tàu để lập gia đình cùng ông Bút Trà. Bởi vậy, khi nhắc đến tờ Sài Gòn mới là người ta nhắc đến bà Bút Trà - một tay quán xuyến tất cả cơ đồ. Còn ông Bút Trà không làm gì khác ngoài nhiệm vụ làm chồng và làm thơ Đường.

Những chuyện trên đây là do nhà văn Bình Nguyên Lộc kể trong hồi ký văn nghệ. Sở dĩ ông biết rành chuyện ông Nhuận và bà Bút Trà gặp nhau là do chính ông là cầu nối giới thiệu ông Bút Trà cho ông Tô Văn Giỏi.

Nhà văn Bình Nguyên Lộc. Ảnh tư liệu.

Trong hồi ký Bình Nguyên Lộc có đoạn “Khi anh Giỏi của tôi, cho bà biết sự thật về vai trò của tôi, bà chỉ thưởng tôi bằng một cái xoa đầu một thằng học sinh 17 tuổi, và cười nói: “Cậu bé này tiến dẫn người được việc”. Và chẳng có cho tôi đồng xu nào cả.

Về sau lâu lắm, khi đã có cháu rồi, bà bị ông bỏ bê. Ðêm đêm bà thường xuống hiệu ăn Ngân Ðình ở bờ sông ngồi suông một mình, buồn xo. Có lần tôi định bụng tới bàn bà để an ủi bà nhưng bạn hữu họ ngăn: “Ðừng, sẽ có thằng hiểu lầm, và ngỡ mầy làm thân để xin tiền mụ ấy thì chết mầy”.

Tôi nghe lời bạn, nên thôi, và chỉ có vài người là biết bà với tôi xưa kia đã quen nhau nhiều, và chính tôi đã tạo ra bà Bút Trà, một cách gián tiếp…

Tôi nói là bà Bút Trà chỉ thưởng công tôi bằng một cái xoa đầu một cậu học sinh 17 tuổi. May là tôi họ Tô, chớ nếu tôi họ Nguyễn, chắc chẳng được thưởng gì hết. Nhưng sự thật là bà Tô Thị Thân đã cho tôi rất nhiều, mà mãi về sau tôi mới biết.

Số là sau đó, tôi được nước, nên đi sâu vào làng báo, làng văn, và càng ngày càng đi sâu mãi, cho đến ngày mà tôi có tác phẩm đầu tay để trình làng. Có thể nói mà không sợ sai là chính tôi đã tạo ra bà Bút Trà. Và ngược lại chính bà Bút Trà đã tạo ra Bình Nguyên Lộc. Duyên văn là như thế. Bà họ Tô ấy quả đã có công thật lớn với kẻ họ Tô là tôi đây”.

Lê Văn Nghĩa / NXB Tổng hợp TP.HCM

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/duyen-bao-chi-cua-ba-but-tra-post1153153.html