Duy tu luồng hàng hải Ba Ngòi

Cục Hàng hải Việt Nam đang lên kế hoạch duy du, nạo vét tuyến luồng hàng hải Ba Ngòi nhằm bảo đảm an toàn hàng hải, nâng cao năng lực, tăng khả năng bốc xếp cho Công ty Cổ phần Cảng Cam Ranh.

Tuyến luồng hàng hải Ba Ngòi nằm trong khu vực vịnh Cam Ranh. Đây là tuyến luồng dẫn tàu vào, rời các cầu cảng của bến cảng Cam Ranh. Tuyến luồng này phục vụ chính cho công tác tiếp nhận tàu vào làm hàng của Công ty Cổ phần Cảng Cam Ranh.

 Tàu vào làm hàng tại cảng Cam Ranh.

Tàu vào làm hàng tại cảng Cam Ranh.

Cục hàng hải Việt Nam cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, số lượng tàu có tải trọng từ 40.000DWT ra, vào luồng hàng hải Ba Ngòi tăng nhanh chóng, hàng hóa thông qua bến cảng chủ yếu tập trung vào mặt hàng dăm gỗ, than đá, quặng bô xít và đá dăm. Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, luồng hàng hải Ba Ngòi chưa được nạo vét, duy tu, độ sâu luồng hàng hải không đảm bảo cho tàu hàng đầy tải ra, vào an toàn. Điều này đã hạn chế khả năng cạnh tranh về năng lực bốc xếp với các cảng khác trong khu vực, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng.

Các tàu muốn vào cảng Ba Ngòi làm hàng đều phải có phương án giảm tải hoặc phải hủy kế hoạch làm hàng vì không đáp ứng được điều kiện về độ sâu tuyến luồng ra vào cảng. Hiện nay, độ sâu của tuyến luồng có đoạn chỉ đạt 7,9m nên việc cảng Ba Ngòi tiếp nhận tàu có tải trọng đến 50.000DWT sẽ không đảm bảo an toàn. Nhằm bảo đảm duy tu, chuẩn tắc thiết kế của tuyến luồng phục vụ tàu thuyền ra vào cảng biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương và khu vực, Cục Hàng hải Việt Nam dự kiến sẽ triển khai nạo vét duy tu tuyến luồng hàng hải Ba Ngòi vào năm 2019, 2020 và các năm tiếp theo. “Căn cứ Nghị định 159 của Chính phủ quy định quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và đường thủy nội địa, Cục Hàng hải mong muốn tỉnh chấp thuận vị trí đổ chất nạo vét của công trình duy tu luồng hàng hải Ba Ngòi vào khu vực nước thuộc đất quy hoạch của Công ty Cổ phần Cảng Cam Ranh. Khối lượng chất nạo vét dự kiến khoảng 400.000m3/năm, kinh phí duy tu nạo vét bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước”, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho biết.

Theo Công ty Cổ phần Cảng Cam Ranh, tổng sản lượng hàng thông qua cảng 6 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 1,5 triệu tấn, tăng trưởng 33% so với cùng kỳ năm trước và đạt 60% so với kế hoạch năm. Doanh thu của công ty đạt 71 tỷ đồng, bằng 94% so với cùng kỳ và đạt 30,3% so với kế hoạch; lợi nhuận trước thuế đạt hơn 12 tỷ đồng, tăng trưởng 74% so với cùng kỳ và đạt 62% so với kế hoạch đề ra.

Hiện nay, cảng Cam Ranh là một trong những cảng biển có lượng tàu, hàng hóa thông qua lớn trong khu vực Nam Trung bộ với 2 cầu tàu tổng chiều dài hơn 600m có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 50.000DWT. Theo ông Phạm Hữu Tấn - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Cam Ranh, việc duy tu luồng hàng hải rất cấp thiết, ảnh hưởng trực tiếp tới việc tiếp nhận các tàu cỡ lớn vào làm hàng. Trung tuần tháng 6, Cục Hàng hải Việt Nam đã tổ chức đoàn khảo sát thực tế tại vị trí dự kiến tiếp nhận chất nạo vét nằm trong khu vực đã được quy hoạch cảng. Công ty rất mong địa phương tạo điều kiện để việc duy tu được thuận lợi. Vị trí tiếp nhận nạo vét có diện tích khoảng 10,8ha nằm ở khu nước phía tây thuộc đất quy hoạch của cảng Cam Ranh (trong đó, 2,3ha đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phần còn lại đã lập dự án xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2015 nhưng đến nay chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận). Về phương án xử lý, để bảo đảm an toàn vệ sinh môi trường, đơn vị duy tu sẽ xây dựng kè chắn bao vây, sau đó bơm khối lượng chất nạo vét vào lưu chứa. Khối lượng chất nạo vét sẽ được dùng để tái sử dụng cho việc san lấp mặt bằng nền bãi tại khu vực này.

Được biết, UBND tỉnh vừa có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường giao đơn vị này chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, cơ quan và UBND TP. Cam Ranh tham mưu về việc chấp thuận vị trí đổ chất nạo vét duy tu luồng hàng hải Ba Ngòi theo đề nghị của Cục Hàng hải Việt Nam.

MẠNH HÙNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/kinh-te/201907/duy-tu-luong-hang-hai-ba-ngoi-8122219/