Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới

Sáng 15-6, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 57, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên họp.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội sáu tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội sáu tháng cuối năm 2021, nêu rõ: Sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết; chỉ đạo, tổ chức chuẩn bị sớm, xây dựng bài bản, công phu các báo cáo Kế hoạch 5 năm 2021-2025, bám sát và cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng phát triển, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất, khóa XV.

Trong đó, nhiệm vụ thực hiện "mục tiêu kép" được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao. Các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 được triển khai đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe và sinh mệnh của người dân; cố gắng cao nhất bảo đảm các hoạt động sản xuất kinh doanh, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, giúp tình hình kinh tế - xã hội năm tháng đầu năm tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại phiên họp.

Đáng chú ý, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,16% so tháng trước, bình quân năm tháng tăng 1,29%, thấp nhất kể từ năm 2016, tạo dư địa trong điều hành giá trong mục tiêu dưới 4% đã đề ra. Thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định; tín dụng phục hồi, tăng 4,67% so cuối năm 2020; mặt bằng lãi suất cho vay giảm; thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước năm tháng đạt 49,7% dự toán, tăng 15,2% so cùng kỳ năm 2020.Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu có tốc độ tăng cao, năm tháng ước tăng 33,5% so cùng kỳ năm 2020.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục hồi phục và đạt kết quả tích cực, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) năm tháng tăng 9,9%, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 7,6%. Đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ như Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2025, với hơn 4.000 doanh nghiệp tiếp cận, thu hút hơn 60 doanh nghiệp, chuyên gia đăng ký đồng hành…

Hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 23%. Đáng chú ý, số lượng các doanh nghiệp quy mô lớn rút lui khỏi thị trường tăng cao, phản ánh sức chống chịu của các doanh nghiệp đã suy giảm bởi dịch bệnh. Lực lượng lao động trong quý I giảm, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức và lao động thiếu việc làm đều tăng. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, đặc biệt là người lao động làm việc trong các khu công nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, đấu tranh, phòng, chống tội phạm còn nhiều thách thức, nhất là đối với tội phạm lừa đảo, tài chính, tội phạm qua mạng.

Thảo luận nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, tình hình kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm diễn ra trong bối cảnh đất nước tổ chức thành công Đại hội XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, kiện toàn một bước nhân sự chủ chốt của Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Đây là tiền đề để tạo nên những điểm sáng trong bức tranh kinh tế , xã hội 6 tháng đầu năm 2021, đó là: Mặc dù dịch Covid-19 trong nước diễn biến phức tạp nhưng đã cơ bản được kiểm soát, giúp duy trì ổn định đời sống kinh tế, xã hội, tỷ giá và lãi suất ổn định, thị trường chứng khoán tăng cao, đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu đạt tăng trưởng tốt, giá cả cơ bản ổn định dù một số nhóm mặt hàng thiết yếu, bất động sản, vật liệu xây dựng tăng.

Những thành tựu trong hoạt động đối ngoại, hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế, xã hội đất nước trong sáu tháng qua.

Phát biểu ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, thời giới tới, dịch bệnh Covid-19 trong nước và thế giới còn diễn biến phức tạp, Việt Nam có thể lỗi nhịp với nền kinh tế thế giới nếu không triển khai tốt công tác tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng. Bên cạnh đó, “bong bóng” nền kinh tế trong nước và thế giới còn hiệu hữu, doanh thu hoạt động bán lẻ tiêu dùng giảm thể hiện sức cầu trong nước yếu. Sản xuất công nghiệp, giải ngân vốn đầu tư công có xu hướng tăng trưởng chậm lại, nợ xấu có xu hướng tăng.

Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội, hoạt động doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, việc cổ phần hóa xắp xếp doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập còn chậm, hiệu quả các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân còn hạn chế, chưa sát tình hình thực tế, nhiều chính sách, giải pháp chưa tổ chức thực hiện được. Việc xây dựng các khung khổ thể chế cho giai đoạn phát triển kinh tế, xã hội 5 năm tới chưa có căn cứ vững chắc.

Về nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội sáu tháng cuối năm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cơ bản tán thành các nhóm giải pháp của Chính phủ, đồng thời nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm. Trong đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần bám sát các nhóm giải pháp, khâu đột phá chiến lược tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng trong xây dựng và triển khai nhiệm vụ. Tiếp tục phối hợp đồng bộ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và coi đây là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần kiên trì thực hiện “nhiệm vụ kép” nhưng chủ động xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế, xã hội linh hoạt trong ngắn hạn, dài hạn đối với từng vùng, miền, địa phương.

Nội dung quan trọng nữa là tập trung nguồn lực nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống dịch, đẩy nhanh thực hiện chiến lược vaccine, bao gồm mua vaccine, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước và nâng cao năng lực tổ chức tiêm phòng hiệu quả để đạt miễn dịch cộng đồng, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch. Cùng với đó, tăng cường đổi mới sáng tạo, thúc đẩy mạnh mẽ ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số phục vụ sự phát triển kinh tế, xã hội đất nước.

Tốc độ tăng trưởng GDP quý I và dự báo 6 tháng đầu năm chưa đạt mục tiêu theo kịch bản đề ra. Xuất nhập khẩu còn phụ thuộc vào một số ít thị trường, tỷ trọng xuất khẩu khu vực FDI còn cao (74,8%); cán cân thương mại có chiều hướng nghiêng về nhập siêu (5 tháng nhập siêu 369 triệu USD);hàng hóa xuất nhập khẩu có thời điểm bị ùn ứ. Các thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán, vàng còn tiềm ẩn rủi ro.

Đến hết tháng 5 - 2021, còn 15,6% vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách trung ương chưa được các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chi tiết do phải chờ thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương 5 tháng đầu năm 2021 còn chậm, đạt 22,12% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (25,98%), trong đó vốn nước ngoài giải ngân rất thấp, chỉ đạt 2,97%. Thu hút FDI đạt 14 tỷ USD, nhưng số dự án cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần giảm trên 50% cho thấy tín hiệu còn nhiều khó khăn, sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu suy giảm.

(Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

VĨNH KHANG. ẢNH: DUY LINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/duy-tri-on-dinh-kinh-te-vi-mo-la-uu-tien-hang-dau-trong-thoi-gian-toi-650788/