Duy trì hòa bình và ổn định toàn cầu

Sau hai ngày làm việc (11 và 12-10), Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 17 của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) đã bế mạc tại thủ đô Yerevan (Armenia).

Với chủ đề “Cùng chung sống trong đoàn kết, cùng chia sẻ các giá trị nhân văn và tôn trọng đa dạng: Cội nguồn hòa bình và thịnh vượng trong không gian Pháp ngữ”, hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới nói chung và không gian Pháp ngữ nói riêng đang đứng trước nhiều thách thức mà không một quốc gia đơn lẻ nào có thể tự mình giải quyết.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hối thúc các nước thành viên OIF đoàn kết.

Trong các phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung vào các vấn đề an ninh, chính trị quốc tế tại các nước Pháp ngữ. Đoàn Việt Nam do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu tham dự hội nghị. Chia sẻ về tình hình khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đoàn Việt Nam nhấn mạnh, không gian Pháp ngữ đang phải xử lý nhiều thách thức xuất phát từ sự cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, xung đột sắc tộc, khủng bố, tội phạm mạng, các điểm nóng khu vực, biến đổi khí hậu… Trong tình hình đó, Việt Nam khẳng định luôn tích cực tham gia và đóng góp có trách nhiệm vào các nỗ lực chung vì hòa bình, an ninh và phát triển của thế giới cũng như cộng đồng Pháp ngữ, kêu gọi và sẵn sàng cùng với các bên liên quan giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), đề nghị cộng đồng Pháp ngữ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của Việt Nam trong vấn đề này.

Qua các phiên làm việc, lãnh đạo 84 quốc gia thành viên đã thông qua nhiều văn bản quan trọng mang tính định hướng cho các hoạt động của Cộng đồng Pháp ngữ trong thời gian tới như: Lời Kêu gọi cùng chung sống Pháp ngữ, Chương trình Hợp tác Pháp ngữ giai đoạn 2019-2022; kỷ niệm 25 năm các Nguyên tắc Paris… Trong đó, Nghị quyết về ngăn ngừa khủng hoảng, xung đột và củng cố hòa bình trong không gian Pháp ngữ tiếp tục đề cập đến vấn đề Biển Đông, bày tỏ lo ngại về tình hình Biển Đông trong thời gian qua, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, bảo đảm an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao, pháp lý, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, sớm đạt được bộ Quy tắc thực chất và có hiệu lực về ứng xử của các bên ở Biển Đông.

Kết thúc hội nghị, Tuyên bố chung Yerevan được thông qua một lần nữa khẳng định sự gắn bó của các nước thành viên đối với tiếng Pháp, nền tảng của Cộng đồng Pháp ngữ. Tuyên bố chung cũng khẳng định lại cam kết của cộng đồng trong việc thúc đẩy một trật tự quốc tế bình đẳng, công bằng, dựa trên mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, giải quyết hòa bình các cuộc khủng hoảng và xung đột trong không gian Pháp ngữ, khuyến khích đối thoại, trung gian và hòa giải để đạt được một giải pháp cho các cuộc khủng hoảng và xung đột; ủng hộ sự tham gia hơn nữa của phụ nữ trong việc phòng ngừa, giải quyết xung đột.

Trước những thách thức mang tính toàn cầu, tầm quan trọng của các tổ chức quốc tế đa phương, trong đó có cộng đồng Pháp ngữ là không thể phủ nhận. Theo nhìn nhận của các nhà phân tích, cộng đồng Pháp ngữ giữ vai trò thiết yếu trong việc tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng sự đa dạng, thúc đẩy hợp tác nhằm duy trì hòa bình, ổn định, giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Hoàng Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Binh-luan/915715/duy-tri-hoa-binh-va-on-dinh-toan-cau