'Dứt khoát phải xử lý hình sự hành vi sử dụng súng tự chế'

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An), công an các địa phương phát hiện được nhiều vụ gây thương tích, giết người bằng các loại súng tự chế.

Chiều 29/10, thảo luận ở tổ Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Khoảng trống pháp lý

Theo tờ trình của Chính phủ, Điều 3 của Luật theo quy định hiện hành thì đang có khoảng trống pháp luật trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng nên không thể khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về hình sự đối với các hành vi trên từ ngày 1/7/2018.

Nếu đã khởi tố điều tra, truy tố, xét xử thì phải đình chỉ; nếu đã bị kết án đang chấp hành hình phạt hoặc đang được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt thì phải miễn chấp hành hình phạt còn lại; nếu đã kết án mà chưa chấp hành hình phạt hoặc đang được hoãn chấp hành hình phạt thì phải miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án luật

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án luật

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, theo báo cáo của Công an các đơn vị, địa phương, từ khi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực đến nay, đã phát hiện, bắt giữ 230 vụ, 321 đối tượng liên quan đến hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, trong đó: 11 vụ, 13 đối tượng phải đình chỉ khởi tố vụ án; 19 vụ, 32 đối tượng đã bị kết án, đang chấp hành hình phạt, chưa chấp hành hình phạt, đang hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt mà được miễn chấp hành hình phạt còn lại; 104 vụ, 157 đối tượng đã khởi tố, điều tra (tuy có sử dụng vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng nhưng khởi tố với tội danh khác như: giết người, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng...); 96 vụ, 119 đối tượng xử phạt hành chính.

Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Điều 3 nhằm bảo đảm phù hợp với Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 về xử lý hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng là rất quan trọng và cần thiết.

Dứt khoát phải xử lý hình sự

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An đồng tình cao với phương án của Chính phủ trong việc sửa đổi điều luật này . Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho rằng, việc quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ được tiến hành chặt chẽ. Hầu như các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ do Nhà nước sản xuất ít khi rơi vào tay tội phạm. Tuy nhiên, để gây án ngoài xã hội, tội phạm không tìm được nguồn chính thức này nên đã bắt đầu tàng trữ, sử dụng các loại súng tự chế để gây án.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An).

“Thực tế, công an các đơn vị, địa phương điều tra, phát hiện được rất nhiều các vụ việc, đặc biệt là các vụ cố ý gây thương tích, các vụ giết người bằng các loại súng tự chế như súng bắn đạn hoa cải, súng săn... Đây là một thực tế diễn ra rất phổ biến trong đời sống xã hội. Hành vi này dứt khoát phải xử lý hình sự để răn đe”- đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, sửa Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ là hoàn toàn phù hợp bởi 2 căn cứ: Thứ nhất, theo luật pháp, kể cả Bộ luật hình sự năm 1999 và Bộ luật hình sự năm 2015, trong điều luật không viện dẫn thế nào là vũ khí quân dụng mà chỉ quy định chung.

Vấn đề thứ hai, trong thực tiễn, Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 và Luật quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ có hiệu lực từ ngày 1/8/2018. Như vậy, từ ngày 1/1/2018 đến ngày 1/8/2018 là không có vướng mắc, bởi tại thời điểm đó còn thực hiện Pháp lệnh về quản lý vũ khí, vật liệu nổ nên vẫn truy tố bình thường. Nhưng sau ngày 1/8/2018, Dự luật này thay đổi nên không còn quy định vũ khí có tính năng tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng nên mới phát sinh dồn lại 230 vụ không xử lý hình sự.

“Trong trại giam còn rất nhiều đối tượng phạm tội tàng trữ, sử dụng vũ khí quân dụng mà sắp tới theo quy định là chúng ta phải thả ra. Chúng tôi cho rằng sửa đổi Điều 3 của Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ là hoàn toàn phù hợp và đúng với quy định của pháp luật”- đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cho biết.

Đại biểu Ngô Thanh Danh (Đắk Nông) cũng thống nhất cao sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Điều 3. Ông kể năm 10/2016, tại Đắk Nông xảy ra vụ việc sử dụng vũ khí thô sơ, chế tạo vật liệu nổ làm chết 3 người, 16 người bị thương, trong đó có 4 người nhập viện. Nhóm người này từ Thái Nguyên vào Bình Phước rồi lên Đăk Nông tranh giành đất đai, gây nên vụ việc rúng động vào thời điểm lúc bấy giờ. Tòa cấp sơ thẩm đã tuyên 1 án tử hình, 1 án 20 năm, 1 án 18 năm, 1 án 6 năm, 1 án 4 năm. Sau đó tòa cấp phúc thẩm đã tuyên y án 1 đối tượng tử hình, còn các bị cáo sau được giảm án, một số đối tượng liên quan bị xử phạt hành chính.

“Từ câu chuyện này cho thấy việc quản lý vật liệu nổ, súng tự chế còn sơ hở. Nếu không quản lý chặt chẽ, không có chế tài xử lý nghiêm thì sẽ gây ra nhiều hệ lụy” – đại biểu Ngô Thanh Danh nêu quan điểm.

Theo đại biểu đoàn Đắk Nông, sau vụ việc này, địa phương đã có chiến dịch đổi lương thực lấy vũ khí, vật liệu nổ và đã thu được rất nhiều. Sau đó việc thu giữ thành bắt buộc, phát động đến toàn tỉnh, quản lý chặt chẽ, qua đó ổn định được tình hình./.

Thy Hạt-Kim Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/dut-khoat-phai-xu-ly-hinh-su-hanh-vi-su-dung-sung-tu-che-972515.vov