Dứt khoát đưa Nghị quyết 120/NQ-CP vào quỹ đạo thực hiện

...Hội nghị đã chỉ ra là Nghị quyết 120/NQ-CP cần ăn sâu bám rễ chắc hơn nữa, và dứt khoát phải đưa Nghị quyết 120 vào quỹ đạo thực hiện...

DỨT KHOÁT ĐƯA NGHỊ QUYẾT 120/NQ-CP VÀO QUỸ ĐẠO THỰC HIỆN

Nguyễn Ngọc Trân [1]

Đáp lại lời mời, tôi đã đến dự Hội nghị lần thứ ba về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng vói biến đổi khí hậu với mong đợi (1) tiếp nhận thông tin về việc triển khai Nghị quyết sau 40 tháng được ban hành, những kết quả đạt được và những khó khăn, tồn tại; (2) mức độ đồng thuận đối với bốn quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết qua thực tế triển khai; (3) đã và sẽ làm gì để giải quyết hai nút thắt cơ bản đối với phát triển bền vững của đồng bằng, hệ thống hạ tầng cơ sở giao thông và nguồn nhân lực.

Nghị quyết 120 đã thấm đến đâu, như thế nào?

Điều tôi cho là đáng khích lệ là trong ba năm qua, bốn quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết đang thấm dần, nhất là trong dân, và đã thể hiện trên thực tế bằng những giải pháp phi công trình và công trình để ứng phó với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn.

Hạn hán năm 2019 - 2020 có lúc còn khắc nghiệt hơn cả hạn hán 2015-2016, nhưng nông dân đã sử dụng nước tiết kiệm và trữ nước mùa mưa, bắt đầu biết lúc nào nên đưa nước vào ruộng, lúc nào không, và đưa bao nhiêu để vừa tiết kiệm nước vừa thải ra ít khí nhà kính. Nhiều người còn biết sử dụng internet đám mây cho các mục đích này. Nhờ vậy mà tổn thất ít hơn dự kiến. Mùa khô năm nay, chắc chắn các biện pháp phi công trình sẽ được áp dụng rộng rãi và căn cơ hơn nữa.

Là vô nghĩa nếu đối lập thấm trong dân với thấm trong bộ máy các cấp, nếu đối lập giải pháp phi công trình với giải pháp công trình.

Cũng là vô nghĩa khi nói rằng thuận thiên thì không cần công trình. Nói như vậy phải chăng là để làm lệch một quan điểm căn bản của Nghị quyết 120, được đúc kết từ thực tế 44 năm chuyển đổi kinh tế, xã hội, môi trường tại đồng bằng? Có một cái gì rất gần với chủ trương “thích nghi có kiểm soát”.

Đã có thời kỳ lũ về là ta chống lũ, thoát lũ, mặn vào là ta ngăn mặn, thậm chí đẩy ra xa ngọt hóa (dĩ nhiên bằng công trình) để sản xuất lúa. Sau đó, không chống, ngăn mà là kiểm soát, kiểm soát lũ, kiểm soát mặn. Cũng để làm lúa nước, làm lúa vụ ba.

Công trình để làm gì? Kiểm soát gì và cho mục đích gì? Đó là các câu hỏi cần làm rõ. Rất tiếc Hội nghị không đi vào một trong những vấn đề mấu chốt của Nghị quyết 120 mà hình như đang còn khoảng cách giữa các Bộ, và nếu tác giả không lầm, là một nội dung đang còn lấn cấn trong xây dựng Quy hoạch tổng thể vùng đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phụ trách.

Một trong những nội dung liên quan đến “xoay trục” trong sản xuất nông nghiệp, đến chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp chủ yếu lúa, sang làm kinh tế nông nghiệp, là giảm canh tác lúa vụ ba, Thu Đông, vì nhiều lý do và lợi ích đã được phân tích nhiều.

Thực tế hiện nay như thế nào? Theo số liệu thống kê từ Trung ương và các tỉnh:

Tổng diện tích vụ Thu Đông giảm đáng kể năm 2018 (~ 80.000 ha), tiếp tục giảm năm 2019, nhưng ít hơn, (8000 ha) và hầu như dẫm chân tại chỗ năm 2020 (200 ha). Hình 1A. Không kể Bến Tre và Cà Mau, không có lúa vụ Thu Đông, thì ở 7/11 tỉnh thành phố diện tích Thu Đông tăng trở lại, 4/11 diện tích Thu Đông tiếp tục giảm.

Diện tích lúa vụ 3 tăng trở lại từ năm 2019 tại bốn tỉnh đầu nguồn An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, tại Thành phố Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Hình 1B, C. Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bạc Liêu, diện tích lúa vụ 3, Thu Đông tiếp tục giảm. Hình 1C, D.

Mới 4 năm, còn quá sớm để kết luận về việc thực hiện chủ trương giảm diện tích lúa vụ Thu Đông, nhưng rõ ràng xu hướng giảm chưa vững chắc. Nguyên nhân từ đâu, có nhiều tôi chắc thế, rất cần được phân tích để “đầu xuôi, đuôi lọt”. Rất tiếc, tại Hội nghị không có thời gian cho thảo luận những vấn đề như vậy.

Bảng giao Kế hoạch sản xuất lúa (dưới đây) tự nó nói lên nhiều điều về chuyển tư duy trong lĩnh vực nông nghiệp. Không có gì thay đổi sau khi có Nghị quyết 120.

Nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt …

Hạ tầng cơ sở giao thông là một điểm nghẽn chính cho phát triển của đồng bằng sông Cửu Long mặc dù đó là một đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI rồi XII.

Như nhiều người, tôi chờ đợi ở bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ GTVT nhờ đâu mà đường cao tốcTrung Lương Mỹ Thuận dã bừng tỉnh sau một giấc ngủ Đông hơn 10 năm, bài học gì Bộ rút ra từ sự chỉ đạo quản lý của mình, trước khi nói đến những “dự án trong mơ”. Bởi lẽ cảng biển Cái Cui, luồng hàng hải vào cảng vẫn còn đang ngủ Đông, trong khi Bộ vẫn rót tiền vào một dự án ngót mười ngàn tỷ đồng, đã phá sản so với mục đích nó được phê duyệt, và Bộ bỏ phế luồng tự nhiên Định An.

Điều tôi muốn gửi gắm đến Bộ trưởng là Đồng bằng đang rất cần một quy hoạch giao thông tích cực, hợp quy luật, có lịch trình rõ ràng và tối ưu giữa giao thông bộ, thủy nội địa và đường biển, và sớm phát huy hiệu quả, tạo nên giá trị gia tăng cho nền kinh tế của đồng bằng mà cũng là cho cả nước.

Vùng trũng giáo dục, một giấc ngủ triền miên cần đánh thức

Nguồn nhân lực là điểm nghẽn cơ bản thứ hai đối với sự phát triển bền vững của đồng bằng. 45 năm qua đồng bằng được biết như là vùng trũng về giáo dục. Nguồn nhân lực là một trong ba đột phá chiến lược từ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI, đến Đại hội XII và Đại Hội XIII gần đây.

Nghị quyết 120 có giao nhiệm vụ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội:

Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với thị trường xuất khẩu lao động, để người dân tham gia một cách tích cực, chủ động, với vai trò là trung tâm của quá trình chuyển đổi sản xuất và sinh kế, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế vùng; đổi mới công tác đào tạo, biến những người nông dân thành công nhân nông nghiệp có trình độ tay nghề cao và góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu lao động.

- Đẩy mạnh triển khai chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.”

Tôi chờ đợi, không, phải nói tôi mong đợi Hội nghị lần thứ ba này, được tổ chức sau Đại hội XIII, sẽ dành thời gian để nghe hai Bộ trình bày mình đã thực hiện nhiệm vụ được giao ra sao, nghe 13 tỉnh thành phố nhận thức về điểm nghẽn này ra sao và tỉnh sẽ làm gì để lấp đầy vùng trũng.

Rất tiếc, nguồn nhân lực không có trong chương trình nghị sự.

Sớm có một hội nghị chuyên đề dành cho đột phá vào điểm nghẽn nguồn nhân lực của đồng bằng là bức thiết.

***

Thu hoạch từ Hội nghị chưa được như tôi chờ đợi. Nhưng mặt tích cực là Hội nghị đã chỉ ra là Nghị quyết 120/NQ-CP cần ăn sâu bám rễ chắc hơn nữa, và dứt khoát phải đưa Nghị quyết 120 vào quỹ đạo thực hiện./.

CHÚ THÍCH:

[1] : - Giáo sư Tiến sĩ khoa học, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học kỹ thuật nhà nước (1980-1992), Đại biểu Quốc hội (1992-2007), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại QH (1997-2007).

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/dien-dan-tri-thuc/dut-khoat-dua-nghi-quyet-120nq-cp-vao-quy-dao-thuc-hien-3429657/