Đứt gãy chuỗi cung ứng, xuất khẩu nông sản tìm đường thoát hiểm

Những ngày gần đây, nhiều cửa khẩu ở các tỉnh phía Bắc đã khôi phục thông quan hàng hóa, kéo theo giá nhiều mặt hàng nông sản tăng nhẹ sau thời gian dài 'lao dốc'...

Dự đoán tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là tắc nghẽn tại các cảng của Trung Quốc chưa thể khắc phục được trong thời gian ngắn. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt đang tích cực tìm giải pháp, đặc biệt là tìm nguồn hàng và thị trường thay thế, đồng thời nội địa hóa chuỗi cung ứng nhằm giảm thiểu rủi ro.

TRONG CÁI KHÓ LÓ CÁI KHÔN

Từ cuối năm 2021 khi Trung Quốc ngày càng siết chặt các biện pháp phòng chống Covid-19, hoạt động thông quan hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc tại các cửa khẩu phía Bắc đã bị ảnh hưởng không nhỏ. Đến tháng 4/2022, lệnh phong tỏa tại Thượng Hải và nhiều thành phố khác được đưa ra càng khiến tình hình thêm khó khăn.

Ông Thanh Tùng, thuộc Hợp tác xã Tân Thuận Tây, Thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp), cho biết từ đầu năm xoài của doanh nghiệp trong hợp tác xã chỉ bán được ở thị trường nội địa chứ không thể xuất khẩu sang Trung Quốc. Trước đây, xoài Đài Loan dễ dàng xuất qua nước này thì nay không còn cơ hội vì phía Trung Quốc siết chặt quy định. Mặt khác, khi trung tâm xuất nhập khẩu của Trung Quốc phong tỏa, xoài của hợp tác xã mất hẳn cơ hội xuất khẩu trong năm nay.

Tương tự, ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An, chia sẻ, thông thường mỗi tuần 2 lần, công ty của ông đóng hàng xuất nông sản sang Trung Quốc. Nhưng nay thời gian khó cố định và luôn phải dời ngày xuất hàng vì thiếu container hoặc tàu về chậm. Không chỉ vậy, giá vận chuyển hàng từ Việt Nam sang Trung Quốc liên tục tăng trong thời gian gần đây và tăng mạnh nhất so với giá cước vận chuyển sang các quốc gia khác như Nhật, Hàn Quốc... "Bốn tháng đầu năm nay xuất khẩu vẫn có lãi nhưng ở mức khiêm tốn so với mọi năm vì bị “ăn mòn” bởi các chi phí này", ông Huy nói.

Còn tại Công ty Á Châu Hoa Sơn - Anh Sơn (Nghệ An), năm vừa qua, sản lượng tinh bột sắn của doanh nghiệp sản xuất đạt 35.000 tấn, sản lượng đường glucose 13.600 tấn, doanh thu 590 tỷ đồng. Tuy nhiên, sang năm nay, doanh nghiệp đang gặp một số khó khăn trong hoạt động xuất khẩu. “Do chính sách thắt chặt biên mậu của Trung Quốc, các công ty dồn xuất khẩu chính ngạch, do đó lượng container cung cấp cho hàng xuất khẩu không đủ”, ông Nguyễn Văn Giang, Phó Tổng giám đốc công ty nói.

Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt đang tích cực tìm nguồn hàng và thị trường thay thế, đồng thời nội địa hóa chuỗi cung ứng nhằm giảm thiểu rủi ro.

Trung Quốc vốn là thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực của Việt Nam và cũng đã nhiều năm doanh nghiệp phải ứng phó với tình trạng xuất khẩu lên -xuống theo độ đóng - mở cửa khẩu. Do đó, các doanh nghiệp đã dần tìm cho mình những giải pháp riêng nhằm giảm thiểu thiệt hại. Ông Lý Minh Hùng, Giám đốc HTX Thanh Bình (tỉnh Đồng Nai), cho hay sản lượng xuất khẩu chuối sang Trung Quốc sụt giảm trong các tháng đầu năm 2022 nhưng nông dân đã có nhiều kinh nghiệm nên trồng rải vụ để có hàng bán quanh năm, nhờ vậy không bị ùn ứ như trước đây.

Trong khi đó, giám đốc một doanh nghiệp thủy sản tại Đồng Tháp cho hay, trước đây xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc khá nhiều nhưng nay công ty chỉ tiếp tục giữ đơn hàng đều đặn với các khách hàng thân thiết. "Từ năm ngoái, doanh nghiệp đã chủ động thử chuyển hướng thị trường. May mắn là năm nay tiêu thụ cá tra khá tốt ở các thị trường khác nên không bị ảnh hưởng nhiều bởi đợt phong tỏa này ở Trung Quốc," đại diện doanh nghiệp này cho biết.

Để giải quyết vấn đề hàng nông sản tươi không bảo quản được lâu, một số công ty đã nghĩ đến giải pháp bơm khí nitơ vào container lạnh nhằm đưa rau quả tươi vào trạng thái "ngủ sâu" để kéo dài thời gian bảo quản, giúp hàng hóa giữ được chất lượng. Bà Quách Thị Lệ Chân, Giám đốc Công ty TNHH Bảo quản rau quả CASS (Long An), cho biết trước đây, công nghệ bảo quản bằng khí công ty chỉ thực hiện tại kho lạnh thì nay triển khai thêm ở công đoạn vận chuyển, giúp khách hàng giữ nguyên chất lượng sản phẩm, đảm bảo đơn hàng.

TĂNG TỐC “PHỦ SÓNG” NHIỀU THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, hiện UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các sở, ngành liên quan nhanh chóng xây dựng kế hoạch để tổ chức thiết lập “vùng xanh” an toàn tại các cửa khẩu để đảm bảo công tác chống dịch Covid-19 ở mức độ cao nhất, qua đó tạo sự đồng nhất với phía Trung Quốc về công tác phòng, chống dịch, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh, giảm thiểu nguy cơ phải tạm dừng hoạt động thông quan hàng hóa.

Cùng với việc triển khai thiết lập “vùng xanh”, tỉnh Lạng Sơn cũng tăng cường công tác trao đổi, hội đàm với các cơ quan chức năng phía Quảng Tây - Trung Quốc để triển khai có hiệu quả phương thức giao nhận hàng hóa xuất, nhập khẩu tại cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan, cặp cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài theo mô hình thông quan không tiếp xúc. Các giải pháp tương tự cũng được triển khai tại các cửa khẩu Móng Cái, Lào Cai…

Mới đây, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp tổ chức Hội nghị Xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản sang thị trường Trung Quốc giai đoạn sau Covid-19. Tại hội nghị, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra nhiều khuyến cáo, hướng dẫn các sở, ngành, địa phương để đáp ứng những tiêu chuẩn mới, xuất khẩu hàng hóa chính ngạch sang Trung Quốc. Thực tế hiện nay vẫn còn một số mặt hàng nông sản phụ thuộc hình thức xuất khẩu tiểu ngạch, dẫn tới rất nhiều yếu tố bị động, bất cập trong quá trình xuất khẩu nông sản, gây tổn thất kinh tế và các hệ lụy xã hội khác đối với doanh nghiệp và người dân.

Theo Bộ Công Thương, mặc dù Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Trung Quốc, rất nhiều nông sản đã được hưởng thuế suất nhập khẩu 0% nhưng đàm phán về quản lý chất lượng hàng hóa vẫn còn chậm nên tới nay mới có 9 loại trái cây được phép xuất khẩu vào nước này. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, việc tìm giải pháp để nông sản, thủy sản đáp ứng tốt hơn yêu cầu, tiêu chuẩn mới của thị trường Trung Quốc, tăng dần xuất khẩu bằng hình thức chính ngạch và giảm xuất khẩu tiểu ngạch là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Khi EVFTA có hiệu lực, thuế suất một số loại rau quả của Việt Nam vào EU được giảm về 0%, đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các nước trong khu vực.

Trong bối cảnh trên, nhiều chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần đa dạng thị trường nhập khẩu nguyên liệu lẫn thị trường xuất khẩu hàng hóa để tránh phụ thuộc. Thị trường EU là điểm đến tiềm năng bởi nhu cầu nhập khẩu sản phẩm rau quả nhiệt đới của EU rất lớn và đang có tốc độ tăng trưởng cao. Khi FTA giữa VN và EU (EVFTA) có hiệu lực, thuế suất một số loại rau quả của Việt Nam vào EU được giảm về 0%, đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các nước trong khu vực.

Nhìn nhận về xu hướng xuất khẩu trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho biết những tín hiệu phục hồi kinh tế cộng với lợi thế các FTA mà Việt Nam ký kết đã và đang tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho doanh nghiệp tăng tốc “phủ sóng” nhiều thị trường xuất khẩu. Do đó, doanh nghiệp Việt cần chủ động tham gia chương trình xúc tiến thương mại, giao dịch, quảng bá và giới thiệu sản phẩm tại hội chợ, triển lãm quy mô lớn ở các nước sở tại. Đây là cơ hội để doanh nghiệp tăng cường nắm bắt các hợp tác kinh doanh với đối tác phân phối, chế biến tại các nước.

Lưu Hà -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/dut-gay-chuoi-cung-ung-xuat-khau-nong-san-tim-duong-thoat-hiem.htm