Dứt bỏ những cuộc đua huy chương, giải thưởng

Người ta tôn anh là 'ông vua phong cảnh' của làng nhiếp ảnh Việt hay 'nhiếp ảnh gia phong cảnh hàng đầu'. Nhưng nhắc đến 'ngai vàng', Hoàng Thế Nhiệm xin đính chính 'khẩn cấp': 'Tôi không phải là 'vua'. Tôi là người thích chụp, mê chụp, thế thôi'.

Đây không phải lần đầu tiên Hoàng Thế Nhiệm lên tiếng. Trước đây, anh từng phân bua: “Được mọi người yêu mến, tôi cũng vui nhưng thật tình tôi không thích danh xưng “nhà nhiếp ảnh phong cảnh hàng đầu” vì như vậy hóa ra nghệ thuật nhiếp ảnh có công thức quá. Trong khi bản chất nghệ thuật không bao giờ có giới hạn, cũng như niềm đam mê là vô hạn. Sự “định vị” như vậy còn có cái hại là gây ảo tưởng cho nhiều người”. Anh cũng không muốn khoe giải thưởng và cũng đã dứt bỏ những cuộc đua huy chương từ nhiều năm nay. Giải thưởng giúp định vị tên tuổi song chỉ có kết quả công việc mới giúp cái tên ấy có sức sống lâu bền.

Tiếc nuối những vẻ đẹp mộc

Hoàng Thế Nhiệm sinh năm 1960 tại Sài Gòn, trong một gia đình có nhiều người thân theo nghề giáo, hội họa. Sinh ra, lớn lên và sinh sống ở mảnh đất sôi động này, song có một điều khá thú vị, Sài Gòn lại ít đi vào sáng tác của anh. Bởi Hoàng Thế Nhiệm dành phần lớn thời gian của mình cho những chuyến đi, khám phá những vùng đất mới, tìm cảm hứng sáng tạo mới. Anh đặc biệt được tán dương trong những bức ảnh phong cảnh núi non. Đã có lần anh lí giải, núi non cho anh cảm giác được chinh phục và khám phá. Nhắc đến Hoàng Thế Nhiệm không thể không nhắc đến những tấm ảnh tuyệt đẹp về Sa Pa. Nhiều người nói vui, Hoàng Thế Nhiệm là một “công dân danh dự của Sa Pa”. Anh cũng không dám nhận mình là “công dân danh dự”, anh cho rằng mình được “tôn vinh” chẳng qua vì khác biệt: “Đó là khoảng thời gian từ năm 1995 - 2005, việc đi lại Sa Pa còn rất khó khăn. Đặc biệt những năm 1995-2000, từ năm 2000 đến 2005, có đỡ chút xíu. Chúng tôi rong ruổi chụp ảnh bằng xe máy. Hồi ấy những kẻ rong ruổi chụp ảnh bằng xe máy rất ít, tôi nằm trong số lạc lõng nên người ta nhớ đến thôi”. Hoàng Thế Nhiệm “nghiện” Sa Pa đến độ một năm trung bình đến mảnh đất này 3 lần. Mỗi lần ra Bắc mang theo 50 cuộn phim thì Sa Pa đã “chiếm” 20 cuộn. Đất và người Sa Pa quyến rũ lạ kỳ với nhiếp ảnh gia phương Nam. Chẳng ai ngờ đến ngày Sa Pa lại vắng bóng một người say mình: “Từ hồi Sa Pa ‘phát triển’ thì tôi không đến nữa. Bởi tất cả những gì tinh tế nhất của Sa Pa đã mất hết rồi. So với những gì ngày xưa tôi chứng kiến, cái mộc của Sa Pa không còn. Sa Pa bây giờ là chốn ăn chơi chứ không phải là chốn hưởng thụ thiên nhiên nữa”. “Sự thật mất lòng”, song vì quá say đắm vùng đất này nên Hoàng Thế Nhiệm không ngại nói thật. Anh cũng tiếc nhớ những cánh rừng Việt Nam. Còn đâu “rừng vàng” trong những câu ca xưa, bởi rừng không còn những động vật quí, những loài gỗ quí cũng đang rơi nước mắt trước sự tàn phá của lâm tặc.

Mấy năm gần đây, Hoàng Thế Nhiệm là đại sứ hình ảnh của Sony. Công việc giúp anh có nhiều chuyến “vượt biên”, mở rộng tầm mắt. Một số người đi Tây về mắc “bệnh” chán Ta. Hoàng Thế Nhiệm lại khác: “Đất nước mình, mình phải tôn trọng”. Thậm chí đi xa để trở về cùng tình yêu sâu sắc hơn. Anh nhận ra sự khác biệt về mặt địa chất: “Quen với địa chất Việt Nam, đôi lúc mình thấy bình thường. Nhưng đi nước ngoài nhiều, đi qua những vùng địa chất khác nhau mới thấm thía, những gì trước đây mình thấy bình thường hóa ra độc đáo, khác biệt”. Nhiếp ảnh gia lấy ví dụ như cao nguyên đá Hà Giang, nơi anh đã đến chục lần, “quen đến độ cảm thấy bình thường”, chỉ đến khi sang nước khác, thăm công viên đá của họ anh mới nhận ra: “Hà Giang vô địch”. Nhưng nhận ra vẻ đẹp của đất nước mình, Hoàng Thế Nhiệm lại buông tiếng thở dài: “Gia tài” vô giá ấy đang bị sử dụng lãng phí, bị “tàn phá một cách vô thức”. Biết đâu một ngày nào đó, muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Sa Pa hay vẻ đẹp của sông Hương “dùng dằng không chảy” như trong thơ Thu Bồn, người ta chỉ có thể du lịch qua những tấm ảnh quá khứ?

Dù sao vẫn cứ phải đi

Sau hơn 20 năm cầm máy, thú “xê dịch” của Hoàng Thế Nhiệm vẫn vẹn nguyên: “Đời người ngắn nên cần thiết trải nghiệm. Không ngồi một chỗ đọc, không nghe ai nói, tranh thủ có điều kiện, có thời gian là đi ngay và luôn, cho dù không có đồng xu nào dính túi thì cũng phải vay mượn để đi cái đã. Đến khi già yếu, lọ mọ, không đi được lại tiếc”.

Nhưng số phận cũng chiều theo sở thích của Hoàng Thế Nhiệm khi liên tục tạo ra cơ hội để anh được khám phá vẻ đẹp thiên nhiên. Người yêu nhiếp ảnh đều biết, nhiếp ảnh gia nổi tiếng bắt đầu sự nghiệp khá muộn, 35 tuổi. Trước đó anh công tác trong lĩnh vực thông tin hàng hải. Về sau, do sức ép phải kinh doanh, nói theo nghĩa đen là bắt buộc phải buôn bán, Hoàng Thế Nhiệm xin nghỉ, để lên bờ làm ở một trạm. Song trong lúc trạm trên bờ chưa có chỗ cho anh, con người có thú “xê dịch” đã làm đơn xin nghỉ phép dài hạn để… đi chơi. Năm 1995, anh chính thức bước vào nhiếp ảnh chuyên nghiệp.

“Phong cảnh chọn anh hay anh chọn phong cảnh?”, tôi hỏi Hoàng Thế Nhiệm. Anh đáp: “Cả hai”. Theo nhiếp ảnh gia, phàm là người, ai cũng say mê cái đẹp, từ vẻ đẹp của thiên nhiên đến nhan sắc của phụ nữ. Song Hoàng Thế Nhiệm “thiên vị” phong cảnh đẹp hơn đàn bà đẹp: “Tôi nghĩ, trong số 100 người thì có khoảng 90 người thích ngắm người đẹp. Nhưng cả trăm người đều thích nhìn cảnh đẹp”. Theo nhiếp ảnh gia, cảnh đẹp có sức hút tuyệt đối. Song Hoàng Thế Nhiệm không có “con cưng”. Tất cả những gì anh chụp được và khoe ra, thì anh đều thích, không phân biệt chụp ở nơi đâu: “Bởi mỗi nơi đều có vẻ đẹp riêng. Những tác phẩm tôi chụp được, tôi cho bạn xem hay người nào đó xem, tức là tôi đã thích. Còn những tác phẩm người khác không thấy là những tác phẩm tôi không thích. Vì tôi không thích nên chúng không được khoe ra. Có vậy thôi”. Vấn đề quan trọng với anh là làm cách nào lưu giữ những tác phẩm của mình để chúng có tuổi thọ lâu nhất, không chỉ ở đời anh mà cả đời con cháu của anh.

Tay trắng làm nghề thì… kinh khủng lắm!

Hoàng Thế Nhiệm thấy mình may mắn khi vào nghề muộn: “Tôi vào nghề khi đã có tiền. Cái này rất quan trọng. Bởi tay trắng làm nghề thì kinh khủng lắm”. Anh bật mí: “Nghề hàng hải khi xưa là một nghề hái ra tiền”. Bỏ một nghề hái ra tiền để đi theo đam mê, ấy là Hoàng Thế Nhiệm.

Vậy, một bạn trẻ muốn dấn thân vào nhiếp ảnh, cần điều kiện và phẩm chất gì? Anh có lời khuyên: “Hãy bắt đầu bằng đam mê trước, điều này rất quan trọng, không có đam mê khó đi đường dài”. Song người có hơn 20 năm trong nghề cũng nhắc nhở những ai có ý định gắn bó cuộc đời với nhiếp ảnh: “Đam mê nhưng hết sức tỉnh táo. Vì muốn sống được với nó, muốn phát triển được thì phải có nguồn lực cụ thể, không thể bằng không khí. Phải tỉnh táo xem mình có đầy đủ khả năng về nguồn lực hay sự hỗ trợ phía sau không? Hoặc hãy kiếm thêm một nghề phụ để lấy nghề phụ nuôi dưỡng đam mê. Nếu không cả hai đều chết”.

Hoàng Thế Nhiệm cho rằng, thời của anh ít chịu áp lực của cạnh tranh: “Tụi tôi có nhiều sai sót nhưng sai sót không làm tụi tôi chết vì đối thủ cạnh tranh không nhiều”. Anh thừa nhận, sự cạnh tranh ngày hôm nay cực kỳ khắc nghiệt, cho nên bạn trẻ trước khi dấn thân hãy cân nhắc. Theo nhiếp ảnh gia, nhiều người hay ảo tưởng mình có khả năng làm tốt việc nào đó: “Cần tỉnh táo để biết khả năng mình đến đâu. Trong nghề, chuyên môn rất quan trọng. Ngày xưa chúng tôi đói thông tin. Ngày nay, cứ ngồi ở nhà đọc thông tin, nghe mấy người nói qua nói lại rồi bàn tán… coi như mình biết rồi. Song đó chỉ là lý thuyết, thực tế chưa có. Một số thanh niên bây giờ, đam mê có, thiết bị có, hỗ trợ cũng có, chỉ có kiến thức và sự hiểu biết là không đến nơi, đến chốn thôi”.

Nhiếp ảnh gia Hoàng Thế Nhiệm

Nhiếp ảnh gia Hoàng Thế Nhiệm

“Tôi nghĩ, trong số 100 người thì có khoảng 90 người thích ngắm người đẹp. Nhưng cả trăm người đều thích nhìn cảnh đẹp”.

Nhiếp ảnh gia Hoàng Thế Nhiệm

Bà xã tuyệt vời

Hoàng Thế Nhiệm tâm sự, mọi thành công của anh đều có đóng góp của bà xã: “Bà xã là người tuyệt vời, luôn ủng hộ chồng, giúp đỡ chồng, luôn lo lắng mọi thứ khi chồng vắng nhà. Thành công lớn nhất của tôi không phải huy chương, giải thưởng. Trong suốt bao nhiêu năm tôi đi lang thang vợ vẫn thương không bỏ”.

Nhiếp ảnh gia luôn ý thức: Không để đam mê làm ảnh hưởng đến các thành viên trong gia đình: “Ít nhất phải độc lập tài chính, bạn có thể không nuôi được con, không nuôi được vợ, nhưng chí ít phải nuôi được chính mình. Mỗi người cần phải tự chủ tài chính, dư dả càng tốt. Sống vì đam mê song không được quyền lấy tiền nhà để thỏa mãn đam mê của mình”.

Đào Nguyên

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/dut-bo-nhung-cuoc-dua-huy-chuong-giai-thuong-1456322.tpo