Đường về Mường Phăng hôm nay

Đường lên Tây Bắc xa xôi; núi cao trập trùng xa xa…, Đường lên Tây Bắc quanh co, nếp nhà sàn thấp thoáng và Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa, suối sâu đèo cao….

Đổi thay cửa ngõ Him Lam, nơi cách đây 65 năm đã diễn ra trận đánh mở màn (ngày 13.3.1954) của quân đội ta, mở toang cánh cửa cứ điểm Him Lam - Ảnh: Hải An

Đấy là những lời ca đầy ấn tượng về vùng Tây Bắc hoang vu hiểm trở, khỉ ho cò gáy từ những bài ca quen thuộc mà bộ đội ta hát lên khi các chiến dịch tiến công Tây Bắc, Nà Sản, Điện Biên… được mở trong kháng chiến chống Pháp.

Giờ đây, dường như đã khác hẳn. Những ngày cuối tháng tư, chúng tôi thấy lòng mình lạ lắm khi trở lại Điện Biên. Không phải chỉ là cái rộn ràng của dịp kỷ niệm 65 năm chiến thắng lẫy lừng mà còn là cảnh sắc dọc đường thi nhau nói lên. Khuất xa đâu đó những đàn bò sữa nhởn nhơ gặm cỏ trong tiếng máy dồn trên cao nguyên Mộc Châu, nơi đã có quyết định đầu tư của Chính phủ để trở thành trung tâm du lịch quốc gia bề thế.

Thuận Châu, cái kỳ đài đón Bác lần đầu lên thăm Tây Bắc - tròn 60 năm trước, 7.5.1959 - vẫn ở kia, nhưng đã hòa với màu sắc phố thị đổi mới từng ngày. Đèo Pha Đin đây, nhiều cua tay áo đã mở rộng, đèo được hạ thấp nhưng vẫn đầy vẻ dữ dội của một trong “tứ đại đèo” trùng trùng điệp điệp đến tận cuối trời những núi cao vực sâu.

Toàn cảnh ngọn đồi A1 - Ảnh: Hải An

Cuối quốc lộ 6, chúng tôi gặp Mường Lay. Dù được định danh là thị xã nhỏ bé nhất nước, nó vẫn giống một làng bản của người Thái nhiều hơn khiến những trụ sở cơ quan trở nên bỡ ngỡ, e ấp. Nằm ở ngã ba Sông Đà, Sông Nậm Na và chính xác hơn, cặp hai bên thung lũng suối Nậm Lay và là một phần của khu vực lòng hồ thủy điện, Mường Lay đẹp ngỡ ngàng trong sự giản dị, trầm lắng nhưng cũng đầy tiềm năng để vươn mình lớn dậy. Chúng tôi dừng chụp ảnh, tiếng gà trưa vang trong phố.

Tổng hành dinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Và đây Mường Phăng, Tổng hành dinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. 10 năm trước, đường về Mường Phăng đâu đã được thẳng tắp thế này. Với trụ sở Ủy ban cùng các công sở liên quan, nơi đây trở thành một thị tứ. Nhưng nét đặc trưng và dễ thấy nhất là những ngôi nhà sàn Thái, mái ngói đỏ tươi với những thân gỗ được bào nhẵn và đục đẽo chắc chắn khoe mình quanh thung lũng.

Hố bộc phá ngàn cân trên đồi A1 - Ảnh: Hải An

Kênh tưới tiêu được chính Đại tướng đề nghị Chính phủ cho kinh phí xây dựng biến ruộng nương thành hai vụ, đời sống nhân dân đã khá hẳn lên và vẫn đang khá lên nữa nhờ vào du lịch. Hàng trăm khách du lịch mỗi ngày đã cung cấp những cách làm du lịch độc đáo cho đồng bào các dân tộc.

Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, nơi lưu giữ những chứng tích hào hùng về chiến dịch Điện Biên Phủ - Ảnh: Hải An

Không chỉ những danh xưng “rừng Đại tướng”, “hồ Đại tướng”, “già bản Võ Nguyên Giáp” vẫn được đồng bào trìu mến và tự hào nhắc đến mà còn thêm vào đấy cả hệ thống các trường mầm non, tiểu học, trung học mang tên người Chỉ huy Chiến dịch. Dấu ấn này càng hiện diện rõ rệt khi khách thăm tiến vào chính nơi đặt Sở chỉ huy, cách Điện Biên Phủ 25 cây số đường chim bay.

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ đặt trên đồi D - Ảnh: Hải An

Dẫn chúng tôi đi tham quan và nhiều lúc còn là điểm tựa vượt qua những chỗ khó khăn, cheo leo là hai cháu học sinh lớp 6 Trường THCS Võ Nguyên Giáp, Quàng Văn Thuận và Lò Thanh Nam. Bọn trẻ thật nhiệt tình, chạy ngay đi kiếm cho cả đoàn khi chúng tôi muốn tìm những cây gậy để chống. Chúng cũng làu làu các di tích lịch sử, thật may là đoàn chúng tôi không có hướng dẫn viên. Hỏi: “Trường các cháu ở xa bốn, năm cây số, thế cô giáo có cho phép đến giúp khách tham quan như thế này không?”. Ngập ngừng: “Không ạ!”. “Tại sao? Cô sợ chúng cháu … xin tiền!”. Chúng tôi bảo: “Nếu khách thăm cho tiền thì cũng xứng với công lao động, nhưng việc của các cháu trước hết là học, hãy học cho giỏi nhé”.

Trục hành lễ, đường lên tượng đài Chiến thắng trên đồi D và toàn cảnh TP.Điện Biên Phủ hôm nay. - Ảnh: Hải An

Vũ Cao Phan

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/duong-ve-muong-phang-hom-nay-1078895.html