Đường về của nam thanh niên phạm trọng tội vì a dua theo bạn

Đang nằm ở nhà xem tivi thì Phùng Văn Duy, SN 1986 ở Hướng Đạo, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc) được bạn tới rủ đi đánh nhau. Cứ nghĩ giống như những lần va chạm trước đó nên Duy đồng ý mà không ngờ lại tận mắt chứng kiến một cảnh bắn chết người. Do có mang hung khí (tuýp sắt) đi cùng với nhóm bắn chết người nên Duy đã phải trả giá bằng bản án 12 năm tù.

“Tôi vào đây từ năm 2011, đến nay đã 4 lần được giảm án. Thời gian ở trại cải tạo cũng không còn bao lâu nữa là mãn hạn nhưng về nhà rồi, tôi còn phải chịu 2 năm quản thúc nữa”, Phùng Văn Duy cho biết. Theo anh ta thì 2 năm quản thúc cũng chẳng khác gì đi tù nhưng sẽ thoải mái hơn vì được gần gũi gia đình.

Cái gật đầu 12 năm tù

Cho đến bây giờ, khi đã có một quãng thời gian dài sống trong trại giam, đủ để ngẫm nghĩ về việc làm đã qua, Duy vẫn cho rằng mình sinh ra có cung lao tù bởi “không nhận lời hôm đó thì rồi sẽ có hôm khác, kiểu gì cũng dính”, như lời anh ta nói. Nhưng “tôi không nghĩ là mình lại trở thành đồng phạm của kẻ giết người”, Duy bảo. Trong tâm trí anh ta, ký ức về đêm định mệnh ấy đến giờ vẫn còn ám ảnh. “Tôi không tham gia đánh nhưng lại là người đứng gần hiện trường nhất nên toàn bộ sự việc diễn ra thế nào đều nhìn thấy hết”, Duy bộc bạch.

Theo lời Duy thì vì trạc tuổi với nhau lại cùng khu xóm nên Duy dễ tiếp cận với đám thanh niên choai choai, mới lớn và bất kể đi nhậu ở đâu cũng kéo nhau đi. Tuổi trẻ bồng bột, hiếu thắng và nông nổi nên việc va chạm, thậm chí là xô xát, ẩu đả giữa thanh niên khu này với khu khác là không tránh khỏi. Tuy nhiên, theo lời Duy thì cũng chỉ là động tay, động chân chứ chưa khi nào vác dao phang nhau, vì thế mà cũng dễ giảng hòa với nhau.

“Vì chúng tôi cứ đánh nhau rồi giảng hòa, lại nói chuyện với nhau và thậm chí là chén chú chén anh nên đến tận bây giờ tôi vẫn không nghĩ rằng lại có một ngày phải dùng đến súng để giải quyết mâu thuẫn”, Duy lý giải về việc tối đó đã nhanh chóng đồng ý tham gia đánh nhau cho dù không biết nguyên nhân cũng như người phải đánh là ai.

Đó là tối 26-4-2011, sau khi ăn tối xong, Duy nằm dài ở ghế xem ti vi. Đến khoảng 22g, Duy bắt đầu lơ mơ ngủ thì một thanh niên trong xóm phi xe tới. Thanh niên này rủ Duy đi đánh một người ở khu khác mà theo lời anh ta là trước đó khoảng 2 tiếng đã chửi nhau trên điện thoại, nhắn tin hẹn đánh nhau. Duy đồng ý đi và trong lúc vào buồng lấy áo mặc thì người bạn đã chạy ra góc sân nhà Duy nhặt cây gậy phơi quần áo bằng sắt mỏng, đưa cho Duy rồi chở anh ta ra chỗ nhóm bạn đang tập kết.

“Chúng tôi đi 2 xe, tôi ngồi xe do Phùng Văn Anh cầm lái, 3 người còn lại cùng đi một xe. Trời tối nên tôi không biết trong nhóm có người mang súng theo người”, Duy nhớ lại. Anh ta cho biết đã rất bất ngờ khi hai xe vừa chạy tới quán rượu ốc thì hai người đi xe phía trước đã chạy vào quán rồi rút súng ra bắn. “Tôi còn chưa kịp biết xem người nào sẽ bị đánh thì đã nghe thấy tiếng súng nổ rồi một bóng người đổ gục xuống. Cảnh tưởng lúc đó thật hỗn loạn. Mọi người có mặt trong quán bỏ chạy tán loạn. Tiếng la hét, rú lên thất thanh. Đêm khuya nhưng ánh đèn điện đủ để tôi nhìn thấy mà tim đập thình thịch”, Duy kể.

Nam phạm nhân này cho biết vì cái gật đầu tham gia và cũng vì cây gậy phơi quần áo mang theo mà anh ta phải trả giá bằng bản án 12 năm tù. Thi hành cải tạo ở trại giam Vĩnh Quang.

Phạm nhân Phùng Văn Duy đang cải tạo ở đội may trại giam Vĩnh Quang. Ảnh: N.Vũ

Phạm nhân Phùng Văn Duy đang cải tạo ở đội may trại giam Vĩnh Quang. Ảnh: N.Vũ

Ân hận và mặc cảm

Trước khi đi tù về tội giết người, Phùng Văn Duy từng phải khoác áo phạm nhân về hành vi đánh bạc. Tuy nhiên, vừa qua thời gian được xóa án tích thì Duy lại tiếp tục phạm tội. Lần đi tù này, với Duy không chỉ ân hận mà còn rất nhiều mặc cảm.

“Tôi ân hận vì mới lấy vợ chưa lâu thì bị bắt. Còn chuyện mặc cảm thì đương nhiên rồi. Một kẻ mang án giết người như tôi chắc chắn lúc về nhà sẽ được nhiều người đón nhận bằng những ánh mắt dè chừng, cảnh giác”, Duy bộc bạch. Anh ta bảo điều anh ta ân hận nhất là đã khiến người thân phải chịu áp lực về việc làm tội lỗi của mình.

Biện minh cho việc đánh bạc, bị bắt năm 2010, Duy bảo không phải do nghiện ngập mà vì thi thoảng rảnh rỗi thì tụ tập mấy anh em chơi vài ván, thắng thua vài chục ngàn cho thêm rôm rả, không ngờ bị bắt. “Lần đó, vợ tôi phải bỏ ra 15 triệu đồng nộp phạt cho tôi. Xót của nên cô ấy cằn nhằn suốt. Tôi cũng tiếc nên cũng tự dặn lòng sẽ không chơi nữa, ai ngờ”, Duy tâm sự.

Cải tạo ở trại giam cách nhà không xa nên vài tháng một lần, Duy lại được người nhà tới thăm gặp. Bố mẹ Duy có lên thăm anh ta đôi lần còn chủ yếu là người vợ. Duy bảo vợ chồng gặp nhau chẳng nói chuyện được nhiều vì “cô ấy chỉ khóc”. Nhưng sự nhẫn nại và chấp nhận ở lại nhà chồng của người vợ đã khiến Duy cảm động thực sự. Duy bảo chính hành động ấy của vợ đã là động lực để anh ta phấn đấu, quyết tâm cải tạo tốt để sớm trở về đoàn tụ với gia đình.

Nói về những tháng ngày trong trại giam, Duy cho biết: “Ở trong này tôi cải tạo ở rất nhiều đội. Ban đầu là ở đội sản xuất, trồng lúa sau đó sang đội dán vàng mã còn bây giờ là lao động ở đội may. Chúng tôi may theo dây chuyền, việc của tôi là giáp các thân túi lại với nhau cho thành hình cái túi còn việc đính quai, lắp đáy túi là phần việc của những người khác”.

Theo lời Duy thì công đoạn của anh ta là dễ nhất còn việc lắp đáy túi mới là khó, đòi hỏi phải có kỹ thuật và khéo tay. “Mọi sinh hoạt trong này của tôi đều diễn ra bình thường, thậm chí còn rất chừng mực, quy củ và khoa học. Một tuần làm việc tôi có 2 ngày cuối tuần nghỉ ngơi. Những khi ấy chúng tôi dọn dẹp chỗ ăn ở, giặt giũ chăn màn và xem tivi. Ai thích đọc sách thì lên thư viện mượn về. Có người thì ngồi viết thư”, Duy kể.

Câu nói sau cùng của Duy không chỉ là tâm nguyện mà còn là mong ước của tất cả những người khoác áo phạm nhân trước ngưỡng cửa trở về với đời thường. Họ mong lắm nhận được sự đồng cảm và những chia sẻ, giúp đỡ của cộng đồng để dần xóa bỏ mặc cảm tội lỗi trong quá khứ, trở thành người có ích cho xã hội.

Nguyễn Vũ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/duong-ve-cua-nam-thanh-nien-pham-trong-toi-vi-a-dua-theo-ban-156712.html