Đường Vành đai 2 vướng giải phóng mặt bằng, Vành đai 3 quá chậm

Tại thành phố Hồ Chí Minh, đường Vành đai 2 vướng giải phóng mặt bằng, Vành đai 3 quá chậm.

Sáng 4/6, HĐND TP HCM tổ chức chương trình giám sát việc thực hiện tiến độ Dự án đầu tư xây dựng tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa – Quốc lộ 1, quận Thủ Đức thuộc tuyến đường Vành đai 2; tiến độ dự án Vành đai 3, đoạn đi qua TP HCM.

Buổi giám sát của HĐND TP HCM.

Buổi giám sát của HĐND TP HCM.

Tại buổi làm việc, ông Trần Đức Thắng, Giám đốc Công ty Cổ phần Văn Phú Bắc Ái, chủ đầu tư cho biết: Dự án đoạn kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa – Quốc lộ 1 (quận Thủ Đức) dài 2,75km theo hình thức hợp đồng BT. Đây là đoạn 3 của tuyến đường Vành đai 2 gồm có hai gói thầu, có tổng vốn đầu tư 2.100 tỷ đồng, trong đó chi phí xây lắp là 1.000 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng 1.100 tỷ đồng.

Hiện nay, dự án đang chậm thi công do vướng giải phóng mặt bằng khi mới có 258/466 hộ bàn giao mặt bằng (60%), ngoài ra còn vướng các khó khăn khác về hạ tầng kỹ thuật như đường dây điện, cáp quang, đường ống nước…,một số đoạn bàn giao không liền mạch nên không thể triển khai thi công xây dựng.

Ông Trần Đức Thắng cho biết, nếu kịp nhận mặt bằng vào cuối năm 2019, công tác di dời hạ tầng thuận lợi thì mất thêm 1 năm để hoàn thành đoạn tuyến 2,75 km này.

Ông Trần Đức Thắng, Giám đốc Công ty Cổ phần Văn Phú Bắc Ái nói: "Công ty rất tích cực, có mặt bằng đến đâu thì thi công đến đó. Công ty kiến nghị UBND TP và sở ban ngành nhanh chóng đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư như cam kết để đảm bảo tiến độ như hợp đồng".

Ông Trần Đức Thắng - đại diện chủ đầu tư báo cáo.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị chủ đầu tư cần phải chủ động hơn trong việc phối hợp với quận Thủ Đức trong khâu giải phóng mặt bằng, nhận mặt bằng tới đâu thì làm tới đó, cố gắng hoàn thành tiến độ công trình theo đúng cam kết. Trong khi đó, quận Thủ Đức cũng phải tập trung giải quyết khâu bàn giao mặt bằng, làm tốt công tác dân vận, nắm chắc các hồ sơ vướng mắc để nhanh chóng giải quyết.

"Quận thì phải tập trung cao điểm làm, nắm chắc từng trường hợp về mặt pháp lý để có tham mưu đề xuất chủ trương phù hợp. Sở Giao thông vận tải cần chủ động hơn trong phối hợp để đề xuất kịp thời các khó khăn của quận, của chủ đầu tư để kịp thời đề xuất UBND TP chỉ đạo thực hiện", bà Lệ nói.

Về dự án đường Vành đai 3, đại diện Tổng Công ty Cửu Long đánh giá tiến độ thực hiện dự án Vành đai 3 đã rất chậm. Vành đai 3 TPHCM được phê duyệt từ năm 2011, đi qua địa phận 4 tỉnh là TPHCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai với tổng chiều dài 97km. Hiện mới chỉ được đầu tư đưa vào khai thác đoạn Mỹ Phước – Bình Chuẩn 16km thuộc tỉnh Bình Dương./.

Hà Khánh/VOV-TP HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/duong-vanh-dai-2-vuong-giai-phong-mat-bang-vanh-dai-3-qua-cham-917285.vov