Dương Tường có công đưa những tác giả quan trọng vào Việt Nam

Nhà văn Nguyên Ngọc đánh giá Dương Tường có công đưa những tác giả quan trọng vào Việt Nam. Việc dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh của Dương Tường là một cách riêng.

Từ trái qua, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà thơ - dịch giả Dương Tường, nhà văn Nguyên Ngọc. Ảnh Vũ Gia Hà.

Từ trái qua, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà thơ - dịch giả Dương Tường, nhà văn Nguyên Ngọc. Ảnh Vũ Gia Hà.

Chiều 18/7/2020, tại quán CÀ PHÊ THỨ BẢY (Hà Nội), đã diễn ra buổi gặp gỡ “Nhà thơ, dịch giả Dương Tường: Người lãng du trở về nguồn”, nhân mới đây, Dương Tường đã dịch Truyện Kiều (Nguyễn Du) ra tiếng Anh.

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng, tuổi tác với Dương Tường coi như không có vấn đề gì. Dương Tường làm “ngựa thồ” văn hóa, văn chương thế giới về Việt Nam. Lúc cuối đời, Dương Tường thấy mình được Tiếng Việt nuôi dưỡng, ôm ấp bấy lâu; là con dân Việt, ông muốn làm điều gì đó cho tiếng Việt. Bản thân Dương Tường không muốn “ăn gian” thời gian, hơn nữa, ông yêu Truyện Kiều, yêu Nguyễn Du. Ở tuổi này (Dương Tường đã 88 tuổi), ông bắt đầu một cuộc chiến mới, không, phải nói là bắt đầu một cuộc chơi mới.

Cuốn Kiều in Dương Tường's Version. Ảnh Vũ Gia Hà

Kiểu dịch của Dương Tường, như ông từng tâm sự với tôi, dịch giả là đồng sáng tạo với tác giả. Thay vì nói Truyện Kiều do Dương Tường dịch, thì ta nói là Truyện Kiều bản của Dương Tường. Dương Tường luôn tự tin vào mình, tự tin vào tình yêu của mình với văn học.

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường. Ảnh Vũ Gia Hà

Dịch, trước hết là anh phải hiểu tác phẩm. Văn bản Truyện Kiều thì chỉ có một, nhưng tác phẩm về nó thì có vô số. Nó cũng giống như cuộc sống. Cuộc sống của chúng ta là muôn kiểu diễn dịch. Vì sao một tác phẩm lớn, người ta bàn luận bất tận, vì có nhiều cách hiểu. Phạm Xuân Nguyên cho rằng, một bản dịch lý tưởng là có trăm phần trăm tác giả, trăm phần trăm dịch giả.

Dịch giả Phạm Anh Tuấn thấy Dương Tường làm việc gì cũng mang tư duy nghệ sĩ, từ cách sống, cho đến cách làm việc với chữ nghĩa. Hoàn cảnh đất nước đã làm “chết” một phần nghệ sĩ trong con người ông. Ở Dương Tường, ta thấy ông thèm dịch, thèm thơ. Khi tuổi đã cao, Dương Tường lại có xung động dịch lại Truyện Kiều.

Nhà văn Nguyên Ngọc. Ảnh Vũ Gia Hà.

Chia sẻ về việc dịch Kiều ra tiếng Anh, Dương Tường nói: Tôi coi việc dịch Truyện Kiều là sự báo hiếu với tiếng mẹ đẻ, như là nén hương dâng lên cụ Nguyễn Du tròn 200 năm ngày mất. Tôi đã có ý định dịch Kiều từ lúc trẻ. Nhưng lúc đó, tôi không dám vì biết lượng sức mình. Tác phẩm của Nguyễn Du cao quá, nên tôi mới kiễng chân, chưa dám chạm tay tới.

Giờ đây, mắt tôi dường như không thấy được gì, tay chân run, nhưng rồi tôi nghĩ sao mình không làm một cuộc phiêu lưu cuối cùng. Đó là cái nghịch lý trong tôi khi mà ý lực và thể lực đã yếu, tôi lại làm cuộc phiêu lưu như vậy. Tôi từng nói với Phạm Toàn sẽ dịch Kiều, ông Toàn đáp, mình không làm thì ai làm.

Như “Chinh phụ ngâm khúc” chẳng hạn, tôi có quan điểm cùng Phạm Xuân Nguyên, qua bản dịch, ta thấy được trong đó 100% của Đặng Trần Côn (tác giả), 100% của Đoàn Thị Điểm (người dịch). Dường Tường cũng chia sẻ có những buổi sáng, mở mắt ra, ông không còn nhận ra nét trên màn hình dù ông được trang bị màn hình lớn để viết, nhưng rồi ông trấn an mình chưa phải là lúc tận thế đâu. Cứ thế, ông đi nốt và dịch trọn bộ Kiều.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên. Ảnh Vũ Gia Hà.

Dương Tường cũng cho rằng, tác phẩm dịch của ông khác các bản dịch khác, bởi ông quan niệm, Tài không bao giờ tương đố với Mệnh, mà Tài chẳng làm gì được Mệnh cả. Từ quan điểm đó, Dương Tường đã có một dịch phẩm Truyện Kiều mang nét riêng. Dương Tường còn cho biết, ông dịch Kiều không thông qua văn bản mà qua trí nhớ của ông. Ông đã thuộc làu Kiều từ khi còn rất nhỏ.

Dịch giả Vũ Thế Khôi, người từng dịch Kiều sang tiếng Nga và được người Nga đánh giá cao, nhân quan điểm của Dương Tường về việc “Mệnh đánh Tài, chứ Tài không đánh lại được Mệnh” (cách diễn lại của Phạm Xuân Nguyên), ông Khôi nói sẽ xem lại bản dịch của mình, và có khi có thể dịch lại một bản khác khi tuổi đã ngoài 80. Ông Khôi coi cách nhìn Tài – Mệnh của Dương Tường là cách nhìn mới lạ.

Dịch giả Vũ Thế Khôi. Ảnh Vũ Gia Hà.

Nhà văn Nguyên Ngọc từ Hội An (Quảng Nam) ra, đã có những lời cảm phục nhà thơ, dịch giả Dương tường. Nguyên Ngọc đánh giá: Dương Tường không phải là người dịch lặt vặt, mà ông có công đưa những tác giả quan trọng của thế giới vào Việt Nam. Nhà văn đã tạo nên một thế giới sống động, tức là tạo ra một cuộc sống thứ hai cho con người. Dịch giả là người tiếp tục tạo ra được một thế giới tương đương mà nhà văn kia đã tạo dựng ra. Cách Dương Tường dịch Kiều là một cách theo kiểu của Dương Tường. Việc dịch đó là hoàn toàn sáng tạo lại. Cuối đời, ta thấy Dương Tường dịch Kiều ra tiếng Anh, tức là cái Tài của ông đáng đánh lại cái Mệnh tan tành.

Nhạc sĩ Dương Thụ. Ảnh Vũ Gia Hà

Có mặt tại buổi nói chuyện, dịch giả Trịnh Lữ cho biết, giá trị cuốn sách dịch Kiều sang tiếng Anh của Dương Tường như thế nào, thời gian sẽ đánh giá, người nước ngoài sẽ đọc nó với tâm thế như thế nào, chắc sẽ khác người Việt đọc bản dịch của Dương Tường. Bản thân là người dịch, Trịnh Lữ thấy rằng, không nên làm cho nó bí ẩn nhiều quá, cố dịch sao cho giữ được sát tác phẩm và cho người ta hiểu. Trịnh Lữ đánh giá Dương Tường là người giữ chữ tín trong việc dịch. Còn nhạc sĩ Dương Thụ nhận xét Dương Tường là một nhà văn đi dịch tác phẩm chứ không phải là một người dịch bình thường. Dương Tường không phải làm việc dịch như nhiều dịch giả khác mà như là sự sáng tạo.

Vũ Gia Hà

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/nha-van-nguyen-ngoc-duong-tuong-co-cong-dua-nhung-tac-gia-quan-trong-vao-viet-nam-78146