Đường trở về ACB của gia đình bầu Kiên và ghế nóng HĐQT mùa Đại hội cổ đông 2018

Mùa cao điểm họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 đã qua đi, nhưng những cuộc tranh luận ứng cử, bầu cử đại diện nhóm cổ đông lớn vào HĐQT vẫn nóng hổi. Các trường hợp không thể không nhắc đến như ACB, Ninh Vân Bay hay Sabeco...

Mâu thuẫn tại ACB và tiếng nói của "người vắng mặt"

Cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2018 của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) nổi sóng gió ngay từ những phút đầu tiên khi ứng viên Nguyễn Duy Hưng do nhóm cổ đông liên quan gia đình ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) nắm giữ 10,45% cổ phần đề cử không có tên trong danh sách được NHNN chấp thuận.

Cụ thể, đại diện HĐQT đọc văn bản của NHNN chỉ chấp thuận bầu 8 ứng viên vào HĐQT thay vì 11 người như công bố trước đó. NHNN không chấp thuận 3 ứng viên là ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Tổng giám đốc ACB; ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB và ông Nguyễn Duy Hưng - ứng viên do nhóm cổ đông mới đề cử.

Nhóm cổ đông ứng cử ông Nguyễn Duy Hưng đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc này và yêu cầu bầu tất cả 11 ứng viên. Nhóm cổ đông này cũng nghi ngờ ACB đã không gửi đủ danh sách 11 người cho NHNN và không có tên của ông Nguyễn Duy Hưng. tuy nhiên đại diện ACB và NHNN đã phủ nhận điều này và cho rằng hồ sơ được nộp đầy đủ.

Bà Đặng Ngọc Lan, đại diện cho nhóm cổ đông đề cử ông Hưng cho biết bà và gia đình đã đầu tư vào ACB từ những ngày đầu tiên, đến nay đã được 25 năm. Bà hiểu rõ quyền giới thiệu thành viên ứng cử vào HĐQT và BKS của nhóm các cổ đông nắm giữ hơn trên 10% cổ phần trên 6 tháng. Đây là quyền được pháp luật quy định và bảo vệ.

Bà Đặng Ngọc Lan tại ĐHĐCĐ ACB. (Ảnh: TV)

Theo bà Lan, gia đình bà đã đầu tư vào ACB trên 25 năm nên bản thân bà Lan và gia đình không bao giờ muốn làm những việc ảnh hưởng tới giá trị và hình ảnh của ACB. Nhóm cổ đông sử dụng quyền hợp pháp của cổ đông, được pháp luật bảo vệ để ứng cử đại diện tham gia HĐQT là nhằm mục tiêu xây dựng ACB tăng trưởng mạnh mẽ hơn dựa trên các giá trị nền tảng và điều hành tốt, không có mục tiêu nào khác.

Bà Lan cũng phản đối các ý kiến của chủ tọa đoàn là Chủ tịch Trần Hùng Huy nói nhóm đề cử ông Hưng đang có mâu thuẫn về pháp luật với ACB. "Cái gọi là nhóm 6 công ty của ông Kiên là không chính xác, vì chúng tôi là một trong những cổ đông thiểu số của công ty đó mà trước đây có giao dịch tín dụng tại ACB. Do lý do bất khả kháng xảy ra nên quá trình xử lý sự cố gặp vấn đề khó khăn. Chúng tôi sẽ gắng sức để giải quyết tốt nhất, xử lý không để ACB thiệt hại", bà Lan nói.

Ngoài ra, bà còn cho biết nếu việc xử lý các khoản nợ này được tiếp tục giải quyết chuyên nghiệp, công bằng, đúng thời điểm thì ACB sẽ không bị thiệt hại. Bà cũng nhấn mạnh quyền lợi của ACB, nhóm cổ đông và cổ đông khác không hề mâu thuẫn với nhau. Sự thịnh vượng của ACB chính là phần thịnh vượng của gia đình bà.

Bà đề nghị HĐQT ACB trình NHNN xem xét, có ý kiến về danh sách ứng cử gồm ông Hưng cùng 2 ứng viên khác trong đợt tới. Khi mà cổ đông đề cử, không được phê chuẩn nhưg không có trả lời của NHNN về lý do, không có văn bản trả lời của HĐQT về các đề cử thì "chúng tôi có quyền thắc mắc, có quyền đặt vấn đề", bông hồng của ACB khẳng định.

Không chỉ có bà Đặng Ngọc Lan lên tiếng, ông Nguyễn Đức Kiên cũng thông qua luật sư của mình gửi một bức thư tới Đại hội. Liên quan tới vấn đề nhân sự, ông Kiên nhấn mạnh việc giới thiệu và bầu HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2018 - 2021 rất quan trọng với sự phát triển của ACB.

Ông Nguyễn Đức Kiên

Quyền của cổ đông được pháp luật bảo vệ ,vì vậy ông Kiên yêu cầu HĐQT báo cáo căn cứ vào quy định nào của pháp luật và của điều lệ ACB khi không trình hồ sơ của ông Nguyễn Duy Hưng đã được nhóm cổ đông giới thiệu theo đúng quy định và đã được ACB công bố thông tin chính thức trong tài liệu họp ĐHCĐ. Nếu không trình thì vì sao không thông báo kịp thời theo đúng quy định của Ngân hàng nhà nước? Thành viên nào của HĐQT ACB phải chịu trách nhiệm về việc này khi nghị quyết HĐQT ACB kỳ họp tháng 3 đã thống nhất trình hồ sơ của 11 thành viên trong đó có tên ông Hưng.

Về tình hình dư nợ của 6 công ty liên quan, có nhiều thông tin cho rằng ông Kiên gây thiệt hại cho ACB. Bức thư khẳng định trong 6 công ty chỉ có công ty B&B và công ty Thiên Nam của gia đình ông Kiên còn 4 công ty thuộc tập đoàn tài chính Á Châu (AFG) là công ty gia đình ông Kiên sở hữu 40% và gia đình ông Trần Mộng Hùng sở hữu 45%. Các công ty này đang tích cực trả nợ và không gây bất kỳ thiệt hại nào cho ACB.

Mặc dù vấn đề nhân sự gây tranh cãi nhưng cuối buổi, danh sách 8 thành viên HĐQT cũng như các tờ trình khác đều được bỏ phiếu thông qua. Đương nhiên, ứng viên do nhóm cổ đông gia đình ông Kiên đề cử đã không lọt ghế HĐQT nhiệm kỳ tới.

Tiếp quản 4 tháng chưa nằm trong HĐQT Sabeco

Cũng là câu chuyện chiếc "ghế" trong HĐQT nhưng trường hợp của tập đoàn ThaiBev tại Tổng công ty Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) lại hoàn toàn khác.

Mua thành công 53,59% vốn Sabeco từ đợt đấu giá cổ phần, tập đoàn ThaiBev thông qua Công ty TNHH Vietnam Beverage đã chính thức trở thành cổ đông lớn nhất tại đây. Tuy nhiên từ cuối năm 2017 đến khoảng hết quý I/2018, ThaiBev chưa được trực tiếp tham gia Hội đồng quản trị và điều hành Sabeco. Tập đoàn này thậm chí còn gửi kiến nghị bày tỏ quan ngại với Chính phủ Việt Nam về việc này.

Ba ứng viên ThaiBev vào HĐQT Sabeco

Trước kiến nghị của ThaiBev, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Công Thương khẩn trương xem xét, xử lý các kiến nghị của ThaiBev theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Tuy nhiên, Khoản 2 Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định quyền cổ đông được đề cử người vào HĐQT và Ban kiểm soát nếu sở hữu từ 10% cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng hoặc 1 tỷ lệ nhỏ khác nhỏ hơn quy định tại điều lệ công ty. Tại điều lệ Sabeco, Khoản 3 Điều 13 quy định tỷ lệ nắm giữ trên 5% trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng được đề cử.

Chiếu theo điều luật này, việc ThaiBev sở hữu cổ phần trên 53,59% có quyền đề cử nhưng thời gian chưa đủ 6 tháng. Do đó, việc chưa có "ghế" trong HĐQT của ThaiBev chỉ là vấn đề của thời gian.

Khoản 3 Điều 136 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định HĐQT phải triệu tập họp bất thường ĐHĐCĐ trong các trường hợp như (a) HĐQT xét thấy cần thiết vì lợi ích của công ty; (b) Số thành viên HĐQT, BKS còn lại ít hơn số thành viên theo quy định của pháp luật; (c) Theo yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 114 của Luật này; (d) Theo yêu cầu của Ban Kiểm soát và (đ) Các trường hợp khác theo quy định.

Tuy nhiên, sau đó tới ngày 23/4 (thời điểm ThaiBev nắm giữ cổ phần khoảng 4 tháng, chưa đủ 6 tháng theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014), Sabeco tổ chức ĐHCĐ bất thường thông qua bầu 3 ứng viên đại diện ThaiBev gồm ông Koh Poh Tiong, ông Tan Tiang Hing, Malcolm và ông Sunyaluck Chaikajornawat vào HĐQT. Trong đó, ông Koh Poh Tiong được bầu làm Chủ tịch HĐQT mới thay ông Võ Thanh Hà.

Thời gian sau, Sabeco tiếp tục bổ nhiệm 3 Phó tổng giám đốc người Thái gồm ông Neo Gim Siong Bennet, ông Teo Hong Keng và ông Melvyn Ng Huan Ngee.

Chưa đủ 6 tháng, nhóm cổ đông 33% vốn vẫn không đưa được người vào HĐQT

Liên quan tới việc nắm giữ trên 10% cổ phần nhưng chưa đủ 6 tháng, cuộc họp ĐHCĐ CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (Mã: NVT) cũng giằng co số lượng bầu thành viên HĐQT và việc ứng cử người vào HĐQT của nhóm cổ đông.

Cụ thể, HĐQT muốn bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT là ông Ikhwan Primanda (quốc tịch Indonesia) thay cho việc miễn nhiệm 3 người. Nhưng một cổ đông đại diện 33% vốn lại đề xuất bổ sung 3 thành viên HĐQT với lý do đã sở hữu 33% vốn nên có thể bầu thành viên vào HĐQT, giúp bộ máy công ty minh bạch hơn. Mặt khác, 3 cá nhân mà nhóm cổ đông đề cử là các nhân sự phù hợp, có kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh, sẽ đóng góp rất lớn cho công ty.

Ban lãnh đạo của NVT cho biết, mặc dù đại diện cho trên 33% vốn nhưng nhóm cổ đông này chưa nắm giữ đủ 6 tháng theo Luật Doanh nghiệp nên đề xuất này chưa thể thực hiện.

Phản hồi, nhóm cổ đông nói nếu có thể thống nhất thêm người vào HĐQT vào ngay trong đại hội lần này thì sẽ cam kết nắm giữ cổ phần của công ty tối thiểu là 5 năm. Nếu cần thiết hơn nữa, nhóm cổ đông có thể sẽ cam kết mạnh mẽbằng một khoản tiền đảm bảo.

Tuy nhiên, ông Lê Xuân Hải, Chủ tịch HĐQT của Ninh Vân Bay cho rằng, điều công ty cần là sự cam kết lâu dài của cổ đông và công tác quản trị cần có sự ổn định, không có sự xáo trộn, bất ổn.

Kết thúc Đại hội, cổ đông đã tiến hành bỏ phiếu và kiểm phiếu về các nội dung tờ trình. Riêng đề xuất bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT của nhóm cổ đông lớn nắm 33% vốn đã không được thông qua.

Khổng Chiêm

Nguồn NDH: http://ndh.vn/duong-tro-ve-acb-cua-gia-dinh-bau-kien-va-ghe-nong-hdqt-mua-dai-hoi-co-dong-2018-20180515022256192p4c146.news