Đường tồn kho tăng, doanh nghiệp và nông dân gặp khó

Điệp khúc đường tồn kho lại tiếp tục nóng lên thời gian qua. Việc này đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều nhà máy đường cũng như người trồng mía. Nếu không có giải pháp tiêu thụ hợp lý, tình trạng đường tồn kho có nguy cơ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

Đường tồn kho tăng

Hiện nay, tỉnh Phú Yên đang vào mùa cao điểm thu hoạch vụ mía niên vụ 2017 - 2018. Niên vụ này toàn tỉnh trồng gần 25.500 ha mía với sản lượng ước đạt 1,73 triệu tấn. Tuy nhiên, so với mọi năm, giá mía đường năm nay hạ thấp, đường tồn kho tại các nhà máy ở Phú Yên là 48 nghìn tấn. Tính tổng chi phí đầu tư so với giá mía hiện nay bán cho nhà máy, người nông dân không có lãi. Theo ông Huỳnh Khắc Vũ, thôn Nhất Sơn, xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa (là người trồng mía nhiều nhất tỉnh Phú Yên với diện tích 75 ha), giá mía năm nay thấp, chỉ từ 750.000 đến 800.000 đồng/tấn, cho nên trừ hết chi phí thì không lãi bao nhiêu. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (Công ty KCP) K.Xúp-bai-a cho biết “tổng số hộ dân trồng mía trong vùng nguyên liệu quy hoạch của KCP là khoảng mười nghìn hộ. Trong điều kiện khó khăn chung, Công ty KCP hiện đang có chính sách hỗ trợ người nông dân với giá mua mía là 770.000 đồng/tấn. Ngoài ra, công ty hỗ trợ thêm cước vận chuyển từ 50 đến 150 nghìn đồng/tấn, tính ra giá thu mua mía tại bàn cân nhà máy là 920.000 đồng/tấn mía 10 chữ đường (CCS)”. Theo nhận định của ông Xúp-bai-a, do lượng mưa nhiều cho nên năng suất mía năm nay rất cao, nhưng CCS lại thấp nhất trong 16 năm qua. CCS chỉ đạt bình quân 8,7 trong khi mua của người dân theo hợp đồng đã ký 9 CCS cho nên nhà máy lỗ nhưng vẫn mua để bảo đảm quyền lợi cho người dân.

Tại tỉnh Hậu Giang, đến nay bà con nông dân vùng mía nguyên liệu cơ bản đã thu hoạch xong gần 11 nghìn héc-ta và đang chăm sóc mía niên vụ tiếp theo. Tuy nhiên, với giá đường và tình hình tiêu thụ đường khó khăn như hiện nay, không chỉ các nhà máy đường như “ngồi trên đống lửa” mà nông dân trồng mía cũng đang rất lo lắng cho vụ mía tới. Nhìn tám công mía được hơn hai tháng tuổi, đang phát triển tốt, ông Đinh Văn Nho, ở xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, lo lắng cho biết: “Vụ này gia đình tôi bán mía được 1.000 đồng/kg, cũng có lời. Nhưng trước tình hình khó khăn của ngành mía đường hiện nay, chúng tôi rất lo lắng cho vụ mía tới, vì đường tồn, giá giảm, sẽ ảnh hưởng tới giá thu mua mía”. Theo thống kê, từ đầu năm 2018 đến nay, giá đường tại tỉnh Hậu Giang giảm xuống chỉ còn 12 đến 12,5 nghìn đồng/kg. Với mức giá này thì hầu hết các nhà máy đường đều bị lỗ. Lý giải tình trạng đường tồn kho nhiều, ông Phạm Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), cho rằng, thông thường vào thời điểm cuối năm, các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo đẩy mạnh mua tạm trữ đường để chuẩn bị cho vụ sản xuất mới. Tuy nhiên, năm 2018 nhiều doanh nghiệp có tâm lý chờ giá đường giảm do kỳ vọng mức thuế nhập khẩu giảm. Việc doanh nghiệp tiêu thụ đường chậm mua vào đã làm cho sản lượng tồn kho của Casuco vào khoảng 30 nghìn tấn.

Cần đổi mới công nghệ sản xuất

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, một trong những nguyên nhân dẫn đến lượng đường tồn kho lớn là do đường nhập lậu với giá rẻ tràn vào thị trường trong nước hàng trăm nghìn tấn khiến việc tiêu thụ đường của các nhà máy gặp khó khăn. Hơn nữa, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) cũng bắt đầu tác động mạnh đến ngành mía đường trong nước. Ngoài những nguyên nhân nêu trên thì ngành mía đường nước ta cũng còn vô số những khó khăn, bất cập do diện tích nhỏ lẻ, manh mún với bình quân dưới 1 ha/hộ, cho nên việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa gặp nhiều khó khăn dẫn đến năng suất và chất lượng kém hơn, làm giá thành mía tăng cao. Bên cạnh đó, nhiều nhà máy đường có công suất ép nhỏ, trang thiết bị lạc hậu khiến đội giá thành sản phẩm, gây khó khăn trong việc cạnh tranh với đường của một số nước có thế mạnh trong lĩnh vực này.

Trước những khó khăn của ngành mía đường, ngay từ đầu vụ, UBND tỉnh Phú Yên đã có công văn yêu cầu các sở và UBND các huyện, thị xã, thành phố và các nhà máy chế biến đường phối hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong chế biến đường và những hộ trồng mía trên địa bàn. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa và Công ty TNHH công nghiệp KCP Việt Nam tích cực nghiên cứu hợp tác với các doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ đường; liên kết khép kín sản xuất, tiêu thụ; phát triển sản phẩm sau đường, đa dạng hóa sản phẩm từ cây mía; hình thành vùng thâm canh mía tập trung, quy mô lớn, áp dụng cơ giới hóa... nhằm giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trước sức ép của đường ngoại nhập. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ chế thu mua mía nguyên liệu hợp lý nhằm hỗ trợ, chia sẻ lợi nhuận với người nông dân trồng mía để bảo đảm mức thu nhập tối thiểu cho nông dân trồng mía.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Casuco Phạm Quang Vinh cho rằng, nhà máy và nông dân trồng mía có mối quan hệ hữu cơ với nhau. Nhưng lâu nay gần như nông dân “tự bơi” là chính, cho nên không thể quyết định được chất lượng, giá thành sản xuất. Quan trọng bây giờ là chúng ta phải bắt tay vào tổ chức sản xuất như thế nào để cạnh tranh và hội nhập. Muốn nâng năng suất, chất lượng mía thì cần hướng dẫn nông dân sản xuất và việc này đòi hỏi doanh nghiệp, địa phương và nông dân, ba bên phối hợp chặt chẽ. Nếu quyết định làm sai hướng thì không có thời gian để sửa chữa.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Đồng, hiện nay giống mía và CCS của chúng ta không thua Thái-lan. Nhưng cái yếu nhất là hạ tầng vùng nguyên liệu, chưa cơ giới hóa được trong khâu thu hoạch. Thu hoạch thủ công chiếm khoảng 30% giá thành dẫn đến giá đường bán ra tăng theo. Để cạnh tranh được với đường của các nước, Hậu Giang đã đề ra lộ trình nhằm đưa giá thành sản xuất mía xuống còn 500 đồng/kg. Thời gian qua, Hậu Giang cũng đã đầu tư về hạ tầng giao thông vùng mía nguyên liệu cơ bản hoàn chỉnh, chỉ cần thêm khoảng 20 tỷ đồng làm tốt hệ thống thủy lợi nội đồng. Đồng thời, tiếp tục quy hoạch theo hướng giảm diện tích mía xuống còn khoảng 9.000 ha, bảo đảm đáp ứng nhu cầu cho ba nhà máy đường trên địa bàn. Song song đó, ngành nông nghiệp phối hợp cơ quan liên quan kêu gọi các nhà quản lý, nhà khoa học thực hiện đề tài về cơ giới hóa, nhất là khâu thu hoạch. Mặt khác, Hậu Giang cũng xác định, chỉ có xây dựng các cánh đồng lớn, từ đó nhằm áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng mía để tiến tới hội nhập.

Để giải quyết vấn đề này, ngành mía đường cần đổi mới để chủ động hội nhập và hướng đến xuất khẩu. Trên thực tế, hiện nay đã có một số doanh nghiệp sản xuất đường trong nước đã xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, cần khuyến khích doanh nghiệp thu mua đường trong nước để đẩy mạnh xuất khẩu. Mặt khác, để ngành mía đường có thể cạnh tranh sòng phẳng với đường các nước trong khu vực và trên thế giới cũng như hướng đến xuất khẩu, về lâu dài thì các doanh nghiệp sản xuất đường cần có giải pháp đồng bộ từ giống, quy trình canh tác, đẩy mạnh cơ giới hóa để giảm chi phí, hạ giá thành đường; vận động đưa nông dân vào hợp tác xã để hình thành cánh đồng lớn, tạo điều kiện áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng mía; xây dựng vùng nguyên liệu gắn với liên kết sản xuất. Sớm có đề án tái cơ cấu ngành mía đường; có những định hướng lâu dài cho ngành mía đường phát triển.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam Phạm Quốc Doanh, từ đầu niên vụ mía 2017 - 2018 đến nay, cả nước ép được hơn 550 nghìn tấn đường, trong đó tồn kho gần 400 nghìn tấn.

Bài, ảnh: HOÀNG HÙNG và KẾ DŨNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/35759702-duong-ton-kho-tang-doanh-nghiep-va-nong-dan-gap-kho.html