'Dương tính chưa chắc mắc bệnh bạch hầu'

Ông Nam cho hay trong cộng đồng có những người lành mang trùng. Khi dương tính với vi khuẩn bạch hầu, không hẳn họ sẽ mắc bệnh.

Chỉ trong thời gian ngắn, Việt Nam đã ghi nhận số ca bạch hầu tăng nhanh tại 4 tỉnh, thành phố đồng thời 3 ca tử vong cũng được ghi nhận.

Trao đổi với Zing sáng 7/7, Ths.BS Đinh Hà Nam - Phó giám đốc Sở Y tế Gia Lai - nhận định tình hình dịch bạch hầu tại địa phương không bất thường.

Số lượng người dương tính nhiều hơn những năm trước

Theo ThS.BS Đinh Hà Nam, năm 2020 số lượng người dương tính với vi khuẩn bạch hầu cao hơn so với năm trước.

Ngoài ra, năm 2019 không có ca tử vong còn năm nay, Gia Lai đã có một bệnh nhi đầu tiên tử vong do biến chứng bạch hầu. Đó là bé V. (dân tộc Ba Na, 4 tuổi, ngụ xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa) tử vong vào lúc 2h30 sáng 5/7.

Ông Nam cho hay trong cộng đồng có những người lành mang trùng. Họ được gọi là người dương tính với vi khuẩn bạch hầu.

Tuy nhiên, dương tính với bạch hầu chưa hẳn sẽ mắc bệnh này. Bác sĩ cần kết hợp kết quả xét nghiệm dương tính với các triệu chứng của bệnh (ho, sốt, đau họng, hầu họng có màng trắng…) để kết luận người đó có mắc bệnh bạch hầu hay không.

Ông Nam cũng đánh giá số lượng người mắc bạch hầu tại Gia Lai không cao hơn nhiều so với năm trước. Hiện 9 ca dương tính mới phát hiện đều được theo dõi lâm sàng để xử lý kịp thời.

 Ngành y tế tổ chức khám sàng lọc và điều trị dự phòng cho người dân làng Bông Hiot (xã Hải Yang, huyện Đak Đoa) trong chiều 4-7. Ảnh: Như Nguyện.

Ngành y tế tổ chức khám sàng lọc và điều trị dự phòng cho người dân làng Bông Hiot (xã Hải Yang, huyện Đak Đoa) trong chiều 4-7. Ảnh: Như Nguyện.

Diễn biến dịch không bất thường

Đại diện Sở Y tế Gia Lai nhận định diễn biến dịch tại địa phương này không bất thường.

“Nguyên nhân là vaccine sẽ trung hòa với độc tố của vi khuẩn bạch hầu mà không giết chết nó. Do đó, sẽ có người lành mang trùng, dẫn tới bệnh bạch hầu có thể tồn tại rải rác trong cộng đồng”, bác sĩ Nam cho hay.

Năm nay, lứa tuổi mắc bạch hầu tại Gia Lai khá rộng, trong đó trẻ em dưới 15 tuổi chiếm tỷ lệ dưới 50%. Hiện không xác định được đường lây nhiễm của bệnh. Những năm trước dịch cũng xuất hiện rải rác trong năm, không tập trung trong một thời điểm cụ thể.

Bác sĩ Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai, cho biết thêm bệnh bạch hầu xuất hiện ở vùng sâu vùng xa, nơi không tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó giám đốc Sở Y tế Đắk Nông, thông tin thêm các nguồn lây bạch hầu đã có sẵn trong cộng đồng nên đến đầu mùa mưa, thời tiết lạnh, ẩm thấp tạo điều kiện thuận lợi để bệnh phát triển. Đại diện Sở Y tế Đắk Nông cũng nêu thực tế những khu vực xuất hiện bệnh đa số là người dân tộc, không được tiêm vaccine.

Ông Viên Minh Chiến, Viện trưởng Viện vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên cho biết 92% người bị bạch hầu đều là người dân tộc thiểu số và không được tiêm chủng phòng bệnh.

Trước những diễn biến của bệnh bạch hầu, bác sĩ Đinh Hà Nam cũng khuyến cáo người dân tuân thủ theo những quy định đã ban hành về phòng chống dịch bạch hầu. Trong đó, biện pháp tốt nhất là tiêm phòng vaccine.

Theo HCDC, bên cạnh việc tiêm vaccine, để phòng bệnh bạch hầu, đối với người bệnh thì cách ly ít nhất 2 ngày sau khi điều trị kháng sinh thích hợp và đeo khẩu trang khi tiếp xúc. Ngoài ra, cần phải vệ sinh phòng ở, đồ dùng cá nhân, đồ chơi bằng dung dịch sát khuẩn, bát đũa…

Thu Hòa

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/duong-tinh-chua-chac-se-mac-benh-bach-hau-post1103770.html