Đường Thủ đô ùn tắc vì loạn chợ cóc, chợ tạm giáp Tết

Những ngày sát Tết Âm lịch, lưu lượng hàng hóa mua bán ngày một tăng cao, nhiều hộ kinh doanh sử dụng vỉa hè làm nơi tập kết bày bán các mặt hàng để hút khách. Đây cũng là nguyên nhân gây ra ùn tắc kinh hoàng trên nhiều tuyến phố.

Phố Chùa Bộc (phường Trung Tự, Đống Đa) ùn tắc vì bị chiếm dụng vỉa hè bán quần áo. Ảnh: Trần Hoàng

Phố Chùa Bộc (phường Trung Tự, Đống Đa) ùn tắc vì bị chiếm dụng vỉa hè bán quần áo. Ảnh: Trần Hoàng

Ghi nhận của PV Tiền Phong tại phố Chùa Bộc, Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa) lúc 15h chiều ngày 12/1, tuy không phải giờ cao điểm nhưng tuyến phố vẫn bị ùn tắc. Nguyên nhân là gần như tất cả các cửa hàng quần áo bên dãy số lẻ phố Chùa Bộc đều mang giá treo, quần áo ra vỉa hè bày bán. Những biển hiệu giảm giá thu hút người tiêu dùng, nhiều người bỏ xe ở lòng đường vào mua hàng khiến lòng đường càng bị thu hẹp, ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

Các “chợ hoa”, “chợ cóc, chợ tạm” cũng được dịp mọc ra nhan nhản, như tại ngõ 92 phố Lương Yên, đoạn ngã ba Lương Yên - đê Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng); cuối phố Hào Nam (quận Đống Đa); Cầu Đen (quận Hà Đông)… Đặc biệt khu vực Cầu Đen, người bán đào, quất bày hàng kín 2 bên mặt cầu, kéo dài xuống đường Tô Hiệu, Nguyễn Trãi. Trên tuyến phố Thanh Nhàn đoạn qua nhà tang lễ và Bệnh viện Thanh Nhàn ùn tắc kinh hoàng do toàn bộ vỉa hè hai bên đường đã bị chiếm dụng kinh doanh. Hàng quán ùn ùn đổ ra nhiều tuyến vỉa hè bày bán đủ loại hàng hóa.

“Tháo khoán” lòng đường, vỉa hè?

Tại lễ ra quân Năm An toàn giao thông 2019 và đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông Tết Nguyên đán Canh Tý và lễ hội Xuân 2020, UBND thành phố đã giao Sở Giao thông - Vận tải, Công an thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát các điểm thường xuyên ùn tắc giao thông. Đặc biệt, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu để xảy ra các vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường, hè phố.

Đại diện một phường của quận Đống Đa nêu khó khăn, cuối năm các lực lượng căng mình đi tuyên truyền, xử lý, giải tỏa, thu giữ hàng hóa. Dù đã xử phạt nhiều nhưng cứ khi lực lượng chức năng dời đi thì đâu lại vào đấy.

Tại các quận, huyện, cơ quan chức năng đang tiến hành ra quân, xử lý các trường hợp chiếm dụng vỉa hè, lòng đường.

Bà Nguyễn Thu Ánh, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hai Bà Trưng cho biết, việc kiểm tra, xử phạt vi phạm lấn chiếm hè, đường để buôn bán là nhiệm vụ thường xuyên của quận chứ không chỉ trong dịp Tết. Việc này đã được giao cho các phường phụ trách địa bàn thực hiện. Dịp Tết, UBND quận, Công an quận Hai Bà Trưng đã có kế hoạch kiểm tra việc xử lý của các phường. “Ngày 18/1 tới đây, liên ngành do Công an quận chủ trì sẽ tiến hành kiểm tra việc này”, bà Ánh nói.

Tại quận Hoàn Kiếm, Trung tá Nguyễn Thành Công, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự cơ động Công an quận này cho biết, công an quận đã phối hợp với công an các phường duy trì tổ công tác nhắc nhở các hộ kinh doanh bảo đảm trật tự đô thị, đồng thời xử lý những trường hợp chợ tự phát lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Trong đợt cao điểm, đã xử lý 1.614 trường hợp về trật tự đô thị, trật tự giao thông. Riêng trật tự đô thị đã xử lý 284 trường hợp, phạt gần 400 triệu đồng.

Thời gian tới, UBND các quận yêu cầu các phường rà soát, thống kê toàn bộ “chợ tạm, chợ cóc” và lên kế hoạch giải tỏa từng điểm, bàn giao lại cho khu dân cư tự quản lý.

Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, tình trạng hàng quán bung ra lấn chiếm lòng đường vỉa hè dịp giáp Tết cho thấy có dấu hiệu “tháo khoán” của lực lượng chức năng tại các phường, quận. Nhiều nơi hàng quán lấn chiếm nằm ngay gần trụ sở UBND phường, công an phường, điểm chốt tuần tra...

Sở Công Thương Hà Nội cho biết, hiện Hà Nội còn 51 điểm “chợ cóc, chợ tạm”. Dịp Tết, do nhu cầu mua sắm tăng cao nên tại các đường, phố, ngõ nhỏ của Hà Nội đã hình thành thêm nhiều nhóm chợ tự phát, gây ô nhiễm môi trường và ách tắc giao thông.

HIỂU MINH

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/nhip-song-thu-do/duong-thu-do-un-tac-vi-loan-cho-coc-cho-tam-giap-tet-1510008.tpo