Đường ta đi xanh thắm mộng đời

Không có một cá thể con người nào sống ở trên đời này mà không ấp ủ một suối nguồn hạnh phúc cả'- Georges Duhamel (1884 - 1966)

1. Nhạc sỹ Văn Ký với bài hát được nhiều người Việt Nam yêu thích – bài “Bài ca hy vọng” – đã để lại cho đời một nhân sinh quan tuyệt vời, một thế giới quan tràn ngập niềm tin, niềm hy vọng vào một xã hội chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Nhân sinh quan ấy là: “Đường ta đi xanh thắm mộng đời”. Thế giới quan ấy là: “Đường ta đi xanh thắm mộng đời”. Khi các bạn nước ngoài, đặc biệt là những người Pháp khi nghe lời bài hát ấy được dịch ra tiếng Pháp họ đều trầm trồ khen ngợi: “Thật đúng là Tư tưởng của Paul Éluard”. Tư tưởng lớn của nhà thơ Pháp này là: “Cho dù gặp phải hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn giữ niềm mơ ước” (Quoi qu'il arrive, nous rêvons). Phải giữ vững niềm mơ ước, phải giữ vững giấc mộng xanh cho mỗi cuộc đời. Gabriel Marquéz, nhà thơ được giải thưởng Nobel đã từng khẳng định: “Không phải người ta già nên hết ước mơ mà chính vì hết ước mơ nên người ta mới già”. Hoan hô Marquéz về cái định nghĩa về tuổi già thật mới lạ, thật cập nhật, thật thực tế là: “Tuổi già chỉ dành cho những ai đã hết ước mơ”.

2. Bàn luận về những “giấc mộng đời”:

Giấc mộng đời dù to, dù nhỏ bắt buộc phải xẩy ra dù con người có mong muốn hay không, có thích hay không, có chọn lựa hay không.

Thi sỹ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889 – 1939) đã từng khẳng định: “Nghĩ đời lắm lúc không bằng mộng / Tiếc mộng bao nhiêu lại ngán đời”. Vì vậy có nhiều người mong đừng tỉnh mộng quá sớm, đừng thức dậy quá nhanh khi giấc mộng vàng chưa hoàn thành, chưa đến hồi kết, chưa hưởng trọn ái ân hạnh phúc trong mộng tưởng.

Thế thì những giấc mộng vàng tốt hơn, đẹp hơn, thú vị hơn cuộc sống hàng ngày có tác dụng gì? Xin chớ bỏ qua những giấc mộng ấy, có nhiều tác dụng lắm đấy !

Nhà văn lớn Jules Renard đã từng khuyên con người: “Anh cứ nên mơ mộng đến những việc to lớn đi, như thế anh cũng làm được một việc nhỏ bé” (Rêve de grandes choses, cela le permettre d'en faire au moins de toutes petites). Câu này rất chuẩn, bởi vì anh không dám mơ ước đến một việc gì cả thì anh là hạng người nào? Napoléon đệ nhất đã từng phát hiện: “Không có một người binh nhì nào mà đêm nằm ngủ không mơ mình trở thành Đại tướng”. Đây là một phát hiện tài tình của một vĩ nhân của mọi thời đại, vì ông đã biết được cái lòng khát khao, cái tham vọng bản năng của con người. Đấy là tham vọng bản năng, khát khao vật chất tầm thường. Đến chúng ta, những con người văn minh hiện đại sống trong thời đại 4.0, ta phải nâng chất lượng những giấc mơ, chất lượng các niềm mơ ước trở thành một đường lối suy nghĩ, một con đường hành động, cao quý, trí tuệ và thiết tha “xanh thắm mộng đời”. Cái vũ khí của “đường ta đi xanh thắm mộng đời” chính là sự lạc quan, yêu đời, thiết tha với cuộc sống.

3. Lạc quan, yêu đời, thiết tha với cuộc sống:

Trước hết cần quán triệt rằng: 7 tỷ con người đang có mặt trên hành tinh này (đến năm 2018) là 7 tỷ hy vọng sống, 7 tỷ ước mơ, 7 tỷ “xanh thắm mộng đời”.

Đúng như Georges Duhamel (1884 – 1966) đã nhận định: “Không có một cá thể con người nào sống ở trên đời này mà không ấp ủ một suối nguồn hạnh phúc cả” (Il n'est pas un objet au monde qui ne soit une source de bonheur). Cao quý thay phát biểu đầy tính người, đầy tính nhân văn, đầy lòng nhân ái của Duhamel. Đây chính là các chính sách lớn, các tuyên ngôn lớn của Liên Hiệp quốc từ ngày thành lập đến nay. Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hiệp quốc đảm bảo rằng: “Sẽ bảo vệ quyền sống, quyền ước mơ của mỗi một con người trên trái đất này vì chúng ta đều bình đẳng”. Tuy nhiên, tùy theo chế độ chính trị xã hội của từng nước, cộng thêm các nền kinh tế, khoa học kỹ thuật không đồng đều nên vẫn phân ra nước phát triển và nước đang phát triển, nước chậm phát triển và nước phát triển quá nhanh, quá nóng. Vì thế từng con người phải tự xây dựng cho mình một cách suy nghĩ về ước mơ “xanh thắm mộng đời” với sự nhấn mạnh đến tính lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống hiện tại.

Fréderick Langbridge thật quá tài tình khi ông phát hiện ra hai kẻ khác nhau, cùng nhìn qua song cửa, nhưng lại nhìn thấy những điều khác nhau: “Hai kẻ cùng nhìn qua song cửa / Kẻ thấy bùn đen, kẻ thấy sao” (Two men look out through the same bars / One see the mud, and one the stars). Vĩ đại thay việc phát hiện ra các cách nhìn, các góc nhìn (point of view), các khía cạnh nhìn từ cuộc sống. Mệnh đề triết học này của Langbridge rất hay, rất thực tế, nhắc ta nhớ lại lý thuyết “Nửa cốc nước” được phát hiện từ thế kỷ trước. Khi được phát nửa cốc nước, người bi quan chán nản thở dài: “Ôi dào, tưởng gì chứ chỉ có nửa cốc nước thì làm sao đã cơn khát bây giờ”, người lạc quan vui mừng hớn hở: “Sướng quá, được những nửa cốc nước cơ à?”. Vậy ai khôn hơn ai?
Khi con tàu Titanic sắp đắm, nhiều người thất thần, lo sợ, hoảng loạn và họ đều chết. Cũng trong tình cảnh đó, có hai ông bà già, bình thản vẫn nằm trên giường, cùng nắm tay nhau, cùng cầu nguyện, yên tâm và bình thản đi sang thế giới bên kia.

Gần đây nhất là câu chuyện của Đội bóng thiếu niên Thái Lan bị mắc kẹt trong hang núi nhiều ngày. Nhờ khả năng rèn luyện thân thể tốt lại được huấn luyên viên trực tiếp chia sẻ giúp cả đội bình thản an tâm chờ ngày được giải cứu nên đã thoát chết một cách rất kỳ diệu.

Cao cả thay, kỳ diệu thay sự lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống giúp cho con người vượt qua được mọi thử thách gian lao, chấp nhận mọi rủi ro, bình thản vượt qua, bình thản chịu đựng nếu không thay đổi được tình thế. Họ không chấp nhận sự hèn đớn, van nài, kêu la đau đớn vốn là bản năng kém cỏi của con người. Về điều này, Voltaire vĩ đại đã phân tích: “Con người thích rên rỉ, có người luôn phàn nàn oán trách, nhưng chính con người cũng có cái thèm khát được sống” (On aime murmurer, il y a du plaisir ā se plaindre, mais il y en a plus ā vivre). Như vậy, cái khát khao sống đã chiến thắng cái phàn nàn, oán thán, rên rỉ, khóc than. Chính cái khát khao sống đã tạo ra niềm vui, tiếng hát, ánh sáng trong từng con người, từng gia đình, từng tập thể con người.

Michel de Saint Pierre đã phát hiện: “Người lạc quan là người đã nhìn thấy ánh sáng trong bóng tối” (Un optimiste est peut-être un homme qui voit une lunìere ōu il n'y en a pas).

Đại văn hào Cervantès đã phát hiện: “Người nào biết cách hát ca thì sẽ xua đuổi được bệnh tật đi” (He who sings frightems away his ills).

Nhà văn Herbert đã phát hiện: “Một cái nhìn vui vẻ đã biến một món ăn thành một bữa tiệc” (A cheerful look makes a dish a feast).

Nhà văn vĩ đại Thackeray đã phát hiện: “Một nụ cười tươi là mặt trời ở trong nhà” (A good laugh is sunshine in house).

Hoan hô những phát hiện của các bậc thầy về tâm lý, về triết học, về văn chương chữ nghĩa đã giúp chúng ta tìm được những kỹ năng sống giản dị, dễ hiểu, dễ làm mà lại đạt được những kết quả tốt đẹp trong cuộc sống hàng ngày. Cuộc đời vốn đã như vậy, không quá tốt nhưng cũng không quá xấu. Chỉ đáng tiếc là cái tốt và cái xấu cùng đồng hành, cùng diễn ra từng ngày, từng giờ trong mọi ngõ ngách của cuộc đời. Chính điều này buộc mỗi chúng ta phải chuyên tâm rèn luyện cách học làm người, học làm người lao động bình thường lương thiện và có thừa bản lĩnh vượt qua mọi khó khăn gian khổ. Có như thế ta mới hòa nhập được vào một Tương lai tốt đẹp “xanh thắm mộng đời”.

Xin mượn nội dung bài thơ đầy lạc quan của thi sỹ André Chénier để kết thúc bài viết: “Chính chúng ta hay mua sầu, chuốc khổ / Trên đường đời, nên cấy những hoa tươi” (Dans le champs de la vie il faut semer des fleurs / Et c'est nous trop souvent qui faisons nos malheurs).

Trần Hữu Thăng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/duong-ta-dixanh-tham-mong-doi-tintuc416064