Đường sắt tụt hậu cũng là một sự lãng phí nguồn lực

Hiệu quả đầu tư cho đường sắt không thể chỉ đánh giá thông qua hoạt động kinh doanh vận tải mà nó còn tác động đến sự phát triển kinh tế vùng miền, kết nối các phương thức vận tải của một quốc gia... Tuy nhiên, hệ thống đường sắt Việt Nam đã lạc hậu, điều này đòi hỏi đường sắt phải được cải tạo, xây dựng mới để phát triển.

Đường sắt Việt Nam ra đời từ năm 1881, trải qua 140 năm hình thành và phát triển, đường sắt đã khẳng định vị thế của một loại hình giao thông quan trọng trong hệ thống giao thông của đất nước.

Từng được coi là phương thức vận tải ra đời sớm và hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á, tuy nhiên, đến nay, hệ thống hạ tầng đường sắt không những lạc hậu, xuống cấp do không được đầu tư đúng mức mà còn phải đối mặt với tình trạng xâm lấn hành lang an toàn giao thông.

Tại tọa đàm “Thách thức và cơ hội phát triển cho ngành đường sắt Việt Nam”, tổ chức ngày 25/3, chỉ ra nguyên nhân khiến cho ngành đường sắt Việt Nam bị “tụt hậu”, ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng công ty đường sắt Việt Nam cho biết: Đường sắt xây dựng cách đây 140 năm, sử dụng nền tảng công nghệ ban đầu là máy hơi nước và công nghệ thứ 2 là công nghệ diesel. Như vậy rõ ràng, nền tảng công nghệ cách đây khá lâu và khá cũ kỹ.

Các chuyên gia, khách mời chia sẻ quan điểm tại tọa đàm “Thách thức và cơ hội phát triển cho ngành đường sắt Việt Nam”. Ảnh: Đinh Luyện

Các chuyên gia, khách mời chia sẻ quan điểm tại tọa đàm “Thách thức và cơ hội phát triển cho ngành đường sắt Việt Nam”. Ảnh: Đinh Luyện

Thêm vào đó, thời gian qua, chúng ta không xây dựng các tuyến mới, không cải tạo, nâng cấp mà chỉ duy tu, bảo trì để đảm bảo hoạt động. Ngoài ra, nhu cầu luân chuyển hàng hóa thời điểm xây dựng tính trong 50 năm tiếp theo không thể đáp ứng nhu cầu hiện tại.

Tại tọa đàm, các chuyên gia đều thống nhất quan điểm, để đường sắt tụt hậu cũng là một sự lãng phí nguồn lực của đất nước. Hệ thống đường sắt Việt Nam đã lạc hậu, phải được cải tạo, xây dựng mới để phát triển. Để giải quyết được những “nút thắt” đòi hỏi phải có sự hoạch định rõ ràng hơn trong công tác phân bổ nguồn vốn, hướng đầu tư phát triển, sự quan tâm đầu tư về hạ tầng…

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/duong-sat-tut-hau-cung-la-mot-su-lang-phi-nguon-luc-120682.html