Đường sắt làm siêu chậm, trả tiền siêu nhanh: Phạt được không?

Việc thanh toán được hai bên tiến hành theo hợp đồng ký kết từ trước, tuy nhiên với một dự án chậm hơn một thập kỷ thì lại gây bức xúc.

Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT), hiện dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã thanh toán cho tổng thầu Trung Quốc 509/644 triệu USD, tương đương 79% giá trị hợp đồng.

Theo hợp đồng ký kết, khi dự án được đưa nghiệm thu, đưa vào sử dụng sẽ thanh toán cho tổng thầu đến 95% giá trị (tương đương tăng thêm 105 triệu USD); 5% còn lại là giá trị bảo hành dự án.

Việc thanh toán khối lượng thi không sẽ không có gì phải lăn tăn nếu như tiến độ dự án đáp ứng được yêu cầu, kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã kéo dài hơn một thập kỷ, nhiều lần lỡ hẹn vận hành, gây nhiều bức xúc trong xã hội. Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng, tổng thầu không thực hiện đúng cam kết về tiến độ, chất lượng thì phải có hình thức phạt.

Tuy nhiên, ở chiều khác, một số ý kiến cho rằng không dễ gì phạt được tổng thầu Trung Quốc.

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thám, nguyên Trưởng Bộ môn Công nghệ và Xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội, dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông chậm tiến độ có phải do lỗi của tổng thầu Trung Quốc không hay còn do nhiều yếu tố khác,điều này cần phải được làm cho rành rẽ.

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã thanh toán cho tổng thầu Trung Quốc 79% giá trị hợp đồng

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã thanh toán cho tổng thầu Trung Quốc 79% giá trị hợp đồng

"Cái khó là phải trả lời được câu hỏi ấy, chậm là do ai? Còn không, nhà thầu hoàn toàn có thể đổ cho nhiều lỗi khách quan khác hoặc do chính ban quản lý dự án, tiến độ thanh toán và khối lượng thanh toán phải theo hợp đồng đã ký kết.

Cho tới nay nhà thầu đã hoàn thành 99% khối lượng dự án, chỉ còn nghiệm thu và đưa vào vận hành, mà phần nghiệm thu này chúng ta đang vướng mắc, chưa thống nhất được.

Nói như vậy cũng để thấy hợp đồng khi ký có sự lỏng lẻo, các điều khoản trong hợp đồng có nhiều điểm chưa rõ ràng, chẳng hạn như chế tài xử lý, bây giờ lại không lý giải rành rẽ được lý do tại sao chậm tiến độ, chậm do ai... thì không thể xử phạt được nhà thầu.

Đây cũng là điều thường thấy ở các dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA: người vay luôn ở trong thế khó, vừa phải chịu sức ép từ vốn vay và lãi ODA vừa phải chịu sức ép chậm tiến độ dự án khi phía nhà thầu nước ngoài luôn tìm mọi cách không hoàn thành", PGS.TS Nguyễn Đình Thám nói và đề nghị cần phải làm rành mạch, nếu Ban Quản lý dự án đường sắt không trả lời được thì Bộ GTVT phải đứng ra xử lý.

Cũng từ đây, vị chuyên gia chỉ ra một tình trạng phổ biến ở Việt Nam, đó là: cam kết tiến độ thì cứ cam kết, nhưng lúc chậm tiến độ thật thì không xử được ai, thậm chí còn bị nhà thầu dẫn dắt.

"Điểm không chặt chẽ chính là ở chỗ này. Phải coi tiến độ là tiến độ pháp lý, tức khi các bên ký kết hợp đồng với nhau, trong đó có điều khoản về tiến độ, thì tiến độ ấy phải có giá trị về mặt pháp lý nhất định, các bên phải tuân thủ để đạt được.

Thế nhưng, bởi tính pháp lý chưa chặt chẽ, tiến độ đó không phải là tiến độ pháp lý, nó bị du di đi thì chẳng biết đi đến đâu. Đấy chính là sự sơ hở của hợp đồng dẫn đến tình trạng như hiện nay. Những tồn tại dẫn đến chậm trễ vẫn chưa được sửa chữa dứt điểm khiến dự án chưa thể vận hành", PGS.TS Nguyễn Đình Thám nhấn mạnh.

Đối với dự án này, theo ông, cần phải có quyết tâm mới có thể đưa vào vận hành được, còn nếu cứ để đấy "đẽo cày giữa đường", tiền cứ mất, mà càng để lâu càng mất nhiều, lãi mẹ đẻ lãi con.

Cùng chia sẻ quan điểm không thể xử phạt được tổng thầu Trung Quốc, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cho rằng, lý do khiến dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông kéo dài hơn một thập kỷ vẫn chưa thể vận hành chủ yếu nằm ở vấn đề quản lý.

"Vốn ODA của Trung Quốc được vay về để làm dự án Cát Linh-Hà Đông, nhưng có thực sự chỉ dùng có mỗi dự án đó hay phải chia năm xẻ bảy, cuối cùng khi dự án chính thiếu tiền, không có vốn để trả cho tổng thầu. Tổng thầu vì thế không có tiền để trả cho công nhân, phải đi vay ngân hàng, cuối cùng đội vốn lên.

Ở đây là vấn đề quản lý theo kiểu chuyện nọ xọ chuyện kia, không thể đổ hết lỗi cho tổng thầu", PGS.TS Nguyễn Lê Ninh nói.

Vào năm 2019, báo cáo Quốc hội về dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông, Bộ GTVT cho biết, dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông gặp nhiều khó khăn làm chậm tiến độ và tăng tổng mức đầu tư, như giải phóng mặt bằng chậm ảnh hưởng không nhỏ đến khảo sát, thiết kế, thi công và điều chỉnh dự án chậm; quy định của Việt Nam về hình thức hợp đồng EPC chưa rõ ràng, có nhiều khác biệt với thông lệ quốc tế nên hợp đồng EPC ký kết ban đầu chưa hoàn chỉnh, thiếu chặt chẽ, chưa đúng với bản chất hợp đồng EPC;

Dự án được sử dụng nguồn vốn ODA của Trung Quốc, có tính chất đặc thù, kỹ thuật cao, công nghệ hoàn toàn mới và lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam nên phía Việt Nam chưa kiểm soát được kỹ thuật công nghệ…

Mặt khác, quá trình thực hiện dự án của tổng thầu còn bộc lộ nhiều hạn chế trong chỉ đạo, điều hành và quản lý, phụ thuộc nhiều vào các đơn vị liên kết; chưa thực hiện các yêu cầu của chủ đầu tư nên thường xuyên chậm trễ hoàn thành các hạng mục theo mốc tiến độ đã cam kết.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/duong-sat-lam-sieu-cham-tra-tien-sieu-nhanh-phat-duoc-khong-3399586/