Đường sắt Cát Linh – Hà Đông sẽ hoạt động thế nào?

Mức giá vé đi tuyến Cát Linh - Hà Đông sẽ do UBND Tp. Hà Nội quyết định theo hướng làm sao để cạnh tranh với phương tiện cá nhân và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải công cộng.

Bên trong toa tàu được bố trí rất khoa học, hiện đại. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Tại buổi tọa đàm “Tuyến đường sắt trên cao đầu tiên tại Hà Nội sẽ hoạt động thế nào?” do Báo Giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) tổ chức ngày 10/8, tại Hà Nội đã cung cấp những thông tin mới nhất về tuyến đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông sẽ được vận hành thương mại thời gian tới. Bên cạnh đó, đề cập các phương án để người dân có thể tiếp cận loại hình giao thông này dễ dàng, hiệu quả, an toàn cũng đã được các cơ quan chức năng giải đáp thẳng thắn.

Theo ông Vũ Hồng Phương, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải), hiện nay toàn tuyến của dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông đã cơ bản hoàn thành phần xây dựng, đạt trên 96%. Còn một số hạng mục xây dựng đang được hoàn thiện trong giai đoạn sau khi lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống thiết bị chuyên ngành. Hiện nay, dự án đã nhập về công trường trên 95% trang thiết bị và lắp đặt hoàn chỉnh gần 80%; trong đó, có một số thiết bị chuyên ngành chính liên quan đến hệ thống thiết bị điều khiển đoàn tàu.

“Chúng tôi cũng đang chỉ đạo tổng thầu thực hiện căn chỉnh, chạy thử cho từng chuyên ngành được lắp đặt hoàn chỉnh. Ngoài ra, còn một số hạng mục công tác hoàn thiện cũng đang gấp rút triển khai để vận hành trong thời gian tới”, ông Vũ Hồng Phương thông tin.

Về kế hoạch vận hành chạy thử, ông Vũ Hồng Phương cho hay, thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, ngày 1/8 vừa qua đã tiến hành thử cấp điện từ dây tiếp xúc cho đoàn tàu. Với phương pháp thử này, đoàn tàu đã được chạy trên toàn tuyến để kiểm tra nội dung cấp điện cho tàu. Cũng trong tuần qua, đơn vị đã cho kiểm tra hệ thống thông tin, hệ thống tín hiệu và một số các công việc liên quan hệ thống tín hiệu như các hạ tầng điều khiển đoàn tàu, thiết lập tuyến và đường chạy cho đoàn tàu.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ hoàn tất công tác kiểm tra cho các thiết bị, sau đó vận hành thử toàn tuyến. Kế hoạch này theo chỉ đạo cũng sẽ được thực hiện vào cuối tháng 8 này. Mọi công tác hiện đang được chuẩn bị một cách rốt ráo và đáp ứng yêu cầu của Bộ trưởng Giao thông Vận tải”, ông Vũ Hồng Phương khẳng định.

Một trong những nội dung được nhiều người dân quan tâm là công tác chuẩn bị vận hành về yếu tố con người, về công nhân kỹ thuật… cũng được đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt thông tin rõ ràng.

Cụ thể, về công tác chuẩn bị nhân sự, sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu vận hành thử kỹ thuật. Lực lượng chính và việc trực tiếp chỉ đạo là do tổng thầu, thông qua một đơn vị có kinh nghiệm. Giai đoạn hai là trong quá trình vận hành thử, Ban Quản lý dự án đường sắt và đơn vị vận hành đường sắt Hà Nội đưa lực lượng được đào tạo cho dự án vào cuộc để sau này tiếp nhận dự án và thực hiện vận hành trong giai đoạn vận hành, khai thác… Hiện nay, tất cả nhân sự được đào tạo cho dự án đã được đào tạo lý thuyết hoàn chỉnh. Thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện đào tạo, thực hành, sẽ tiếp nhận các chuyên ngành trong toàn dự án để sau khi dự án đảm bảo đủ điều kiện vận hành khai thác thì tiếp nhận lực lượng này.

“Sẽ có 681 nhân sự tham gia vào việc vừa đào tạo tại hiện trường vừa tiếp nhận dự án để sau này quản lý, vận hành và khai thác. Trong đó, trực tiếp đào tạo lực lượng cho dự án là 651, còn 30 nhân sự quản lý thông qua đào tạo. Lực lượng này được Ban Quản lý dự án đường sắt phối hợp với tuyển dụng, đào tạo và tới đây sẽ được đưa lên tuyến trong giai đoạn vận hành”, Ban Quản lý dự án đường sắt thông tin.

Giải đáp về các quy định về vận hành đường sắt trên cao, ông Khương Thế Duy, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, Bộ đã giao Cục Đường sắt Việt Nam trong năm 2018 xây dựng các văn bản liên quan đến đường sắt đô thị. Đến nay đã hoàn thành các hành lang pháp lý và quy chuẩn tiêu chuẩn. Hiện nay, một số nội dung liên quan đường sắt đô thị cũng đã cập nhật trong các văn bản pháp luật.

Một trong những nội dung cũng được đề cập nhiều tại buổi tọa đàm là vấn đề giá vé, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội làm rõ: theo khảo sát của doanh nghiệp, đa phần người dân có thể chấp nhận đi tuyến này giá vé lượt cao hơn buýt thông thường từ 35 - 37%. Tuy nhiên, đa phần mọi người thích sử dụng vé tháng hơn, và chấp nhận cao hơn 10 - 15% xe buýt.

“Còn về giá vé cụ thể, mức giá vé là do UBND Tp. Hà Nội quyết định theo hướng làm sao để cạnh tranh với phương tiện cá nhân và khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng. Tuy nhiên, giá vé sẽ được nhà nước trợ giá nên cũng sẽ không quá cao”, ông Vũ Hồng Trường khẳng định.

Về vấn đề đảm bảo an toàn khi vận hành đường sắt Cát Linh – Hà Đông, ông Vũ Hồng Phương cho hay, khi xây dựng tuyến đường sắt trên cao, các cơ quan chức năng đã tính toán kỹ để súc vật không tiếp cận được. Ngoài ra, trên tuyến cũng có hệ thống camera giám sát và tinh thần chung là đảm bảo an toàn cao nhất trong quá trình vận hành.

Về vấn đề kết nối của giữa đường sắt Cát Linh – Hà Đông với các loại hình phương tiện khác, đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, hiện nay, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông kết nối khá tốt với các tuyến buýt hướng ra ngoại thành theo các trục Quốc lộ 6, Quốc lộ 21B (như tuyến 72 Bến xe Yên Nghĩa - Xuân Mai, tuyến 37 Bến xe Giáp Bát - Chương Mỹ, tuyến 57 bến xe Nam Thăng Long - KCN Phú Nghĩa)...

“Sau khi đường sắt đô thị đi vào hoạt động, các tuyến buýt nói trên có vai trò gom khách cho tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông. Việc kết nối này sẽ được điều chỉnh lại. Nguyên tắc tổ chức lại mạng lưới xe buýt là cung cấp và giải tỏa tối đa hành khách của tuyến đường sắt đô thị tại các nhà ga, gom và cung cấp khách cho các tuyến buýt. Phương án đang được xây dựng là toàn bộ các nhà ga của tuyến đường sắt sẽ có kết nối với hệ thống xe buýt thành phố”, đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho hay.

Tuyến đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông có chiều dài hơn 13km, điểm đầu tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa (Hà Đông). Toàn bộ 12 nhà ga trên cao và khu Depot dưới mặt đất có đường ray đôi khổ 1.435mm.

Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa. Thời gian khai thác 3-5 phút/chuyến, tương lai 2 phút/chuyến. Tốc độ thiết kế tối đa 80 km/h, tốc độ khai thác bình quân là 35 km/giờ.

Dự án được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA của Trung Quốc. Gói thầu chính của dự án (thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp) do Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC./.

Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/duong-sat-cat-linh-ha-dong-se-hoat-dong-the-nao-/93110.html