Đường sắt Cát Linh - Hà Đông những ngày 'nước rút'

Tuyến đường sắt trên cao đầu tiên của Việt Nam, tuyến Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) sẽ vận hành thương mại vào tháng 4/2019, tức chỉ còn vài tuần lễ. Những hạng mục cuối cùng của dự án đang được hoàn tất để tàu lăn bánh.

Một số ý kiến đề xuất giá vé lên tàu nên ở mức 10.000 đồng/lượt

Một số ý kiến đề xuất giá vé lên tàu nên ở mức 10.000 đồng/lượt

Về giá vé, theo Tổng Giám đốc Metro Hà Nội, mức giá đề xuất cho tuyến đường sắt trên cao là hợp lí, thậm chí rẻ hơn đi Grab. Trong khi chuyên gia giao thông đô thị nói một lượt đi 15.000 đồng cộng thêm 50% tiền Nhà nước trợ giá nữa, như vậy là “quá đắt”?

Còn 1% khối lượng công việc

Theo Ban Quản lý dự án (PMU) Đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải – GTVT), đến đầu tháng 3/2019, khối lượng xây lắp dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành khoảng 99%; hiện đang vào giai đoạn nghiệm thu hoàn thành bộ phận, tiến tới nghiệm thu hoàn thành công trình. Theo tìm hiểu, việc xây lắp kỹ thuật của toàn bộ dự án đã hoàn thành, phần việc nhỏ còn lại đang được thực hiện là công tác lắp đặt, chỉnh trang hệ thống đường dẫn, nhà chờ.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Thái - Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý dự án 2 (PMU Đường sắt) cho biết, đơn vị này được giao phụ trách hiện trường dự án, đôn đốc tiến độ đường dẫn, phòng chờ, vệ sinh công nghiệp; hiện đơn vị này đang tiếp tục thực hiện các hạng mục nhỏ còn lại, sẽ hoàn thành trong thời gian ngắn tới đây.

Giới thiệu về hệ thống nhà ga, ông Thái cho biết, từ vỉa hè dẫn lên sảnh ga đều có thang máy và thang bộ. Thang máy lắp đặt ở vị trí đi lên, thang bộ lắp ở phần đi xuống. Riêng người khuyết tật có hệ thống tự động riêng. Tại các sảnh ga, được lắp đặt hệ thống quầy bán vé tự động. Vé này được thiết kế giống thẻ ATM.

Khi có vé, khách quẹt thẻ tại cổng kiểm soát vé tự động đặt tại sảnh để lên ke ga đợi tàu. Đến ga xuống, khách cũng quẹt thẻ để kiểm soát chiều ra. Hệ thống thu soát vé tự động tại một ga có năng lực soát vé từ 125 khách/phút trở lên; năng lực máy bán vé tự động tại một ga từ 40 người/phút trở lên.

Theo Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội), đơn vị sẽ được bàn giao quản lý, khai thác, vận hành tuyến đường sắt, tại các nhà ga sẽ có cây rút tiền tự động ATM, máy bán hàng tự động, cửa hàng ăn nhanh, cửa hàng tiện ích, cho thuê biển quảng cáo, tuyên truyền. Ngoài ra, đơn vị này cũng sẽ tổ chức điểm trông giữ xe máy, xe đạp tại mặt bằng các nhà ga để thuận tiện cho hành khách.

Như vậy, tuyến metro đầu tiên của Việt Nam coi như đã hoàn tất, chỉ chờ ngày vận hành, dự kiến sẽ bắt đầu trong tháng 4/2019. Theo dự kiến, đoàn tàu sẽ hoạt động từ 5h - 23h hàng ngày, chạy với vận tốc bình quân 35km/h; giờ cao điểm 6 phút/chuyến, giờ bình thường 10 phút/chuyến. Các tàu dừng tại các ga 25 - 35 giây để khách lên xuống. Mỗi đoàn tàu có 4 toa, sức chở tối đa 960 người và tổng thời gian đi toàn tuyến là 25,5 phút.

Đại diện Metro Hà Nội cho biết, đến nay đơn vị chưa biết khi nào Bộ GTVT sẽ bàn giao dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông về cho đơn vị quản lý. “Chúng tôi đang nóng ruột không biết khi nào mới được giao trong khi ngày vận hành thương mại đã sắp đến. Để vận hành thương mại, chúng tôi cũng cần thời gian để chuẩn bị”, đại diện Metro Hà Nội nói. PV đã liên lạc với ông Vũ Hồng Phương - Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý Dự án Đường sắt, Bộ GTVT về thời gian bàn giao nhưng không nhận được câu trả lời.

Giá vé cao, “nhiêu khê”?

Theo đại diện Metro Hà Nội, để giới thiệu và khuyến khích người dân tham gia hình thức giao thông công cộng này, trong 15 ngày đầu chạy thương mại, hành khách sẽ được miễn phí vé hoàn toàn. Sau thời gian miễn phí, đơn vị sẽ thu vé theo quy định.

Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa có dự thảo về phương án giá vé có trợ giá của tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông để xin ý kiến HĐND TP Hà Nội quyết định. Theo đó, giá vé tuyến đường sắt này được đưa ra ba loại: vé lượt, vé ngày và vé tháng. Mức giá cao nhất với vé lượt là 15.000 đồng, mức thấp nhất là 8.000 đồng, tùy thuộc vào quãng đường khách đi. Mức giá vé ngày là 30.000 đồng; vé tháng là 200.000 đồng. Ngoài mức giá trên, tuyến đường sắt này còn được Hà Nội trợ giá thêm 50%.

Theo đánh giá của ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Metro Hà Nội thì đây là mức giá hợp lí, rẻ hơn đi Grab. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, mức vé này hiện còn nhiều băn khoăn. Cụ thể, chuyên gia giao thông, TS.Nguyễn Xuân Thủy đánh giá, với việc đưa ra ba mức giá, đặc biệt là tách vé lượt ra nhiều mức giá khác nhau tùy theo quãng đường khách đi là còn nhiêu khê, phức tạp: “Với hệ thống phương tiện công cộng đô thị, thế giới người ta không ai làm vậy cả”, ông Thủy nói và cho biết, đáng ra giá vé mỗi lượt lên tàu là 10.000 đồng thì hợp lí hơn. Khi đó, người đi quãng ngắn sẽ bù cho người đi quãng dài. Hơn nữa, với việc chỉ bỏ ra 10.000 đồng cho toàn tuyến, người dân sẽ cảm thấy rẻ; với người đi quãng khoảng 4-5 nhà gà thì bỏ ra 10.000 cũng cảm thấy hợp lí.

Ông Thủy cũng cho rằng, không chỉ giá vé lượt đắt mà vé ngày, vé tháng cũng đắt. “Đây là loại hình giao thông công cộng, đã được Nhà nước trợ giá, phải rẻ hơn nữa mới kích thích người dân sử dụng”, ông Thủy nói và cho biết, tính cả mức Nhà nước trợ giá là 50%, thì mỗi vé tháng sẽ là 400.000 đồng; mỗi vé lượt cả tuyến là 30.000 đồng. “Như vậy là quá đắt”, ông Thủy nói.

Minh Hữu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/giao-thong/duong-sat-cat-linh-ha-dong-nhung-ngay-nuoc-rut-442329.html