Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chờ điều gì để vận hành?

Nếu mua xong tàu rồi mà phải mất cả năm chờ đăng kiểm thì phải xem xét lại vấn đề thủ tục hành chính. Đây là trách nhiệm của Bộ GTVT.

Báo chí mới đây dẫn nguồn tin từ Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT)cho biết, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang được nghiệm thu thành phần ở các hạng mục xây dựng, thiết bị. Theo đó, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có 13 báo cáo đánh giá chuyên ngành được thực hiện bởi liên danh tư vấn Apave-Certifer-Tricc. Đến nay tư vấn đã đánh giá và phát hành 12/13 báo cáo của dự án đủ an toàn. Dự kiến trong thời gian tới, tư vấn đánh giá an toàn độc lập dự án, tiếp tục phối hợp với Tổng thầu, các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế hệ thống dự án. Qua quá trình vận hành thử liên động, sẽ có cơ sở đánh giá an toàn hệ thống đường sắt.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi trên cao với chiều dài hơn 13km và 12 nhà ga. Ảnh: Báo giao thông vận tải

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi trên cao với chiều dài hơn 13km và 12 nhà ga. Ảnh: Báo giao thông vận tải

Về thông tin này, PGS.TS Nguyễn Đình Thám - Khoa Công trình, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, cần phải nhanh chóng hoàn thành đánh giá an toàn với dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, sớm đưa dự án vào vận hành thương mại.

Vị PGS cho hay, nhìn vào báo cáo của BQL dự án cho biết, dự án có 13 hạng mục, đã có 12 báo cáo đánh giá an toàn nhưng chủ yếu ở các hạng mục xây dựng, thiết bị.

Vẫn còn đánh giá quan trọng nằm ở chất lượng đoàn tàu thì đang chờ được cấp chứng nhận đăng kiểm chính thức. Khi đó, mới tiến hành nghiệm thu.

"Về nguyên tắc, dự án 99% an toàn mà còn 1% không an toàn hệ thống vẫn không được nghiệm thu, cho phép vận hành. Ở đây không chỉ là an toàn cho dự án mà còn là an toàn tới tính mạng con người, vì thế, không ai mạo hiểm nghiệm thu khi dự án còn tiềm ẩn rủi ro", PGS Nguyễn Đình Thám nhấn mạnh.

Tuy nhiên, vị chuyên gia bày tỏ sự khó hiểu về các tiêu chí đánh giá đối với dự án này. Theo vị PGS, cần phải làm rõ những đánh giá của liên danh tư vấn dựa trên các tiêu chuẩn nào? Ông cho rằng, nếu dự án được phê duyệt theo một tiêu chuẩn khác nhưng khi thực hiện đánh giá lại theo một tiêu chuẩn khác sẽ rất khó. Vì thế, rất cần phải làm rõ điểm này.

Đặt vấn đề như vậy, PGS Nguyễn Đình Thám cho rằng, ngay khi lập dự án nếu nắm chắc được 13 tiêu chí đánh giá, thì quá trình thi công chỉ cần đáp ứng đúng tiêu chuẩn đánh giá của 13 tiêu chí đó là bảo đảm nghiệm thu.

Tuy nhiên, có thể vấn đề nằm ngay ở từ trong quá trình lập phương án.

"Nếu đánh giá dựa trên tiêu chuẩn đã được phê duyệt, thiết kế ngay từ đầu thì chỉ cần so sánh các chỉ tiêu kỹ thuật theo phương án đã phê duyệt. Đủ tiêu chuẩn an toàn theo phương án phê duyệt phải cho dự án vận hành thử nghiệm, tiến tới vận hành chính thức.

Ví dụ, dự án sử dụng công nghệ Trung Quốc nhưng lấy tiêu chuẩn châu Âu để đánh giá thì ngay từ đầu các tiêu chí, tiêu chuẩn phải được xây dựng rõ theo tiêu chuẩn châu Âu khi lập phương án. Khi kiểm định, nếu không đạt, bắt buộc phải thay thế. Nếu đạt phải cấp chứng chỉ bảo đảm, cho tàu chạy thử.

Ngược lại, nếu ngay từ đầu phương án thiết kế sử dụng công nghệ Trung Quốc, tiêu chuẩn Trung Quốc đã lạc hậu, không còn phù hợp với điều kiện hiện tại, cần phải nâng cấp thì phải có phương án và trình cơ quan chủ quản phê duyệt.

Khi đó, sẽ có hội đồng quốc gia đánh giá, quyết định có thay đổi, nâng cấp tiêu chuẩn kỹ thuật hay không.

Như vậy, ngay cả khi sử dụng tiêu chuẩn mới để đánh giá cũng phải căn cứ trên các cơ sở cụ thể, không thể vô cớ kéo dài dự án tới tận bây giờ"", ông Thám phân tích.

Điều này khiến vị chuyên gia đặt nghi vấn phương án phê duyệt ban đầu đã có lỗ hổng, thiết kế kỹ thuật không bảo đảm yêu cầu, dẫn tới phải thay đổi trong quá trình thi công, khiến công tác đánh giá kỹ thuật gặp khó khăn.

""Đối với công tác nghiệm thu đoàn tàu, nếu đoàn tàu đáp ứng đúng các tiêu chuẩn của nhà sản xuất, được nhà sản xuất cấp giấy chứng nhận thì cơ quan nghiệm thu cũng phải cân nhắc nghiệm thu cho tàu chạy thử. Còn nếu không nghiệm thu phải giải thích rõ lý do vì sao", vị chuyên gia đề nghị.

Theo vị chuyên gia, làm rõ vấn đề này sẽ tránh tư duy kéo dài dự án, "đẽo cày giữa đường".

"Việc cần làm ngay là rà soát lại toàn bộ những hạng mục, thiết bị đã thi công, nếu an toàn phải cho vận hành ngay.

Nếu không bảo đảm an toàn phải xử lý dứt điểm ngay tức khắc, truy rõ trách nhiệm, không nên tiếp tục kéo dài thời gian", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, GS Đặng Đình Đào (ĐH Kinh tế Quốc dân, Hà Nội) nhấn mạnh sự chậm trễ đưa dự án vào vận hành đã khiến Việt Nam phải đối diện với tình trạng lãng phí chồng lãng phí.

Theo vị GS, những thông tin nhỏ giọt từ phía BQL dự án cũng như Bộ GTVT đang làm suy giảm sự tin tưởng của người dân với cơ quan này.

Lấy ví dụ việc vận hành thử nghiệm đoàn tàu từ năm 2019, trong đó có sự tham gia khảo sát của nhiều cán bộ lãnh đạo các bộ ngành, trung ương, cho tới việc báo cáo hoàn thiện dự án tới 99%, vị chuyên gia đặt câu hỏi vì sao tới giờ tàu vẫn chưa thể đưa vào vận hành thương mại?

Tới bây giờ, Bộ GTVT lại cho biết đã xây dựng đề cương vận hành thử toàn bộ hệ thống 20 ngày nữa để phục vụ đánh giá an toàn, nghiệm thu, vậy dự án còn cần chạy thử bao nhiêu lần nữa?

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông chưa biết khi nào nghiệm thu

Liên quan tới đánh giá, GS Đặng Đình Đào cho hay, nếu có 122/13 hạng mục đã được đánh giá an toàn, chỉ còn hạng mục đoàn tàu đang chờ được cấp chứng nhận đăng kiểm chính thức sẽ nghiệm thu thì không phải là vấn đề khó.

"Ở đây là vấn đề hợp đồng mua bán tàu, hợp đồng theo tiêu chuẩn thế nào thì mua như thế. Nếu mua xong tàu rồi mà phải mất cả năm chờ đăng kiểm thì phải xem xét lại vấn đề thủ tục hành chính. Trách nhiệm này thuộc về ngành giao thông, không thể đổ lỗi cho đối tác nữa", vị GS nói.

Vị GS nhấn mạnh, một công trình quan trọng quốc gia mà bị "ngâm tôm" quá lâu như vậy không rõ lý do. Khi dự luận lên tiếng quá nhiều, bức xúc quá nhiều lại có những thông tin nhỏ giọt, kiểu vỗ về dư luận, kéo dài thời gian, né tránh trách nhiệm là không chấp nhận được.

"Riêng việc thẩm định, kéo dài đăng kiểm cả năm là chuyện chỉ Việt Nam mới có.

Phải làm rõ giao kết mua bán giữa Bộ GTVT với nhà sản xuất như thế nào? Có vấn đề khó hiểu gì không mà lại có tình trạng làm đường xong, tàu lại chưa đăng kiểm được?", GS Đặng Đình Đào đề nghị.

Lam Lam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/duong-sat-cat-linh--ha-dong-cho-dieu-gi-de-van-hanh-3398619/