Đường sắt Cát Linh bị cảnh báo: Rủi ro chấp nhận được?

Khuyến cáo của Tư vấn Pháp mang tính phòng ngừa rủi ro và vẫn chấp nhận được nên Tư vấn mới cấp chứng nhận an toàn hệ thống.

Cần trọng tài phân xử?

Đến thời điểm này, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông đã được Tư vấn ACT (Pháp) cấp chứng chỉ an toàn hệ thống và đang chờ Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng đánh giá để đưa vào khai thác. Tuy nhiên, Tư vấn ACT cũng đưa ra 16 khuyến nghị về an toàn tại dự án.

Đại diện Bộ GTVT cho biết trên báo chí, dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông được xây dựng theo tiêu chuẩn Trung Quốc, còn Tư vấn ACT đánh giá theo tiêu chuẩn châu Âu nên mới có độ “vênh” giữa các tiêu chuẩn. Ngoài ra, dự án được phê duyệt thiết kế từ năm 2010 - 2011, trong khi đó một số nội dung được Tư vấn ACT đánh giá theo công nghệ hiện nay.

Trao đổi với Đất Việt, ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội, cho rằng, nếu ngay từ đầu, hợp đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc xác định rõ dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông được đánh giá theo tiêu chuẩn nào thì đã không xảy ra vấn đề tranh cãi như hiện nay.

"Mỗi quốc gia có một tiêu chuẩn riêng, người quyết định lựa chọn phương án nào thuộc thẩm quyền của chủ đầu tư. Bộ GTVT là chủ đầu tư dự án mà không cân nhắc tiêu chuẩn Trung Quốc với tiêu chuẩn thế giới thế nào, không rõ ràng ngay từ đầu thì đó là điều mà Bộ phải làm rõ", ông Bùi Danh Liên nhận xét.

Các tình huống giả định được diễn tập trước khi tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông đi vào hoạt động. Ảnh: Hanoi Metro

Các tình huống giả định được diễn tập trước khi tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông đi vào hoạt động. Ảnh: Hanoi Metro

Cũng theo nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội, theo kinh nghiệm của nhiều nước, khi hợp đồng có các điều khoản quy định cụ thể, rõ ràng thì vấn đề xử lý dễ dàng hơn nhiều.

Chẳng hạn, năm 2016, Singapore gửi trả lại tổng cộng 26 tàu cao tốc, mỗi tàu có 6 toa, được sản xuất tại Trung Quốc do chất lượng kém và phía Trung Quốc phải sửa chữa để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

Đối với đường sắt Cát Linh-Hà Đông, sau khuyến cáo của Tư vấn Pháp, ông Bùi Danh Liên cho rằng, cần phải giải quyết.

"Cần có trọng tài đứng ra phân xử việc này. Có thể xem xét thành lập một hội đồng quốc gia độc lập để đánh giá đường sắt Cát Linh-Hà Đông", ông Bùi Danh Liên nói.

Rủi ro "chấp nhận được"

Trong khi đó, trả lời băn khoăn của dư luận liệu những khuyến cáo của Tư vấn Pháp có thực sự quan ngại, PGS.TS Nguyễn Quang Toản, nguyên giảng viên Đại học GTVT cho biết, dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông có thể có rủi ro theo tiêu chuẩn châu Âu, nhưng công trình này đạt nếu theo tiêu chuẩn Trung Quốc. Việt Nam buộc phải chấp nhận những vấn đề tồn tại của dự án bởi tiêu chuẩn ngày càng cao, trong khi thời điểm Việt Nam ký hợp đồng với phía Trung Quốc là ký theo tiêu chuẩn xây dựng của Trung Quốc.

"Khuyến cáo của Tư vấn Pháp mang tính phòng ngừa rủi ro, tức rủi ro là có - xét theo tiêu chuẩn châu Âu, nhưng ở mức chấp nhận được và dự án vẫn đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật. Vậy nên, Tư vấn Pháp mới cấp chứng nhận an toàn hệ thống cho dự án này", ông Toản nói.

Ông nhận định: "Thông thường, một cơ quan tư vấn phải biết rằng đánh giá công trình nào và quan trọng là phải biết tiêu chuẩn nào đã được thỏa thuận giữa chủ đầu tư và nhà thầu rồi dựa trên đó để đánh giá".

Ông lưu ý, dù sao Trung Quốc cũng là quốc gia có mạng lưới đường sắt lớn nhất thế giới, các dự án, công trình họ làm ra sử dụng an toàn, đường sắt Cát Linh-Hà Đông nếu đáp ứng theo tiêu chuẩn Trung Quốc thì không thể nói là không an toàn.

Dù vậy, vị chuyên gia cũng cho rằng, trách nhiệm lớn nhất khi để xảy ra tình trạng này là Bộ GTVT.

"Các khuyến nghị của ACT là những vấn đề không nằm trong thiết kế ban đầu của dự án và nó không nằm trong đặt hàng của Việt Nam".

Đừng thêm việc, thêm người

Liên quan đến 16 khuyến nghị của Tư vấn ACT, sau khi nghiên cứu, Bộ GTVT đã có văn bản chấp nhận các khuyến nghị này. Đối với từng nội dung, chủ đầu tư nêu rõ "chấp nhận các rủi ro và hệ quả tương ứng". Bộ GTVT cũng nhấn mạnh, các vấn đề này sẽ được tiếp tục khắc phục trong quá trình vận hành khai thác.

Theo thông tin mới nhất, Hanoi Metro -đơn vị sẽ vận hành đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã đề nghị bổ sung nhân sự để khắc phục khiếm khuyết.

Cụ thể, Hanoi Metro đề nghị bổ sung thêm 82 vị trí nhân sự, bao gồm 38 nhân viên hỗ trợ an toàn trên tàu và 44 nhân viên an toàn tại ke ga.

Trong văn bản gửi Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án đường sắt giải thích việc tuyển thêm 44 vị trí nhân viên an toàn ke ga vì bộ khung nhân sự được xây dựng trước đây chưa đầy đủ, mới đáp ứng đủ một bên ke ga (mỗi nhà ga có 2 ke).

Đối với 38 nhân viên hỗ trợ an toàn trên tàu, đây là chức danh được bổ sung để khắc phục khuyến nghị của ACT. Nhiệm vụ chính của họ là cảnh báo lái tàu ngủ gật hoặc bị ngất, tham gia dập hỏa hoạn trên tàu...

Nếu đề xuất trên được chấp thuận thì nhân sự vận hành 13km đường sắt Cát Linh-Hà Đông không phải là 681 người như thông tin trước đó mà tăng lên 763 người.

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Toản, câu chuyện này đặt ra vấn đề về kỹ thuật quản lý, điều hành của Hanoi Metro, nếu kỹ thuật quản lý, điều hành tốt thì không phải cứ thêm việc thì thêm người.

"Nếu cứ thêm việc, thêm người thì không ổn. Khi một người có thể kiêm nhiều việc thì nhân sự sẽ ít đi, điều này phụ thuộc vào cái tài của người quản lý. Hanoi Metro phải cải tiến kỹ thuật quản lý, điều hành của mình", ông nói.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/duong-sat-cat-linh-bi-canh-bao-rui-ro-chap-nhan-duoc-3433833/