Đường sắt cao tốc Bắc-Nam: Không phải vội...

Quốc hội sẽ cần phải xem xét thận trọng hơn. Phải có đánh giá, thẩm định độc lập, không đưa ra nhận định chủ quan, xuê xoa, thụ động.

Hội thảo giải pháp công nghệ cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vừa diễn ra, nhiều ý kiến tranh cãi về các phương án xây dựng dự án, tổng mức đầu tư, giải pháp công nghệ... vẫn chưa ngã ngũ. Trong khi, thời gian để dự án trình lên Quốc hội không còn nhiều, dự kiến tháng 5/2020.

Không vội vàng quyết định chọn phương án làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Viettimes

Không vội vàng quyết định chọn phương án làm đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Viettimes

Cần thiết nhưng phải rất thận trọng

Nêu quan điểm cá nhân, bà Lê Thu Ba - nguyên ủy viên Trung ương, phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương nhấn mạnh, dự án là cần thiết, phải làm từ lâu rồi chứ không đợi đến bây giờ mới ngồi bàn về chủ trương.

Tuy nhiên, khi bàn về phương án, đây là dự án giao thông quan trọng, tuyến đường huyết mạch của quốc gia, việc quyết định quy mô, công nghệ của dự án phải lắng nghe nguyện vọng, mong muốn của người dân và dựa trên tiềm năng phát triển của đất nước trong tương lai.

"Không vì lý do kinh tế khó khăn, đất nước còn nghèo mà lựa chọn một dự án kém hiện đại để rồi tiếp tục chấp nhận lò dò đi sau.

Tuy nhiên, cũng không vì chạy theo cái hiện đại quá mà không tính toán, cân nhắc toàn diện mọi mặt.

Quan trọng ở đây là khâu đánh giá, thẩm định dự án có bảo đảm tính chính xác, khách quan, minh bạch không? Trong quá trình thực hiện việc giám sát, quản lý có bảo đảm chặt chẽ, có làm phát sinh sai phạm hay không...? Điều quan trọng của dự án không phải vốn bao nhiêu, kỹ thuật gì mà thực hiện thế nào, có tạo ra gánh nặng cho phát triển kinh tế của đất nước, có tạo gánh nặng cho xã hội, cho nợ công hay không mới là quan trọng", bà Lê Thu Ba nói.

Bà Thu Ba đặc biệt lưu ý trong phương án lựa chọn nhà thầu để thực hiện dự án, phải thận trọng, xem xét kỹ lưỡng để sàng lọc các nhà thầu kém chất lượng, không đủ uy tín, không đủ năng lực tài chính, bỏ thầu rẻ rồi khi thực hiện dự án lại đẩy nguồn vốn lên cao.

Bà Thu Ba nhắc đến nhà thầu Trung Quốc như một "án lệ" cần đưa vào danh sách "đỏ" khi lựa chọn nhà đầu tư tiềm năng thực hiện một dự án đặc biệt quan trọng như dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Đồng quan điểm, ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) tiếp tục nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng cũng như tính cần thiết của dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đặc biệt vai trò kết nối logictics, kết nối giữa các loại hình vận tải nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển.

Tuy nhiên, ngoài những mối lo về công nghệ, đại biểu Hòa đặc biệt quan tâm tới nguồn lực thực hiện dự án.

"Bộ GTVT và Bộ KHĐT đang "vênh" nhau về phương án tài chính, tổng nguồn vốn đầu tư do đó việc tranh cãi là đương nhiên.

Với Việt Nam, một dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 58 tỷ USD là vô cùng lớn, vì thế, phải tính toán rất thận trọng trước khi quyết định phương án thực hiện dự án.

Đương nhiên, vốn phải đi vay nước ngoài nhưng cũng phải xem khả năng cân đối nguồn lực trong nước có đáp ứng được không?

Quan trọng là từ phương án lựa chọn phải xem hiệu quả dự án mang lại là gì, có đáp ứng được so với năng lực vận tải như kỳ vọng không? tính an toàn của dự án như thế nào, hiệu quả ra sao?.... Đặc biệt phải tính tới khả năng trả nợ cho dự án, ngay cả phương án trả nợ của cả đời con, đời cháu mỗi người sẽ phải gánh là bao nhiêu? Trả nợ trong bao nhiêu năm?

Vì những vấn đề trên, tôi cho rằng việc cân nhắc quyết định phương án thực hiện, thời gian, thời điểm thực hiện là rất quan trọng", ông Hòa nói.

Không vội quyết định

Trước những lập luận trái chiều giữa hai Bộ GTVT cũng như các chuyên gia chuyên ngành, bà Lê Thu Ba cho rằng lựa chọn phương án xây dựng đường sắt tốc độ 350km/h, tổng vốn đầu tư 58,7 tỷ USD theo Bộ GTVT đề xuất hay phương án tốc độ 200km/h, tổng mức đầu tư 26 tỷ USD do Bộ KHĐT đưa phải thận trọng suy xét, không quyết định theo cảm tính.

"Ở đây không chỉ là ý kiến nên hay không nên chọn phương án nào mà cần trả lời dựa trên những phân tích khoa học, từ những số liệu cụ thể cũng như dựa trên những lập luận khách quan, không thể lựa chọn dựa trên những đánh giá chủ quan, một chiều.

Theo tôi quan sát, vấn đề đang tranh cãi nhiều nhất hiện nay là tiền, một bên là tiết kiệm, một bên thì muốn đầu tư hiện đại, đàng hoàng.

Khi làm ai cũng muốn hướng tới cái hiện đại, đàng hoàng nhưng giá trị đầu tư cho cái hiện đại, đàng hoàng đó là bao nhiêu, có tương xứng không, có phù hợp không thì trách nhiệm của các cơ quan thẩm tra phải tính. Hiện đại, đàng hoàng không có nghĩa làm thế nào cũng được, làm bao nhiêu cũng đồng ý", bà Ba nói.

Theo bà Ba, dự án đang trong giai đoạn xây dựng phương án tiền khả thi để trình ra Quốc hội, vì thế, cần phải được thực hiện rất kỹ lưỡng, trải qua rất nhiều quy trình, nhiều bước thủ tục.

Ở mỗi bước, mỗi khâu đều phải được thực hiện nghiêm ngặt, khách quan, công khai.

"Theo quy trình, sau khi được Chính phủ chấp thuận về mặt chủ trương, các cơ quan được giao sẽ xây dựng các phương án, kịch bản dựa trên những đánh giá khoa học, những nghiên cứu tác động toàn diện của dự án rồi mới làm tờ trình trình lên Chính phủ.

Trong phương án trình Chính phủ phải có báo cáo đánh giá tác động toàn diện mọi mặt từ xã hội, kinh tế, kỹ thuật, tính hiệu quả, khả năng thu hồi vốn... của dự án, Chính phủ sẽ xem xét dựa trên báo cáo được trình để cho ý kiến và trình lên Quốc hội.

Quốc hội sẽ dựa trên đánh giá của Chính phủ để xem xét quyết định.

Tuy nhiên, do đây là dự án quan trọng, Quốc hội sẽ cần phải xem xét thận trọng hơn. Phải có đánh giá, thẩm định độc lập, không đưa ra nhận định chủ quan, xuê xoa, thụ động", bà Ba nói.

Đường sắt cao tốc chênh 32 tỷ USD: Chuyên gia nói gì?

Theo bà Ba, nếu một dự án chuẩn bị thiếu chu đáo, kỹ lưỡng, còn sơ sài có thể sẽ xảy ra hai khả năng:

Một là, Quốc hội bác bỏ ngay lập tức và bị yêu cầu phải làm lại.

Hai, nếu dự án được thông qua cũng trong tâm thế khiên cưỡng, thiếu thông tin, thiếu khả thi, có nguy cơ gây hậu quả rất lớn.

"Đây là dự án lớn, quan trọng, Quốc hội sẽ phải mất nhiều thời gian trước khi quyết định. Không nhất thiết phải thẩm định theo thời định là bao nhiêu ngày thì phải làm xong, mà có thể kéo dài thời gian thẩm định cho tới khi phương án đưa ra bảo đảm đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu về kỹ thuật, an toàn, hiệu quả khi đó mới cho ý kiến.

Với tâm thế của Quốc hội, tôi cho rằng không cần phải vội vàng với dự án này", bà Ba nêu quan điểm.

Lam Nguyễn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/duong-sat-cao-toc-bac-nam-khong-phai-voi-3384202/