Đường sắt bằng nửa GDP: Lào tin tránh bẫy nợ Trung Quốc

Thủ tướng Lào cho biết 'không quá lo lắng' về gánh nặng nợ nần của dự án đường sắt cao tốc do Trung Quốc thực hiện trên đất nước này.

Dự án đường sắt cao tốc dài 417km kết nối thủ đô của Lào với thành phố Côn Minh phía Nam Trung Quốc có tổng mức đầu tư khoảng 6 tỷ USD, tương đương đến một nữa GDP của Lào, đang được khởi công.

Theo tờ Nikkei của Nhật, Chính phủ Lào đã chào đón dự án với hy vọng rằng việc hệ thống đường sắt nước này được cải thiện sẽ giúp giảm chi phí giao thông và khiến cho thương mại tăng trưởng mạnh.

Thủ tướng Lào, ông Thongloun Sisoulith, là người ủng hộ mạnh mẽ dự án này. Vào tháng 6/2018, ông đã tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng rằng việc xây dựng đường sắt sẽ giúp khuyến khích đầu tư và hợp tác cũng như mang lại nhiều lợi ích cho đất nước”.

Dự án đường sắt cao tốc Lào-Trung Quốc đang được triển khai. Ảnh: SCMP

Địa hình của Lào có nhiều thách thức. Hệ thống đường sắt sẽ cần đến 167 chiếc cầu và 75 đường hầm để có thể vượt qua hết được địa hình đồi núi của Lào.

Tại Luang Prabang, thành phố phía Bắc nước Lào, công nhân người Trung Quốc đang cố gắng làm việc cật lực để có thể xây dựng được một cây cầu vượt qua sông Mê Kông.

Theo báo Nhật Bản, dự án xây dựng này đã không mang đến nhiều việc làm cho người địa phương như kỳ vọng trước đó bởi Trung Quốc tự cử kỹ sư và người lao động sang Lào làm việc. Thế nhưng ít nhất, tiền đầu tư Trung Quốc cũng vẫn có lợi cho cộng đồng địa phương.

Một người đàn ông chuyên lái phà cho các quản lý người Trung Quốc cầm cờ của công ty đường sắt Trung Quốc vẫy cao. Việc đưa khách qua sông thường giúp anh kiếm được khoảng 5.000 kip/lần, tức khoảng 0,59USD. Thế nhưng các quản lý người Trung Quốc sẵn sàng thuê lại cả chiếc thuyền với giá khoảng 1.500USD/tháng.

Công ty đường sắt Trung Quốc thuê phà, thuê văn phòng và dịch vụ của phòng khám tại địa phương để phục vụ cho công nhân xây dựng Trung Quốc. Những chiếc cờ màu da cam có thể được nhìn thấy khắp nơi tại thành phố Luang Prabang.

Nhiều chuyên gia chỉ trích rủi ro nợ nần tại Lào tăng cao như dấu hiệu cho thấy Lào đang gặp khó trong mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Chi phí của dự án đường sắt được chia theo tỷ lệ 7/3, phía Trung Quốc chịu 7 còn Lào chịu 3, thế nhưng ngay cả mức này cũng quá nhiều với Lào. Chính phủ Lào đã phải vay 480 triệu USD từ Trung Quốc ở mức lãi 2,3%, theo tính toán của chính phủ.

Theo các nguồn tin địa phương, các khoản vay có thể được thế chấp bằng các mỏ tài nguyên ở Lào, tuy nhiên Nikkei chưa thể xác thực được nguồn tin này.

Nhiều năm trước, khi dự án trên mới manh nha, giới quan sát cũng đã nhận định, phần lớn lợi ích của tuyến đường này sẽ chảy về phía Trung Quốc, trong khi hầu hết chi phí sẽ do phía Lào gánh vác.

Một bản đánh giá về dự án này do một nhà tư vấn thuộc Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) nói rằng, các điều khoản về cung cấp tài chính mà Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc đưa ra là quá hà khắc đến nỗi đặt sự ổn định kinh tế vĩ mô của Lào “vào thế nguy hiểm”.

Bên cạnh đó, đánh giá này nhận định, việc xây dựng tuyến đường sắt đi qua miền Bắc của Lào sẽ khiến khu vực nông thôn ở đây trở thành “một bãi thải phế liệu”. Sẽ là “một sai lầm đắt giá” nếu dự án được ký kết theo những điều khoản mà phía Trung Quốc đưa ra, báo cáo đánh giá này kết luận. Để có thể vay tiền từ phía Trung Quốc, Lào sẽ bị ràng buộc cung cấp nhiều loại khoáng sản cho đối tác này.

Các nhà tài trợ quốc tế khác cũng đồng tình với quan điểm mà báo cáo trên đưa ra. “Các đối tác, bao gồm Ngân hàng Phát triển Châu Á và Ngân hàng Thế giới, đã bày tỏ quan ngại.

Vào tháng 3/2019, Trung tâm phát triển toàn cầu có trụ sở tại Mỹ đã cảnh báo về sự phụ thuộc của Lào vào Trung Quốc. Trung tâm nhấn mạnh rằng Lào nằm trong nhóm 8 nước có tỷ lệ nợ với Trung Quốc cao nhất trong nhóm 68 nước có tham gia vào dự án Vành đai và Con đường. Cơ quan này chỉ ra rằng số tiền chi ra cho dự án đường sắt tương đương đến một nửa GDP của Lào, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) trong khi đó cảnh báo rằng dự án có thể đe dọa đến khả năng trả nợ của Lào.

Thủ tướng Thongloun vẫn lạc quan: “Tôi không quá lo lắng về gánh nặng nợ nần của dự án xây dựng đường sắt cao tốc. Lào khăng khăng rằng Lào sẽ trả lại khoản nợ bằng lợi nhuận thu được từ dự án đường sắt cao tốc”. Theo quan chức chính phủ Lào, dự án sẽ bắt đầu có lợi nhuận từ năm thứ 6 hoạt động.

Lào được Trung Quốc xem là một địa bàn nhằm đẩy mạnh các tham vọng trong khu vực. Trung Quốc đã mạnh tay rót những khoản đầu tư mới vào Vientiane. Ở Luang Prabang, một điểm đến du lịch của Lào nơi tuyến đường sắt 6 tỷ USD dự kiến sẽ đi qua, Trung Quốc đã xây dựng các bệnh viện và nâng cấp sân bay. Giới doanh nhân Trung Quốc cũng đã đổ tới Lào để làm ăn.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/duong-sat-bang-nua-gdp-lao-tin-tranh-bay-no-trung-quoc-3373220/