Đường sách - Cần mới nên có

Sau 3 năm thành lập, doanh thu của Đường sách TPHCM là 105,75 tỷ đồng; hơn 2 triệu bản sách bán ra; tổ chức 443 chương trình giới thiệu sách, giao lưu tác giả... Đây thực sự là những con số ấn tượng, đồng thời là sự thành công.

Đã có nhiều đường sách “nối gót” ra đời tại một số địa phương, nhưng không phải nơi nào cũng thành công; thậm chí Đường sách Hai Bà Trưng (TP Huế) sau một năm thí điểm đang đứng trước nguy cơ đóng cửa.

Bạn đọc trẻ đến với đường sách TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Bạn đọc trẻ đến với đường sách TPHCM. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Nơi đông vui, nơi hiu hắt

Đường sách Hai Bà Trưng (TP Huế) được đưa vào hoạt động thí điểm từ ngày 1-5-2018, do Công ty CP Sách Huế C&C triển khai. Sở dĩ, sau một năm hoạt động thí điểm, đường sách này có nguy cơ đóng cửa vì tình trạng luộm thuộm, lấn chiếm vỉa hè, vị trí lắp đặt nhà vệ sinh không đảm bảo mỹ quan, hệ thống đường dây điện không đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, do thiếu vắng các đơn vị, các NXB, Công ty Sách Huế C&C gần như “một mình một cõi”, số lượng sách nơi đây đơn điệu, chỉ có 10% sách mới, còn lại là sách cũ. Đặc biệt, dù đang trong thời gian thí điểm nhưng Đường sách Hai Bà Trưng cũng sớm trở thành địa điểm cho sách lậu, sách giả tung hoành.

Từng khiến nhiều người dân thủ đô háo hức, được kỳ vọng sẽ là địa điểm lý tưởng cho cộng đồng yêu thích sách, nhưng chỉ sau chưa đầy một năm, phố sách Hà Nội (đường 19-2, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại quay về khung cảnh vắng vẻ, đìu hiu như trước đây. Đến giờ này, nơi đây đang trở thành địa điểm check in “sang chảnh” cho nhiều người, còn những người yêu thích sách thực sự tiếp tục đến với phố sách Đinh Lễ - Nguyễn Xí như bao năm nay vẫn vậy.

Cùng chung số phận với phố sách Hà Nội là Đường sách Vũng Tàu (đường Ba Cu, phường 4, TP Vũng Tàu), khai trương vào ngày 12-2-2018. Những tưởng đây là vị trí đắc địa khi giao với một số đường lớn, giáp biển, bên cạnh là Công viên Quang Trung, sẽ là nơi “hút” khách, nhưng thực tế lại không như vậy. Quãng đường 120m, chỉ có 4 đơn vị xuất bản tham gia là NXB Trẻ, NXB Kim Đồng, cửa hàng sách 24h và Nhà sách Hoàng Cương, còn lại là quán cà phê. Một thực tế vô cùng tréo ngoe là mặt tiền chính của Đường sách Vũng Tàu - đường Ba Cu - thường trong tình trạng hiu hắt, thì ngay phía sau, phần giáp với Công viên Quang Trung lại đông vui, nhộn nhịp với chủ yếu là khách đến uống cà phê và tán gẫu!

Tại TPHCM, vào tháng 7-2017, Sở TT-TT TPHCM đã đưa ra đề án xây dựng đường sách theo tuyến cụm quận huyện. Theo chủ trương của UBND TP từ nay đến năm 2025, sẽ “phủ sóng” đường sách trên địa bàn thành phố, theo quy mô mỗi quận huyện sẽ có một đường sách. Ông Hữu Anh, Trưởng phòng Xuất bản, In và Phát hành (Sở TT-TT TPHCM), cho biết, sau khi đề án được đưa ra, có 4 đơn vị hưởng ứng, gồm các quận: 5, 7, Thủ Đức và Gò Vấp. Nhưng đến nay, vẫn chưa có đơn vị nào thành công với mô hình đường sách vì những lý do khác nhau.

Như vậy, đến thời điểm này, ngoài Đường sách TPHCM, có thêm Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột (khai trương vào ngày 9-3-2019) được xem là 2 nơi thành công với mô hình đường sách. Ông Lê Hoàng, Giám đốc Đường sách TPHCM, bày tỏ: “Đường sách bây giờ là một nhu cầu có thật trong đời sống. Đường sách TPHCM, Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột thành công như mọi người đã thấy. Tôi cho rằng, đường sách không phải là thời thượng, không phải do một sáng kiến bất chợt mà sự hình thành này xuất phát từ nhu cầu của xã hội. Và nó sẽ sống được nếu biết cách làm tốt”.

Kết hợp đặc tính của địa phương

Có được doanh thu “khủng” như trên, một yếu tố quan trọng chính là vì Đường sách TPHCM có sự đa dạng, phong phú về hoạt động cũng như không gian. Ngoài 2 sân khấu, nơi đây còn có xe buýt sách, không gian vui chơi cho thiếu nhi, bảng tra cứu thông tin, đưa tin hoạt động đường sách, chỉ dẫn các tuyến xe buýt lưu thông trong thành phố, tổ chức chương trình bình chọn 10 cuốn sách truyền cảm hứng sáng tạo cho giới trẻ… Ngoài ra, yếu tố con người cũng góp phần không nhỏ cho sự thành công của Đường sách TPHCM khi thành viên của ban quản lý đều là những người xuất thân từ ngành sách, có nhiều kinh nghiệm.

Mang đến nhiều không gian trải nghiệm là mục tiêu của Đường sách TPHCM

Ông Hữu Anh bày tỏ: “Việc nhân rộng mô hình đường sách rất nên được khuyến khích, bởi mục đích cuối cùng vẫn là phát triển văn hóa đọc. Tuy nhiên, các đơn vị cần có sự cân nhắc đối với đặc điểm của từng địa phương. Mình có đặc trưng gì để có thể lồng ghép vào phát triển văn hóa đọc với đường sách. Như trường hợp của Đường sách cà phê Buôn Ma Thuột, người ta không gọi là đường sách mà là đường sách cà phê, ở đây có sự kết hợp giữa văn hóa bản địa với sách, tạo ra một không gian văn hóa, trong đó có văn hóa đọc, không nhất thiết phải xây dựng một đường sách”.

“Các quận huyện cần cân nhắc 2 yếu tố: đặc điểm của địa phương và mô hình vận hành. Hai yếu tố đó sẽ quyết định đến chuyện thành bại của đường sách. Khi đưa ra đề án, Sở TT-TT khuyến khích thành lập đường sách chứ không bắt buộc. Nếu địa phương cảm thấy có nhu cầu về văn hóa đọc thì làm đề án gửi sở, trên cơ sở đó sở sẽ kết hợp cùng thẩm định đề án xem có khả thi hay không rồi mới có quyết định thực hiện”, ông Hữu Anh lưu ý thêm.

Theo chia sẻ của ông Trương Quang Hòa, Trưởng ban Quản lý Đường sách Vũng Tàu, 2 khung giờ cao điểm của Đường sách Vũng Tàu là 7 - 9 giờ và 17 - 21 giờ. Trung bình một ngày Đường sách Vũng Tàu đón 500 - 1.000 khách. Tuy nhiên, ông Hòa thừa nhận, dù số lượng khách đông nhưng số người mua sách vẫn còn hạn chế. Chính vì vậy, trong thời gian tới, đơn vị này đang có kế hoạch thay đổi nhằm thu hút đông đảo người dân địa phương và khách du lịch đến với đường sách, thông qua việc xây dựng và phát triển nhiều không gian khác nhau như: thư viện thân thiện, cửa hàng sách, quán cà phê sách, chợ phiên sách cũ cuối tuần …

HỒ SƠN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/duong-sach-can-moi-nen-co-604637.html