Đường quốc phòng hơn 530 tỷ đồng tại TT- Huế kém chất lượng: Kỷ luật hàng loạt cán bộ

Tuyến đường quốc phòng nối 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới, tỉnh TT-Huế (gọi tắt là đường 74) với tổng mức đầu tư hơn 530 tỷ đồng từ vốn trái phiếu Chính phủ do Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh TT-Huế làm chủ đầu tư. Do quá trình quản lý kém, thiếu trách nhiệm nên công trình hiện vẫn chưa còn ngổn ngang, gây lãng phí ngân sách Nhà nước.

Tuyến đường quốc phòng nối 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới, tỉnh TT-Huế (gọi tắt là đường 74) với tổng mức đầu tư hơn 530 tỷ đồng từ vốn trái phiếu Chính phủ do Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh TT-Huế làm chủ đầu tư. Do quá trình quản lý kém, thiếu trách nhiệm nên công trình hiện vẫn chưa còn ngổn ngang, gây lãng phí ngân sách Nhà nước.

Tuyến đường 74 chậm tiến độ gây lãng phí ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Tuyến đường 74 chậm tiến độ gây lãng phí ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Tan hoang đường quốc phòng

Tuyến đường 74 có chiều dài khoảng 50 km có điểm đầu tuyến tại km 15+674 thuộc khu vực Khe La Ma (H. Nam Đông) và điểm cuối tại km 50 giao nhau với đường Hồ Chí Minh tại xã A Roàng (H. A Lưới). Trong chiến tranh, đường 74 là con đường quan trọng trong liên lạc, vận chuyển quân giới của bộ đội. Đường này sau đó do chịu ảnh hưởng của lũ lụt nên bị lấp, không đi lại được. Thế nên, vào năm 2011, Bộ Quốc Phòng đầu tư xây dựng lại con đường này. Tuyến đường dự kiến sẽ được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 5 miền núi với kết cấu mặt đường bê-tông xi-măng và bê-tông nhựa. Toàn bộ dự án (DA) xây dựng mới gồm 12 cầu, trong đó 2 cầu lớn và 10 cầu trung với tổng mức đầu tư 537,3 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Thời gian thi công từ năm 2011 đến 2015.

Sau khi hoàn thành, đây được xem là một trong những công trình giao thông huyết mạch, quan trọng nhất nối liền giữa 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới, có ý nghĩa chiến lược cho phát triển giao thông nông thôn, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và phục vụ quốc phòng, an ninh tại địa bàn và trong khu vực. Thế nhưng, sau một thời gian thi công thì DA bỗng dừng lại. Theo quan sát của chúng tôi, cả đoạn đường dài hàng chục ki-lô-mét lởm chởm đất đá. Hai bên đường, hàng loạt vách núi sau khi đơn vị thi công bạt taluy đã bị sạt lở, sụt lún rất nguy hiểm cho người đi đường khi vào mùa mưa bão. Nhiều cây cầu với thiết kế 2-3 dầm trụ được xây dựng dở dang. Máy móc bị núi lở vùi lấp; vật liệu như xi- măng, sắt thép nằm từng đống, rỉ rét... Theo người dân địa phương, kể từ khi DA ngừng thi công thì việc khai thác gỗ lậu qua đoạn đường 74 trở nên khó lường hơn. Ở một số điểm hai bên đường, xuất hiện nhiều khúc gỗ mà "lâm tặc" khai thác bỏ lại do bị lực lượng kiểm lâm phát hiện.

Hàng loạt cán bộ bị kỷ luật

Liên quan đến DA đường quốc phòng, kinh tế Nam Đông- A Lưới kém chất lượng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy (BTVTU) và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy TT- Huế ngày 27-2 cho biết, đã xử lý kỷ luật các tập thể, cá nhân liên quan. Theo đó, về xử lý tập thể, BTVTU TT-Huế đã quyết định kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Quân sự (BTVĐUQS) tỉnh nhiệm kỳ 2010- 2015 bằng hình thức khiển trách. Theo BTVTU TT-Huế, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện DA, BTVĐUQS tỉnh nhiệm kỳ 2010- 2015 đã thiếu theo dõi, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện DA. Tình trạng này dẫn đến chủ đầu tư và Ban Quản lý Dự án (BQLDA) từ năm 2010- 2015 thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định trong quản lý DA đầu tư, xây dựng. Hậu quả để lại là công trình kém chất lượng, nhiều đoạn đường bị hư hỏng nặng không sử dụng được, gây lãng phí lớn và thất thoát ngân sách Nhà nước. Vi phạm này đã làm ảnh hưởng không tốt đến tổ chức Đảng, của quân đội và tập thể BTVĐUQS tỉnh.

Ngoài ra, nhiều cá nhân sai phạm cũng đã bị kỷ luật. Cụ thể, ông Trần Đình Phòng- nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh bị BTVTU kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. Ông Phòng bị kỷ luật do chủ quan, thiếu trách nhiệm, dẫn đến chưa kịp thời tham mưu giúp BTVĐUQS tỉnh trong việc lãnh đạo, chỉ đạo trên lĩnh vực đầu tư, xây dựng và quản lý dự án; triển khai thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định trong quản lý dự án đầu tư, xây dựng dẫn đến công trình kém chất lượng. Ông Ngô Tăng Định- nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh TT-Huế cũng bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo. Đối với trường hợp của ông Nguyễn Hồng Sơn- hiện là Ủy viên BTVĐUQS tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS đang được Tỉnh ủy TT-Huế tiếp tục xem xét trách nhiệm liên quan.

Đối với các ông Phạm Lệ Thúy- Trưởng ban Tài chính, Trần Đức Thành- trợ lý công binh, Lê Quang Bình- Chánh Văn phòng và Phạm Quảng Bình Long- nhân viên kế toán Ban Tài chính của Bộ CHQS tỉnh- đều là thành viên BQLDA các thời kỳ bị UBKTTU TT-Huế kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Tuy nhiên, căn cứ Quy định 102 - QĐ/TW, ngày 15-1-2017 của Bộ Chính trị về thời hiệu xử lý kỷ luật đảng viên, thời hiệu kỷ luật Đảng được quy định 5 năm đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách là đã quá thời hiệu xử lý. Vì vậy, UBKTTU không thi hành kỷ luật Đảng đối với ông Thúy, ông Thành, ông Bình và ông Long theo thẩm quyền. UBKTTU yêu cầu các ông này nghiêm túc kiểm điểm bản thân và tích cực phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện khắc phục những vi phạm, khuyết điểm.

Trước đó, UBKT T.Ư đã thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa- Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng- an ninh của Quốc hội. Ông Nghĩa bị kỷ luật vì trong thời gian giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh TT-Huế (từ tháng 4-2005 đến 1-2012) đã có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu và thực hiện DA đường 74 dẫn đến công trình kém chất lượng, nhiều đoạn đường bị hư hỏng nặng, không sử dụng được gây thất thoát, lãng phí lớn ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Đảng, quân đội và cá nhân.

H.LAN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_202783_duong-quoc-phong-hon-530-ty-dong-tai-tt-hue-kem-chat-luong-ky-luat-hang-loat-can-bo.aspx