Đường lối, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với người viết báo, làm báo

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập ra Đảng, Nhà nước và là người sáng lập ra nền báo chí Cách mạng Việt Nam. Phong cách viết báo và làm báo của Người góp phần thực hiện chỉ thị 05/CT- TW của Bộ chính trị khóa XII về 'Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh' đối với báo chí Việt Nam nói chung, cũng như mỗi nhà báo nói riêng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi báo chí là vũ khí sắc bén trong cuộc chiến của Cách mạng Việt Nam trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người lảnh đạo thiên tài của dân tộc, là người thầy của nền báo chí Việt Nam, trong thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng, Người viết: "Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng, một tờ báo mà không được đại đa số dân chúng ham muốn thì không xứng đáng là một tờ báo”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh ( Ảnh tư liệu )

Chủ tịch Hồ Chí Minh ( Ảnh tư liệu )

Ngày 16-04-1959, Đại hội lần thứ II- Hội nhà báo Việt Nam, Bác có nhắc lại: "Báo chí của chúng ta không phải cho một số ít người xem, mà để phục vụ cho nhân dân, mục đích của chúng ta là xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, giử gìn hòa bình thế giới. Mỗi tờ báo như báo của nông dân, báo của công nhân, báo của thanh niên, báo của phụ nữ… nên có những đặc điểm riêng của nó”, và Bác nói: "Báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng, đường lối chính trị đúng thì việc khác mới đúng được”. Đường lối chính trị đúng là điểm gốc của mọi hoạt động trong nền báo chí Cách mạng.

Điều thứ nhất là viết báo phải có căn cứ. Đây là yêu cầu trước hết để đảm bảo như lời Bác căn dặn: "Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”. Bác yêu cầu người viết phải có trách nhiệm cao trước nội dung bài viết của mình, phải có căn cứ thuyết phục.

Điều thứ hai là viết cho đúng đối tượng, theo lời Bác chúng ta luôn tự hỏi: "Viết cho ai xem, nói cho ai nghe? Nếu không như vậy cũng như cố ý không muốn cho người ta nghe và không muốn cho người ta xem”. Trong bài viết của Bác viết cho đồng bào, chiến sĩ, Bác luôn viết thật đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ. Bác có dặn: "Viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, chiến sĩ điều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được”.

Điều thứ ba là bài viết phải ngắn gọn, giản dị, đây là đặc trưng nổi bật của văn phong báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác viết cho bất cứ đối tượng nào, như đối tượng có học thức và những người học thức thấp, Bác căn dặn: "Nói những điều thiết thực, đúng đường lối chính trị, ít tếu, viết ngắn, giản dị, dễ hiểu, trình bài rõ ràng, ít tiếp sang trang khác”, bài viết chúng ta phải đi thẳng vào nội dung thiết thực, ngắn gọn.

Điều thứ tư là bài viết phải sinh động, lôi cuốn người đọc: Đây là điều cần thiết để thu hút người đọc vì vậy chúng ta phải học theo phong cách Bác, phải biết dùng hình ảnh, lối ví thích hợp gần gũi với mỗi người.

Điều thứ năm là phải viết thẳng thắn, có tính chiến đấu: Chúng ta làm báo là tham gia vào cuộc đấu tranh tư tưởng bằng những thông tin chọn lọc có căn cứ, phê bình thói hư tật xấu trong xã hội, để xây dựng đạo đức, vì vậy người viết phải có bản lĩnh nghề nghiệp, phải có phong cách thẳng thắn bảo vệ cái đúng, không dùng ngòi bút uốn cong sự thật. Chủ tich Hồ Chí Minh là tấm gương sáng cho chúng ta noi theo, Bác thẳng thắn phê phán chủ nghĩa đế quốc và phê bình đồng chí của mình.

Điều thứ sáu là phải biết khiêm tốn sửa bài của mình: Ai cũng vậy, từ những bài viết đầu tiên ai cũng có thể có sai sót, vì vậy chúng ta phải biết khiêm tốn sửa cũng như Bác lúc tập viết tin trên những bài báo của pháp, Bác kể lại "Đấy tôi thử viết bài này, đăng được thì các đồng chí đăng cho, tôi không có tự ái đâu, nhờ các đồng chí sửa để tôi học thêm”.

Điều thứ bảy đã là cán bộ báo chí thì phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, học tập chính trị để nắm vững chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động vì báo chí là để: "Phục vụ nhân dân, để tuyên truyền, giải thích đường lối chính sách của Đảng và Chính phủ”

Điều thứ tám báo chí luôn phải xứng đáng là diễn đàn của nhân dân, phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng: vì vậy báo chí chúng ta phải luôn nâng cao chất lượng về nội dung và cả hình thức để bắt kịp thời đại công nghệ.

Để có một tờ báo hay, có ý nghĩa không chỉ có sự nỗ lực của người viết mà bên cạnh còn có sự nỗ lực của người sửa báo, in báo và người phát hành báo… Vì vậy, sự nghiệp của người viết báo, làm báo phải phục vụ hết mình cho sự nghiệp của Đảng, Nhà nước để đưa thông tin đến nhân dân.

Minh Luận

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/xa-hoi-tphcm-bac-ho-chu-tich-ho-chi-minh-d98929.html