Đường kiểu mẫu TPHCM: Nhếch nhác vì rác, chiếm dụng vỉa hè

Trải qua 7 năm thực hiện kế hoạch xây dựng tuyến đường kiểu mẫu 'xanh, sạch, đẹp, thân thiện' trên địa bàn TPHCM, đến nay, chỉ có 4 trong tổng 159 tuyến đường đã đăng ký đạt chuẩn, các tuyến đường còn lại vẫn đang nhếch nhác vì đầy rác thải, vỉa hè bị chiếm dụng.

Người đi bộ “né” vỉa hè.

Năm 2012, Sở Giao thông Vận tải TPHCM và các quận, huyện bắt đầu triển khai thực hiện xây dựng các tuyến đường kiểu mẫu, đồng bộ hạ tầng và hoàn thiện chỉnh trang đô thị. Sở cũng cam kết về việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông, giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè trên 159 tuyến đường đã đăng ký.

Tiêu chí đặt ra để đánh giá tuyến đường kiểu mẫu về văn minh đô thị tại TPHCM bao gồm: Không có bán hàng rong, ăn xin; không treo, vẽ, dán quảng cáo trái phép; không được lấn chiếm vỉa hè để sử dụng ngoài mục đích dành cho người đi bộ; việc lắp đặt thùng rác, nhà vệ sinh công cộng phải đảm bảo mỹ quan, thuận lợi cho người dân sử dụng… Tuy nhiên, do sự quản lý không chặt từ cơ quan chức năng nên phần lớn các tuyến đường kiểu mẫu đã không còn giữ được tiêu chí quy định.

Tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa chạy dọc hai bên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đi qua các Quận 1, 3, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận được Sở Giao thông vận tải và các địa phương lập kế hoạch và triển khai thực hiện“tuyến đường kiểu mẫu” tiêu biểu về bảo vệ môi trường, trật tự, mỹ quan đô thị. Thành phố chi hơn 500 tỉ đồng cải tạo mặt đường, lát vỉa hè trồng cây xanh…

Người dân sử dụng vỉa hè để buôn bán khiến người đi bộ không có không gian để di chuyển

Người dân sử dụng vỉa hè để buôn bán khiến người đi bộ không có không gian để di chuyển

Rác được tập kết thành đóng lớn, che mất lối đi buộc người dân phải di chuyển xuống lòng lề đường

Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế, ban ngày, vỉa hè hai tuyến đường này luôn trong tình trạng lộn xộn, nhếch nhác, chạy dọc theo cung đường, nhiều đoạn thậm chí không có vỉa hè, các hộ kinh doanh điện thoại, bán hoa, trái cây… trưng dụng vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán, đặt hàng hóa.

Ban đêm, hai tuyến đường tấp nập, nhộn nhịp hẳn lên bởi các quán cà phê, quán nhậu, đồ ăn đêm với bàn ghế, bạt dù, biển quảng cáo treo chật kín vỉa hè. Đặc biệt vào những buổi tối cuối tuần, các quán nhậu thường không còn chỗ ngồi từ sớm, bàn ghế được bày tràn ra vỉa hè sát mặt đường. Bãi giữ xe không còn chỗ nên vỉa hè, lòng đường được trưng dụng là nơi phục vụ kinh doanh. Người đi bộ không còn lối đi đành phải đi men dưới lòng đường, bất chấp nguy hiểm luôn rình rập.

Ngoài ra, dọc hai bên bờ kênh còn ngổn ngang các xe bán hàng rong, kẹo kéo, diễn xiếc vô tư đậu dưới lòng đường để biểu diễn, mời chào khách. Từ lâu con đường này được người dân thành phố mặc định với tên là bờ kè ăn nhậu.

Tương tự, các tuyến đường kiểu mẫu khác ở Quận 3, Quận 5, Quận 10 như: đường Nguyễn Trãi, Bà Huyện Thanh Quan, Trương Định, Trần Hưng Đạo, 3/2…. rất khó tìm thấy những khoảng trống trên lề đường. Dọc tuyến đường, hàng quán bày bán thành nhiều dãy trên vỉa hè, xe của khách đậu kín hai bên đường khi về đêm.

Tuyến đường Thành Thái (Quận 10) cũng là thiên đường của giới ăn nhậu với hàng trăm hàng quán san sát, phục vụ tới sáng cho các dân chơi. Đường Nguyễn Chí Thanh (Quận 5) các quán cà phê, giữ xe… thi nhau chiếm hết vỉa hè. Đường Lê Hồng Phong (Quận 10) tình trạng xe khách đón trả khách dưới lòng đường vẫn vô tư thực hiện dù cơ quan chức năng đã cắm biển cấm dừng đậu.

Cần sự đồng bộ…

Dù cơ quan chức năng cũng đã nhiều lần ra quân kiểm tra, dọn dẹp nhằm chấm dứt tình trạng lấn chiếm trái phép vỉa hè, buôn bán chiếm dụng lòng lề đường nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả cao. Khi các đoàn đến kiểm tra thì lòng đường, vỉa hè được dọn dẹp gọn gàng, sạch sẽ. Tuy nhiên, sau khi rời khỏi thì tình trạng chiếm dụng vỉa hè lại tiếp tục tái diễn với hình thức ngày càng tinh vi, quy mô hơn trước. Hầu hết những người bị truy quét, tịch thu tang vật đều là những người bán hàng rong, người buôn bán nhỏ lẻ.

Anh Lê Văn Hoàng (Quận 3) bức xúc, người dân muốn đi bộ trên vỉa hè cũng không được do các hàng quán đã lấn chiếm để buôn bán, không còn không gian để di chuyển. Để đáp ứng nhu cầu đi lại, buộc người dân phải sử dụng lòng lề đường như một phương án bắt buộc. Mong chính quyền có biện pháp mạnh tay, xử lý triệt để vấn đề, tránh tình trạng kéo dài, trả lại vỉa hè theo đúng mục đích sinh ra của nó.

Chị Lê Thị Mai (Quận Gò Vấp) cho biết, thực tế hiện nay, vỉa hè được các hộ dân chủ yếu sử dụng cho mục đích kinh doanh, không còn phục vụ cho cộng đồng. Nhiều lần cơ quan chức năng đến kiểm tra, xử lý nhưng khó phát hiện vi phạm do các hàng quán đã có sự chuẩn bị để đối phó. Sau đợt kiểm tra, thực trạng trên lại tiếp diễn, gây bức xúc lớn trong người dân.

Vỉa hè được trưng dụng phục vụ kinh doanh của các quán nhậu, café… Dù đã nhiều lần kiểm tra, xử lý vi phạm nhưng thực trạng trên “đâu vẫn vào đó” khi vắng bóng cơ quan chức năng

Theo ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM cho biết, 24 quận huyện ở TPHCM đã đăng ký 159 tuyến đường kiểu mẫu từ năm 2012. Đến nay chỉ có 4 tuyến đường là Trần Phú (Quận 5), đường Hiền Vương, Chế Lan Viên (Quận Tân Phú) và đường Nguyễn Kiệm (Quận Gò Vấp) là đạt 100% các tiêu chí của tuyến đường kiểu mẫu. Các tuyến đường còn lại vẫn đang diễn ra tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán, mất an ninh trật tự…

Thiết nghĩ, để xây dựng thành công các tuyến đường kiểu mẫu trên địa bàn TPHCM, ngoài sự phối hợp hành động giữa các cấp, các ngành cần phải chú trọng đến việc triển khai lắp đặt thêm các phương tiện, công trình hỗ trợ như: thùng rác, nhà vệ sinh công cộng... Đồng thời, cần mạnh tay xử phạt các hành vi vi phạm, kết hợp vận động, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng để thay đổi nhận thức của người dân.

Nhất Long

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/duong-kieu-mau-tphcm-nhech-nhac-vi-rac-chiem-dung-via-he-24667.html