Đường Hồ Chí Minh không thể thông tuyến trong năm 2020

Thiếu vốn, đầu tư BOT không khả thi, Dự án quan trọng quốc gia đường Hồ Chí Minh chưa thể nối thông toàn tuyến vào năm 2020 như yêu cầu của Nghị quyết số 66/2013/QH13.

Đường Hồ Chí Minh-Công trình quan trọng Quốc gia được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư từ 2004, có điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau), dài 3.183km, tuyến chính dài 2.499km, nhánh phía Tây dài 684km. Theo phân kỳ đầu tư thì đến năm 2020 hoàn thành các dự án thành phần để nối thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe với chiều dài khoảng 2.744km (không bao gồm các đoạn đi trùng đã và đang được đầu tư bằng các dự án khác). Sau năm 2020 nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.

Việc đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh nhằm đến 5 mục tiêu: Tạo sự liên thông ở khu vực phía Tây Tổ quốc và sự liên hệ chặt chẽ ba miền Bắc-Trung-Nam; hình thành hệ thống cơ sở hạ tầng để khai thác và phát triển một vùng đất rộng lớn, giàu tiềm năng ở phía Tây Tổ quốc; điều chỉnh lại cơ cấu kinh tế, phân bố lại dân cư và lực lượng lao động trong phạm vi cả nước, góp phần tích cực vào chương trình xóa đói giảm nghèo. Đồng thời hình thành trục dọc xuyên Việt thứ hai, giảm tải cho QL1; kết hợp với QL1 cùng hệ thống đường ngang từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông Bắc-Trung-Nam; bảo đảm giao thông thông suốt đi lại quanh năm (kể cả những năm có mưa lũ cao); liên kết các vùng trọng điểm kinh tế, các cửa khẩu, các cảng biển trên toàn quốc và các nước trong khu vực, đáp ứng xu thế hội nhập của nền kinh tế đất nước; góp phần bảo đảm phòng thủ biên giới, ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng…

Đường Hồ Chí Minh.

Đường Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, dù được khởi công từ năm 2000 song đến nay, dự án mới hoàn thành 2.218 km/2.744km, đạt 80,8% và khoảng 258 km tuyến nhánh; đang triển khai đầu tư 237km; còn lại khoảng 289 km chưa bố trí được vốn để triể khai thực hiện.

Cụ thể hơn, khu vực phía Bắc từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Chợ Bến (Hòa Bình) dài khoảng 273km, đã hoàn thành 113km và chưa triển khai 160km. Để nối thông khu vực phía Bắc cần bố trí vốn để triển khai 2 dự án thành phần với tổng chiều dài khoảng 160km/tổng mức đầu tư 17.867 tỷ đồng. Từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) chiều dài đầu tư trước đây khoảng 1.532km bao gồm cả nhánh Tây dài 684km, đã hoàn thành đầu tư xây dựng 1.350km, đang triển khai 182km (sau khi duyệt dự án và điều chỉnh cục bộ hướng tuyến còn 175km).

Khu vực Tây Nguyên từ Tân Cảnh (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước) dài khoảng 553km, đã hoàn thành toàn bộ. Khu vực phía Nam từ Chơn Thành (Bình Phước) đến Đất Mũi (Cà Mau) có chiều dài khoảng 386km, đã hoàn thành 202km, đang thi công 55km, chưa triển khai 129km. Nếu nối thông khu vực phía Nam cần bố trí vốn để triển khai 2 dự án thành phần với tổng chiều dài khoảng 129km, tổng mức đầu tư 6.343 tỷ đồng.

Để hoàn thành nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh 2 làn xe cần thêm khoảng 24.210 tỷ đồng để đầu tư 289km còn lại. 24.210 tỷ đồng gồm: Vốn dự kiến huy động đầu tư theo hình thức BOT là 16.216 tỷ đồng cho dự án đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến và phần vốn trái phiếu Chính phủ cần tiếp tục cân đối là 7.994 tỷ đồng cho 3 dự án (đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn; đoạn Chơn Thành - Đức Hòa và phần còn lại của đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất và Gò Quao - Vĩnh Thuận).

Trong đó 3 dự án thành phần dự kiến sử dụng vốn ngân sách Nhà nước: Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu lập đề xuất dự án đối với 3 dự án thành phần đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn; đoạn Chơn Thành - Đức Hòa và phần còn lại của đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận nhưng khả năng cân đối ngân sách trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 vẫn đang rất khó khăn. Một dự án thành phần dự kiến huy động đầu tư theo hình thức BOT (Dự án đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến dài 130km, tổng mức đầu tư 16.216 tỷ đồng, do lưu lượng xe thấp, đã có các Quốc lộ 2, quốc lộ 21A song hành, việc đầu tư theo hình thức BOT không khả thi về phương án tài chính nên Bộ Giao thông Vận tải đang giao lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Để tháo gỡ khó khăn, Chính phủ kiến nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố có đường Hồ Chí Minh đi qua đang còn vướng mắc giải phóng mặt bằng và đang triển khai thi công như: Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế… tiếp tục quan tâm chỉ đạo có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao mặt bằng triển khai thực hiện Dự án cũng như thực hiện tốt công tác quản lý hành lang an toàn giao thông đường bộ. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm bổ sung nguồn vốn để triển khai các dự án Chợ Mới - Ngã ba Trung Sơn tỉnh Tuyên Quang; dự án Chơn Thành - Đức Hòa thuộc các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và phần còn lại của đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận thuộc các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu.

Do nguồn lực đầu tư hết sức hạn hẹp nên kiến nghị Quốc hội: Xem xét đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đầu tư các đoạn: Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn, Chơn Thành - Đức Hòa, Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận. Đối với đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến, do nhu cầu vận tải chưa cao, hiện tại có Quốc lộ 2 và Quốc lộ 21A song hành đảm bảo đáp ứng nhu cầu vận tải trong khu vực nên sẽ xem xét đầu tư theo quy mô đường cao tốc tùy theo nhu cầu vận tải và khả năng cân đối nguồn lực, dự kiến trong giai đoạn sau năm 2025.

Phạm Huyền

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/dieu-tra-theo-don-ban-doc/duong-ho-chi-minh-khong-the-thong-tuyen-trong-nam-2020-616027/