Đường hành quân giữa mùa xuân

Biên giới Cao Bằng tháng 2 - 2014, tôi vinh dự là phóng viên nữ đầu tiên đặt chân đến mốc 731/2, trên đỉnh núi cao 900,96m, tọa độ 22 vĩ độ Bắc, 106 kinh độ Đông trong một chuyến tuần tra khép kín đầu xuân Giáp Ngọ của tổ tuần tra Đồn BPCK Trà Lĩnh. Chúng tôi gọi cột mốc xây bằng đá hoa cương trên đỉnh núi mù sương này là mốc hoa đào.

Cột mốc 731/2 bên cạnh cây hoa đào núi.

Cột mốc 731/2 bên cạnh cây hoa đào núi.

Xuất phát từ Đồn BPCK Trà Lĩnh, chúng tôi nhằm hướng cột mốc 731/2 thuộc thôn Pò Rẫy, thị trấn Hùng Quốc thẳng tiến. Đến được cột mốc này, tổ tuần tra phải di chuyển bằng xe gắn máy, rồi bỏ xe dưới chân núi và đi bộ qua 3 đỉnh núi, mới tới đỉnh cao gần 1.000m có đặt mốc giới xây bằng đá hoa cương chìm trong sương lạnh. Cột mốc 731/2 là mốc duy nhất trên tuyến biên giới này có một cây hoa đào trồng bên cạnh đang nở rộ vào xuân. Biên giới những ngày này nhiệt độ đột ngột hạ thấp. Mưa xuân vỗ trời. Không khí đục bảng lảng sương khiến cho thời tiết càng thêm lạnh giá. Cây đào ở mốc 731/2 nở muộn trên đỉnh núi là biểu tượng của mùa xuân biên giới, thôi thúc chúng tôi quyết tâm hành quân vượt núi, mặc dù rừng vẫn đang mưa và càng đi đường càng khó khăn, vất vả.

Thượng úy Vũ Văn Dương, Chính trị viên phó Đồn BPCK Trà Lĩnh, Đội trưởng vũ trang Phạm Tuấn Tài, các chiến sĩ trẻ Hoàn, Hữu, Hùng, Hoài và cán bộ quân y của đồn cùng chúng tôi leo núi. Mưa ướt sũng cây rừng và đất rừng biên cương. Đường hành quân trơn nhẫy, khí núi quyện mùi lá mục làm nặng ngực, khó thở. Đây là đợt tuần tra khép kín đầu tiên sau Tết Nguyên đán tới cột mốc hoa đào. Trước Tết, khi tổ tuần tra đặt chân tới đây trong buổi tuần tra tất niên, cây hoa đào vẫn chưa nở vì thời tiết lạnh giá kéo dài. Biên cương tê tái trải qua một đợt rét âm độ, mưa tuyết và sương giá đóng băng, cây cối héo rũ vàng cháy vì sương muối. Vậy mà chỉ cần qua sáng Tết Nguyên đán, chạm tới mùa xuân, cây rừng như bừng tỉnh, hoa nở dọc đường tuần tra, lá non như những chùm nến sáng bừng lên làm háo hức thêm tâm trạng của những người lính Biên phòng. Hoàng Văn Hữu, chiến sĩ trẻ vừa nhập ngũ được vài tháng tới Đồn BPCK Trà Lĩnh cao hứng lấy điện thoại ra chụp ảnh những bông hoa nhỏ nở dọc đường đi, miệng hát vang một bài hát nhạc trẻ. Chúng tôi đứng trên đỉnh núi cao nhìn xuống những dãy núi trùng điệp của Hùng Quốc, bất chợt thấy non nước Cao Bằng hiện ra như một bức tranh thủy mặc. Để có một dấu chân tuần tra bình yên như hôm nay, biên cương đã phải trải qua hàng trăm năm thấm máu đào của lớp lớp anh hùng, liệt sĩ từng tham gia giữ đất.

Lần lượt tuần tra qua các mốc 733, 733/1, con đường rừng phía trước càng khó đi hơn, có chỗ dốc đứng bò lên từ thung sâu. Đội trưởng vũ trang Phạm Tuấn Tài nói, anh có thể thuộc từng ngọn cỏ trên con đường này, bởi với thâm niên hơn 3 năm ở đơn vị, chuyên làm nhiệm vụ tuần tra. Trung bình mỗi tuần, anh đi 2 lần vòng quanh biên giới, không biết bao nhiên dấu chân người chiến sĩ này đã qua lại, nén chặt thêm đất biên thùy. Phạm Tuấn Tài nói, gần đây, phía Trung Quốc tiến hành thi công con đường tuần tra phía đất bạn nằm sát đường tuần tra bên mình, cho nên tổ tuần tra của anh càng phải đi nhiều hơn, mật độ dày thêm để cùng giám sát và bảo vệ đường biên, mốc giới của mình. Có khe núi rộng vài sải chân, các anh vắt ngang một cây rừng nhỏ để đi qua, thân cây đó đã mòn dấu chân đủ biết những người lính chưa khi nào rời xa những cột mốc, đường biên mà họ có nhiệm vụ bảo vệ.

Chúng tôi cứ người sau bám lưng người trước, cuối cùng cũng vượt qua 2 đỉnh núi cao. Cột mốc hoa đào vẫn ở phía cao, phía xa, lẫn vào trong sương mù. Nhìn sang phía đất bạn, con đường mòn tuần tra lên mốc của họ có vẻ thẳng thớm, quang quẻ hơn, bởi địa hình vành đai biên giới của ta dốc và hiểm trở hơn nhiều. Con đường tuần tra này chỉ có thể xây lên bởi dấu chân của những người lính Biên phòng, chứ chẳng có phương tiện máy móc nào có thể tới được. Chừng đã đi chùng gối, mỏi chân, gắng leo lên vách núi hơn 1.000m, theo chân những người lính, cuối cùng tôi cũng tới được cột mốc hoa đào trên đỉnh núi. Mây núi trên cao vần vũ và trong gió sương mờ ảo, cột mốc 731/2 sừng sững bên cạnh một gốc đào đã tỏa rộng đang chum chúm ngàn bông hoa. Cảnh sắc thanh bình và lãng mạn nhất mà tôi từng được chứng kiến: Những người lính sau chặng tuần tra tới đích đang nở những nụ cười tươi rói và ngắm nhìn những cánh hoa đào ngậm sương. Tôi lấy máy ảnh chụp lia lịa những mong ghi lại được khoảnh khắc ấy. Thượng úy Vũ Văn Dương mảnh mai như một thư sinh rốt cục lại là người leo núi dẻo dai, bền bỉ nhất. Anh đứng trên đỉnh núi, vẫy gọi đồng đội theo mình và kể cho tôi nghe chuyện tại sao trên cột mốc biên cương xa xôi lại có một cây hoa đào núi đẹp thế. Vốn dĩ trước kia, khi xây cột mốc này, đội phân giới cắm mốc của cả hai bên đã bứng một cây đào rừng rồi trồng vào đây, cùng hứa với nhau bảo vệ cây đào đoàn kết và hữu nghị này, không người nào được chặt đi. Dù quanh năm chịu sương giá, nhưng cây đào luôn nở hoa rất đẹp, dù nở muộn, vẫn dành cho những người lính Biên phòng sự hứng khởi vô bờ bến khi mùa xuân về.

Đường tuần tra mùa xuân.

Chúng tôi ở bên cây hoa đào chờ Đội trưởng vũ trang Phạm Tuấn Tài thực hiện công tác kiểm tra cột mốc, sau đó thong thả xuống núi. Trời biên cương về chiều, sương giá bớt đi, đường tuần tra sáng hẳn. Liên tục như vậy với các cột mốc khác trên dải biên cương này, tổ tuần tra lần lượt thực hiện cuộc tuần tra khép kín. Có cột mốc phải đi bộ cả ngày đường mới tới được, cứ hết vòng cung này lại sang vòng cung khác. Những bóng áo rằn ri luôn luôn chuyển động trên đường biên. Sau nhiều năm binh biến và loạn lạc, biên giới Cao Bằng giờ nở hoa đào là hi sinh xương máu của bao thế hệ giữ nước. Hùng Quốc - thành phố Cao Bằng là con đường ngắn nhất từ biên giới vào trung tâm tỉnh lỵ, vì thế mà các mốc giới biên cương ở đây là những điểm quan trọng nhất trong toàn tuyến.

Ghé vào nhà ông Đàm Văn Tâm, xóm Pò Rẫy, thị trấn Hùng Quốc một trong những xóm giáp biên có 53 nóc nhà của đồng bào dân tộc Nùng, chúng tôi quây quần bên chén rượu đầu xuân cùng chủ nhà. Ông Tâm là Bí thư chi bộ thôn Pò Rẫy, phụ trách Tổ tự quản đường biên, cột mốc ở đây, là chỗ dựa tin cậy cho những người lính Biên phòng. Tai mắt của các anh nằm ở từng người dân, từng xóm giáp biên, vì thế, nhất cử nhất động ở vành đai biên giới, người lính đều nắm trong lòng bàn tay mình. Chúng tôi nâng chén rượu ngô của người Nùng tự nấu lấy, chúc mừng năm mới gia chủ và được nghe ông kể chuyện bà con canh tác những thửa ruộng trên vùng đất biên cương, chuyện ăn Tết theo phong tục tập quán của địa phương. Nhiều lần bà con cùng với thanh niên, phụ nữ của xóm cũng lên núi, phát quang đường tuần tra, giúp cho quân và dân cùng đi lại dễ dàng hơn. Sao cho biên cương là nhà vậy. Những câu chuyện cứ thế rôm rả mãi, chẳng còn khoảng cách nào giữa nhiệm vụ của người lính và tình yêu của đồng bào với cột mốc, đường biên. Ngoài vườn, hoa cải nở vàng cả vạt sân.

Một mùa xuân mới lại đến trên đất Cao Bằng.

Trương Thúy Hằng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/duong-hanh-quan-giua-mua-xuan/