Đường gỗ lim bên sông Hương bị nứt: Lựa chọn bắt buộc

Cơ quan chức năng Thừa Thiên - Huế thừa nhận việc lát gỗ lim quanh sông Hương là không phù hợp nhưng là điều bắt buộc, không có lựa chọn khác.

Ngày 22/8/2018, nói về con đường đi bộ dài 16km quanh sông Hương được ghép bởi 16.000 thanh gỗ lim đang bị rạn, nứt, ông Văn Viết Thành - Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Thủy lợi Thừa Thiên - Huế cho biết:

Chúng tôi biết rằng vật liệu gỗ là bất tiện đối với khí hậu của Huế, nhưng đây là bắt buộc, phải làm đường bằng gỗ từ nhà tài trợ KOICA của Hàn Quốc khi công trình này được họ tài trợ 100% kinh phí không hoàn lại”.

Loại gỗ được lựa chọn cho dự án là gỗ lim Nam Phi có giá 12 triệu đồng/m2. Tổng kinh phí cho riêng việc lát sàn gỗ là hơn 42 tỷ đồng. Dự án tiêu tốn khoảng 3.500m2 gỗ lim Nam Phi.

Nhiều vết nứt trên các thanh gỗ tại đường đi bộ quanh sông Hương.

Nhiều vết nứt trên các thanh gỗ tại đường đi bộ quanh sông Hương.

Khi dự án được đưa ra, có nhiều lựa chọn cho việc nát nền đường đi bộ ven sông Hương gồm đá granit, gỗ tổng hợp, gỗ lim...

Cuối cùng, đơn vị quản lý dự án đã lựa chọn gỗ lim Nam Phi bởi ưu điểm cứng, chắc, bền, không bị mối mọt, co rút, biến dạng hay cong vênh theo thời tiết, bền vững theo thời gian, đặc biệt ở vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm,…

Tuy nhiên, đang trong giai đoạn thi công nhưng hàng loạt các thanh gỗ lim đã xuất hiện nhiều vết nứt, trong đó có những vết nứt chân chim và một số tấm xuất hiện các vết lớn, tạo thành khe hở chạy dọc theo thớ gỗ.

Hàng chục tấm gỗ lim vừa được đơn vị thi công lát xuống sàn đã bị nứt nẻ, có dấu hiệu cong vênh. Để “che đậy” những vết nứt này, đơn vị thi công phải dùng một số chất phụ gia trám vào các tấm gỗ.

Đường đi bộ quanh sông Hương có phí đầu tư gần 60 tỷ đồng.

Hiện tượng hàng loạt tấm gỗ lim bị nứt không chỉ xuất hiện trên bề mặt sàn mà còn dễ dàng phát hiện tại các tấm gỗ “nằm phơi nắng” rải rác khắp công trình.

Nhiều thợ gỗ điêu luyện ở Việt Nam cho rằng, sử dụng gỗ lim làm đường đi bộ không phù hợp với thời tiết khắc nghiệt ở Việt Nam, nhất là khu vực miền Trung vốn có thời tiết nắng nóng, mưa gió thất thường, sẽ bị mục.

Được biết, gỗ lim Nam Phi cũng có nhiều loại, trong đó có những loại không đảm bảo, không biết cách xử lý thì độ bền không cao, dễ bị rạn, nứt. Dù gỗ tốt như thế nào cũng nhanh hư hỏng, bị mục do tác động của thời tiết.

Theo những nghệ nhân gỗ lâu năm, mặt đường nên lát bằng đá giả gỗ vẫn đảm bảo độ đẹp và bền. Trong khi đó, chi phí bảo trì gỗ lim rất lớn, giá thành gỗ lim lát đắt gấp mấy chục lần giả đá. Lát gỗ lim quá lãng phí.

Thanh Phong (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/duong-go-lim-ben-song-huong-bi-nut-lua-chon-bat-buoc-3364166/