Đường đua xe F1 độc đáo ở Việt Nam có gì đặc biệt?

Sau Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Việt Nam là quốc gia thứ 4 trong khu vực châu Á tổ chức chặng đua F1.

Sáng 20/3, UBND TP Hà Nội và Công ty Việt Nam Grand Prix (thuộc Tập đoàn Vingroup) tổ chức lễ khởi công đường đua công thức 1 (F1) tại quận Nam Từ Liêm.

Lễ khởi công đường đua F1 ở Hà Nội.

Lễ khởi công đường đua F1 ở Hà Nội.

Đường đua công thức 1 Hà Nội (F1 Hà Nội) và các khu chức năng được triển khai trên tổng diện tích 88 ha, gồm một phần thuộc khuôn viên của Khu liên hiệp thể thao Mỹ Đình và một phần trên đường giao thông công cộng.

Đường đua dài hơn 5,5 km, gồm 22 góc cua được kế thừa và lấy cảm hứng từ những đường đua hấp dẫn nhất thế giới ở Đức, Monaco và Nhật Bản... Đây sẽ là nơi duy nhất cho phép tay đua vừa phô diễn tốc độ cao trên đoạn đường thẳng chạy dài, vừa thể hiện kỹ năng tại các góc cua lắt léo của một đường đua trong phố, tạo nên một trong những chặng đua kịch tính.

Xem video: Hình ảnh Việt Nam trong gia đình F1

Mô phỏng thiết kế đường đua phố F1 được cho ra đời bởi sự kết hợp giữa F1 Motorsport và công ty thiết kế đường đua danh tiếng Tilke của Đức - công ty được biết đến với việc thiết kế rất nhiều đường đua F1 và MotoGP trên thế giới.

Theo những thông tin từ Formula1, góc cua 1 và 2 tại đường đua sẽ được thiết kế tương tự như góc cua mở tại đường đua Nurburgring của Đức. Trong khi đó, góc cua 12 đến 15 được thiết kế dựa trên cảm hứng từ đường đua Monaco. Góc cua 16 đến 19 khiến khán giả liên tưởng tới đường đua Suzuka (Nhật Bản), với những góc cua trái phải xen kẽ nhau liên tiếp… Thậm chí, những góc của cuối (từ 20 - 22) sẽ phảng phất dấu ấn của trường đua Sepang (Malaysia).

Sự hấp dẫn và kịch tính của đường đua phố F1 tại Việt Nam sẽ đến từ đoạn thẳng dài 1.500m (cùng một vài đoạn thẳng 675m, 880m) với tốc độ tối đa được kỳ vọng sẽ lên đến 335 km/h. Xem kẽ và đó là những góc cua hẹp thay đổi liên tục đòi hỏi các tay đua phải thực hiện những tình huống xử lý rất chính xác.

Các đoạn thẳng dài sẽ tạo rất nhiều thách thức cho các tay đua và đội đua. Đây sẽ là thời điểm mà các tay đua phải có những quyết định rất nhanh chóng để có được tốc độ tối đa. Đây cũng có thể được coi là cơ hội để các tay đua tranh giành thứ hạng trên đường đua.

Phối cảnh với góc nhìn từ trên cao của đường đua với những vị trí giao cắt với khu dân cư và các công trình thể thao hiện có.

Bên cạnh đường đua là các hạng mục hỗ trợ như: Trung tâm điều hành; đường thay lốp; khu vực điều khiển, hỗ trợ đường đua; nơi tổ chức sự kiện... Trong đó, công trình khán đài di động được tính toán và thiết kế dọc theo đường đua và những đoạn cua kịch tính.

Theo quy định của FIA, một khán đài có sức chứa 80.000 người, khu vực khu vực kỹ thuật (dài khoảng 300m) có cấu trúc 3 tầng, với 36 khoang phục vụ các đội đua, khu vực dành cho khách Paddock Club, với sức chứa khoảng 3.000 người… sẽ phải xây dựng cố định và sử dụng trong suốt 10 năm diễn ra chặng đua tại Hà Nội.

Xem video: Khu khán đài VIP của đường đua F1 Hà Nội

Thu Hằng

Nguồn Người Đưa Tin: https://xe.nguoiduatin.vn/520/duong-dua-xe-f1-doc-dao-o-viet-nam-co-gi-dac-biet-356194.html